Trong 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020, chỉ có 3 dự án được đầu tư theo hình thức PPP, còn lại là đầu tư công do vốn ngân sách nhà nước đảm trách.
Trong khi 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt có vốn 11.150 tỷ đồng và dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo vốn 8.925 tỷ đồng phải cần đến các liên danh, thì tại dự án Nha Trang - Cam Lâm có vốn 5.524 tỷ đồng, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư duy nhất trúng thầu.
Việc tham gia vào một dự án PPP có vốn đầu tư rất lớn sẽ cho phép tạo ra nhiều việc làm cho Sơn Hải với chính vai trò thi công, tuy nhiên cũng là sức ép rất lớn về chất lượng cũng như thời gian hoàn thành. Nói không quá, đây là phép thử đối với năng lực của tập đoàn Quảng Bình, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp này còn thực hiện 2 gói thầu khác trong toàn dự án cao tốc Bắc - Nam, đó là liên danh cùng Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường thực hiện gói thầu số 10-XL, giá trúng thầu hơn 1.628 tỷ đồng thuộc dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45; và liên danh cùng CTCP Tập đoàn Đèo Cả và CTCP Xây dựng Đèo Cả thực hiện gói thầu XL01, giá trị trúng thầu 1.158 tỷ đồng, thuộc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.
Đây là khối lượng công việc rất lớn, nếu được triển khai mạch lạc sẽ là động lực giúp Sơn Hải vượt qua giai đoạn khó khăn chung hiện nay của nền kinh tế.
Như nhiều doanh nghiệp "sếu đầu đàn" ở các tỉnh lẻ, Sơn Hải cũng đi lên từ xây dựng cầu đường, dân dụng, với loạt gói thầu/ dự án trên địa bàn Quảng Bình. Giai đoạn 2016-2019, doanh thu (công ty mẹ) của Sơn Hải tăng gấp đôi, từ 722 tỷ đồng lên 1.442 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản cũng tăng theo cấp số nhân, từ 1.527 tỷ đồng lên 3.631 tỷ đồng, và là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ở Quảng Bình.
Sau hơn 2 thập kỷ thành lập, bên cạnh mảng cốt lõi là xây dựng, kinh nghiệm, quan hệ cũng như nguồn lực tích góp được đã giúp Sơn Hải mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng cũng đầy tiềm năng là năng lượng và bất động sản.
Nhờ uy tín trên thị trường cùng chiến lược kinh doanh phù hợp, Sơn Hải ngày càng trở thành một thương hiệu lớn, không chỉ dừng lại ở vùng Quảng Bình - Quảng Trị, đặc biệt nếu các dự án/ gói thầu cao tốc Bắc Nam tới đây được tiến hành đúng tiến độ, chất lượng.
Đằng sau Chủ tịch 9x của Sơn Hải Group
Sự thành công của Sơn Hải Group gắn liền với vai trò của ông Nguyễn Viết Hải, cũng là chủ sở hữu chi phối, nắm tới 99,912% trong số vốn điều lệ 2.338,4 tỷ đồng của doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Viết Hải sinh năm 1966, lớn lên tại một vùng quê nghèo khó ở thôn Sen, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau 12 năm học tập trên ghế nhà trường, ông từng đứng trong hàng ngũ Công an Nhân dân. Ban đầu, ông công tác tại phòng hậu cần Công an Bình Trị Thiên, sau đó là phòng hậu cần Công an tỉnh Quảng Bình. Với tố chất kinh doanh, ông được lãnh đạo Công an tỉnh bố trí trực tiếp tham gia kinh doanh tại Công ty Nhật Lệ của Công an tỉnh Quảng Bình.
Năm 1996, cơ chế thay đổi, Công an không còn làm kinh tế, ông xin về và phát triển sự nghiệp kinh doanh với Tập đoàn Sơn Hải như đã biết.
Hiện tại, ngoài lĩnh vực kinh doanh, ông Hải rất tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Vào cuối tháng 5/2021, ông Nguyễn Viết Hải được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình (thuộc tổ đại biểu TP. Đồng Hới).
Ở một diễn biến bất ngờ, chỉ sau 1 tháng trở thành Đại biểu HĐND, ông Nguyễn Viết Hải vào đầu tháng 7 vừa qua đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Sơn Hải Group, thay vào đó là ông Lê Văn Hướng. Doanh nhân trẻ sinh năm 1994 này cũng là thành viên còn lại, sở hữu 0,088% vốn Sơn Hải Goup.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên ông Lê Văn Hướng trở thành Chủ tịch HĐTV Sơn Hải Group, mà từ tháng 5/2019, ở tuổi 25, ông Hướng đã đã bầu làm lãnh đạo cao nhất, kiêm người đại diện theo pháp luật.
Vị doanh nhân trẻ tuổi ngồi ghế Chủ tịch Sơn Hải trong hơn một năm rưỡi, trước khi ông Nguyễn Viết Hải trở lại vào đầu năm 2021.
Ở lần tái xuất thứ 2, ông Lê Văn Hướng cùng là người đại diện theo pháp luật tại Sơn Hải, bên cạnh 2 Giám đốc giàu kinh nghiệm là ông Nguyễn Quang Minh (SN 1966) và ông Trần Chí Khoa (SN 1949).
Ngoài Sơn Hải, ông Hướng hiện còn đứng tên tại các thành viên trong tập đoàn, là CTCP Thuỷ điện Đăk Di 4, Công ty TNHH Đầu tư Hướng Tuấn Đạt và Công ty TNHH Minh Hướng, đều đặt trụ sở tại Quảng Bình.
Ông Lê Văn Hướng là kỹ sư cầu đường, bắt đầu làm việc tại Sơn Hải Group từ giữa năm 2017. Cả gia đình gồm bố, mẹ, và chị gái của ông Hưởng cũng đều đang làm nhân viên/ quản lý các bộ phận tại Sơn Hải Group.
Đáng chú ý, mẹ ông Hưởng - bà Nguyễn Thị Hồng vào giữa năm 2016 từng sở hữu tới 64,176% cổ phần Sơn Hải, trong khi 35,824% còn lại được nắm giữ bởi bà Nguyễn Thị Hoa - cổ đông trong Công ty TNHH XNK Vương Quyền, nơi con gái đầu của ông Hải làm giám đốc. Cả 2 doanh nhân này đều cùng quê với ông Nguyễn Viết Hải.
Tới tháng 5/2017, ông Nguyễn Viết Hải thay thế 2 nữ doanh nhân trên để trở thành cổ đông lớn nhất của Sơn Hải với tỷ lệ 93,632%. Tuy nhiên cuối tháng 12/2017, cơ cấu sở hữu của Sơn Hải một lần nữa biến động mạnh khi bà Nguyễn Thị Hồng lúc này nắm tới 98,357% cổ phần.
Vào tháng 8/2018, cơ cấu sở hữu của Sơn Hải mới được thay đổi và duy trì cho tới hiện nay.
Cũng từ thời điểm này, vốn điều lệ của Sơn Hải liên tục tăng mạnh, từ 438 tỷ đồng lên 480 tỷ đồng tháng 8/2018, lên 791 tỷ đồng tháng 11/2018, và 2.310 tỷ đồng tháng 5/2019, và hiện là 2.366 tỷ đồng.
Nguồn nội lực tăng mạnh sẽ là động lực quan trọng để Sơn Hải hiện thực hoá tham vọng đa ngành của mình, mà trước mắt là hoàn thành dự án Nha Trang - Cam Lâm, và các gói thầu ở dự án cao tốc Bắc Nam.
Hóa Khoa
Nhà Đầu Tư
Xem thêm: nhc.17435530191801202-ia-al-puorg-iah-nos-auc-x9-hcit-uhc/nv.zibefac