Nhìn vào hồ sơ cá nhân của David Selinger, người đọc sẽ có cảm giác như đang điểm qua tên tuổi hàng hoạt startup công nghệ của thung lũng Silicon suốt 25 năm qua.
Ông từng làm việc cho đế chế thương mại điện tử Amazon, đồng sáng lập và giám đốc công nghệ của công ty bất động sản Redfin. Gần đây nhất, Selinger là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của startup an ninh gia đình Deep Sentinel. Tính chung, ông đã đảm nhiệm đủ mọi vị trí, chức vụ của không dưới 19 công ty khởi nghiệp. David Selinger thừa nhận, ông là kiểu người luôn phải tự tìm kiếm việc làm cho bản thân mình.
Giống như câu chuyện của nhiều nhân vật nổi tiếng ở thung lũng Silicon, năm 1997, David Selinger đã bỏ ngang khi đang theo học Đại học Stanford để làm việc tại công ty khởi nghiệp công nghệ FlyCast, sau đó là 2Roam. Thế nhưng sau đó, ông đã quyết định quay lại trường để học nốt và tốt nghiệp vào năm 2003. Trong hành trình gây dựng sự nghiệp, David Selinger từng được biết đến với nhiều vai trò, nổi bật trong đó có thể kể tới chức giám đốc bộ phận phát triển sản phẩm của Amazon, hay đồng sáng lập kiêm CTO của Redfin, đình đám trong lĩnh vực bất động sản với mức định giá hiện vào khoảng 5,2 tỷ USD.
Trong cuộc trò chuyện với CNBC Make It, David Selinger đã chia sẻ về lý do ông lựa chọn ngành công nghệ, về quyết định quay lại trường học, những bài học ông rút ra khi làm việc cùng ông chủ Amazon Jeff Bezos nói riêng và trong quá trình khởi nghiệp của bản thân nói chung.
Selinger là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của startup an ninh gia đình Deep Sentinel. Ảnh: Deep Sentinel
Làm việc tại Amazon: “Tôi có thể đã quá tự cao”
David Selinger chia sẻ, thời điểm được nhận vào làm cho Amazon năm 2003, ông quá tự tin, thậm chí tự cao về năng lực bản thân.
Nhớ lại buổi làm việc đầu tiên với Jeff Bezos, David Selinger thừa nhận, ông chủ cũ của mình là một người “đáng sợ”, một người dứt khoát và vô cùng thông minh.
“Nhóm của tôi đã trình bày phiên bản ban đầu của hệ thống gợi ý sản phẩm và câu trả lời của ông ấy là: ‘Cái này thật kinh khủng. Chúng ta cần gặp nhau tuần một lần cho tới khi nó được khắc phục", David Selinger kể lại.
Sau 3 tháng làm việc liên tục, khi kết quả dần khởi sắc, áp lực mới trở nên nhẹ nhàng hơn. “Ông ấy biết chính xác về những mình mình muốn có được. Nhưng ít nhất thì mọi thứ cũng thoải mái hơn rất nhiều", David Selinger nói.
Tình yêu với công nghệ: “Tôi có niềm đam mê khác thường”
Năm David Selinger 6 tuổi, mẹ của ông mua cho con trai một chiếc máy tính – món quà dường như không hợp cho một đứa trẻ, nhất là ở thời điểm nó không phải vật dụng thường thấy trong các gia đình.
David Selinger rất yêu thích và tự học ngôn ngữ lập trình, tự viết chương trình máy tính. Khi đỗ Đại học Stanford, ông đã biết tới hơn 20 ngôn ngữ lập trình.
Những năm học tiểu học và trung học, David Selinger hầu như không có bạn bè. Toàn bộ thời gian của ông dành cho niềm yêu thích với công nghệ. “Không có gì khiến tôi say mê hơn là tìm ra cách tạo ra một thế giới mà không ai khác biết cách tạo ra", David Selinger thừa nhận.
Bài học lãnh đạo quan trọng nhất: "Đừng nói dối"
Đầu tiên và quan trọng nhất: đừng nói dối. Mọi người thường có xu hướng sử dụng những lời nói dối thiện ý để làm mọi thứ dễ dàng hơn. Nhưng một lời nói dối sẽ kéo theo hàng tá những lời nói dối khác và theo David Selinger, đó là điều vô cùng ngu ngốc.
Điều này cũng thường diễn ra trong kinh doanh. Và đó là lý do thuật ngữ “minh bạch triệt để” được sinh ra.
“Có một điều mà hầu hết mọi người không nhận ra, đó là hầu như ai cũng có xu hướng nghĩ mọi chuyện tồi tệ hơn so với tình hình thực tế,” David Selinger nói. “Vì thế, bằng việc minh bạch rõ ràng, ít nhất mọi người đều sẽ biết chính xác sự việc tồi tệ đến mức độ nào".
Về việc bỏ học, sau đó quay lại trường: “Đó là một điều kỳ diệu”
Với bất cứ ai đang phân vân với câu hỏi: “Liệu tôi có nên bỏ học rồi quay lại trường học sau hay không?”, lời khuyên của David Selinger là: nếu bạn nghiêm túc với chuyện này, hãy xem xét thật cẩn thận. Và một khi quyết định, hãy đảm bảo bạn sẽ thực sự làm được.
Bản thân David Selinger khi quay lại trường học đã nhận được những bài học quý giá nhất cuộc đời, đó là bài học về cách quản lý thời gian và cơ hội tiếp xúc với những bộ óc tài hoa.
“Một trong những điều tôi nghe được nhiều nhất từ các sinh viên là “Tôi bận lắm! Lớp học này quá khó!’. Thế nhưng sau 3 năm lăn lộn ở ngoài kia, tôi nhận ra rằng sẽ không có vị giáo sư đạt giải Nobel nào sẵn sàng ngồi nói chuyện với bạn lúc 2 chiều mỗi thứ ba hàng tuần đâu", David Selinger nói. “Thế nhưng ở Stanford, có tới 20 người đạt giải Nobel sẵn sàng giảng bài cho bạn, nhưng đa số sinh viên lại từ chối cơ hội này vì nghĩ rằng mình quá bận".
Đỗ Hiền
NDH