Công an phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đưa chị Nguyễn Thị Mai Đào đi sinh - Clip: A.H.B.
Ngày 19-8, chị Nguyễn Thị Mai Đào (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết sau khi được công an phường chở đến viện, chị đã hạ sinh một cháu trai khỏe mạnh.
Chở bà bầu đi sinh, mua thuốc cho dân...
Chị Đào cho biết thêm tối 16-8 chị chuyển dạ, trong khi thành phố đang phong tỏa để chống dịch. "Nhà tôi gọi lên công an phường thì ngay lập tức các anh công an và cán bộ y tế có mặt chở tôi cùng mẹ vào bệnh viện. Các anh chị không quản ngại đêm hôm vất vả chi cả" - chị Đào tâm sự.
Đó là khi trực ban của Công an phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) nhận được điện thoại của gia đình chị Đào nhờ giúp đỡ vì chị đau đẻ mà chưa tìm được xe đưa đi viện. Thiếu tá Đoàn Hoàng Linh - trưởng Công an phường An Hải Bắc - chỉ đạo dùng xe ô tô của công an phường cùng 2 cán bộ, chiến sĩ và cán bộ y tế xuống đưa chị Đào đến bệnh viện.
Trung úy Tán Văn Trung và trung úy Nguyễn Quang Minh Thức nhanh chóng lên đường. "Lúc 0h15, ngày 17-8, chị Đào đã sinh bé trai nặng 3kg tại Bệnh viện quận Sơn Trà. Dòng tin nhắn của gia đình cùng tấm hình chụp cháu bé xinh xắn gửi đến công an phường. Có mệt mấy mà nhìn tấm hình là tụi tôi thấy khỏe, có thêm năng lượng tích cực ngay" - thiếu tá Linh tâm sự.
Những ngày qua, dưới cái nắng thiêu đốt, các cán bộ, chiến sĩ công an phường ở Đà Nẵng vẫn luôn có mặt trên đường phố để tuần tra, kiểm soát, phòng, chống dịch, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân...
Và họ còn kiêm luôn "shipper" bất kể đêm ngày. Chuông điện thoại trực ban Công an phường An Hải Bắc đổ dồn. Đầu dây là một người dân nhờ mua thuốc gấp cho bà N.T.L. (trú đường Phó Đức Chính).
Thượng úy Đặng Công Tiên vội chạy xe tới nhà bà L. để tìm hiểu về những loại thuốc mà bà cần mua. Anh Tiên nhanh chóng chạy xe đi mua giúp 4 hộp thuốc huyết áp, hoạt huyết dưỡng não mang đến trao cho bà L..
Thượng úy Đặng Công Tiên chạy đi mua thuốc giúp người dân - Ảnh: A.H.B.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu (trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê) nhờ sự giúp đỡ của lực lượng công an khi có một cháu bé trú ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) đang rất cần sữa mẹ. Đây là cháu bé mà chị Châu hằng ngày đã gửi sữa của mình qua ba mẹ cháu.
Trung úy Trần Thanh Quang - cán bộ Công an phường Chính Gián - đã liên hệ chị Châu và gia đình cháu bé thì được biết cháu T.Q.H. (7 tháng tuổi) bị dị ứng với sữa bột. Hằng ngày bố mẹ cháu phải đi xin sữa từ các bà mẹ khác.
Thành phố đang phong tỏa nên bố mẹ cháu H. không thể di chuyển để đi xin sữa được. Trung úy Quang đã báo cáo lãnh đạo và được sự đồng ý, ngay trong đêm, anh đã làm "người vận chuyển" sữa cho 2 bà mẹ.
Trung úy Trần Thanh Quang vận chuyển sữa giúp 2 bà mẹ - Ảnh: C.G.
Làm được gì cho bà con phải làm ngay
Thiếu tá Đoàn Hoàng Linh cho biết 100% cán bộ, chiến sĩ công an phường đã trực tại đơn vị suốt gần 20 ngày qua. Với dân số của phường gần 30.000 người nên công việc của công an phường trong những ngày địa bàn phong tỏa rất vất vả.
Theo thiếu tá Linh, trước khi thành phố phong tỏa trong 7 ngày, An Hải Bắc đã phong tỏa cứng. Vậy là anh em công an phường là những "người vận chuyển". Người dân ở phường nhờ người thân bên ngoài mua giúp lương thực, thực phẩm gửi đến chốt kiểm soát, cán bộ, chiến sĩ thay nhau chở về cho dân.
Suốt hơn nửa tháng qua, anh em làm việc hết công suất, đã vận chuyển 2,3 tấn lương thực cho các khu dân cư; 54 chuyến hàng từ thiện với 2.118 suất quà; hơn 300 chuyến vận chuyển nhu yếu phẩm đến các hộ dân; hỗ trợ cho 11 người nước ngoài gặp khó khăn...
"Có khi chạy cả ngày, anh em động viên nhau ráng làm. Người dân có thêm lương thực, thực phẩm có thể san sẻ cho hàng xóm, láng giềng thì sẽ có thêm vài nhà đỡ cực" - thiếu tá Linh chia sẻ.
Tất tả ngược xuôi suốt ngày trên mặt phố bỏng rát là vậy nhưng thiếu tá Linh tâm sự: "Người dân rất tin tưởng mình, cái chi cũng gọi công an phường, có vất vả nhưng anh em luôn cố gắng. Phong tỏa rồi sẽ khó khăn hơn, vì vậy anh em động viên nhau: Làm được gì cho bà con thì làm ngay, bất kể là ngày đêm, nắng mưa".
TTO - Trong cuộc chiến chống dịch ngày càng cam go, những người lính ngày đêm nơi tuyến đầu xa gia đình, nhiều trường hợp không kịp có mặt bên cạnh người thân lần cuối. Nhưng vượt lên trên tất cả, họ vẫn ở đó, hết lòng vì nhiệm vụ chống dịch.