Phụ nữ Afghanistan mặc burqa đứng cạnh một chiếc taxi ở Kabul vào ngày 31-7 - Ảnh: AFP
Ngày 18-8, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Waheedullah Hashimi, một thành viên cấp cao của Taliban, tiết lộ có thể một hội đồng cầm quyền sẽ điều hành đất nước Afghanistan.
"Sẽ không có thể chế dân chủ nào cả vì nó không có bất kỳ nền tảng nào ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thảo luận về hệ thống chính trị sẽ áp dụng ở Afghanistan vì điều đó đã rõ ràng. Đó là (áp dụng) luật Hồi giáo Sharia" - ông Waheedullah Hashimi khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Reuters.
Là người được tiếp cận quá trình ra quyết định của Taliban, ông Waheedullah Hashimi cho biết Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh tối cao của Taliban, có thể vẫn nắm quyền lãnh đạo về tổng thể.
Ông Akhundzada có thể sẽ nắm vai trò cao hơn người đứng đầu hội đồng cầm quyền. Người đứng đầu hội đồng cầm quyền là vị trí tương đương với tổng thống của Afghanistan.
"Có thể phó tướng của ông Akhundzada sẽ nắm vai trò 'tổng thống'" - ông Hashimi thông tin.
Hiện nay, ông Akhundzada có 3 phó tướng, gồm Mawlavi Yaqoob, Sirajuddin Haqqani, và Abdul Ghani Baradar.
Ông Hashimi nói nhiều vấn đề liên quan tới cách điều hành đất nước Afghanistan của Taliban đều chưa được quyết định, nhưng khẳng định Afghanistan sẽ không theo thể chế dân chủ.
Ông Waheedullah Hashimi (giữa), một thành viên cấp cao của Taliban - Ảnh: REUTERS
Thành viên cấp cao Taliban này cho biết ông sẽ tham gia một cuộc họp của các lãnh đạo Taliban trong tuần này để thảo luận về vấn đề điều hành đất nước.
“Các học giả của chúng tôi sẽ quyết định các bé gái có được phép đi học hay không. Họ sẽ quyết định phụ nữ nên mặc hijab (khăn trùm đầu và ngực), burqa (loại trang phục trùm kín mặt và thân người, che cả mắt, chỉ có một lớp lưới gồm những lỗ nhỏ để có thể nhìn xung quanh), hay chỉ mạng che mặt và mặc áo choàng abaya, hay thứ gì khác. Điều đó sẽ tùy thuộc các học giả” - ông Hashimi cho biết.
Theo đó, "99,99% người dân ở Afghanistan là người Hồi giáo và họ tin vào đạo Hồi. Khi bạn tin vào luật, chắc chắn bạn cần tuân thủ luật đó. Chúng tôi có một hội đồng gồm các học giả lỗi lạc. Họ sẽ quyết định cần làm gì".
Trong video đăng ngày 18-8-2021, báo USA Today (Mỹ) chiếu lại một số hình ảnh cũ ở Afghanistan, trong đó có ảnh phụ nữ mặc burqa - Video: USA Today
Trước đó, tại một cuộc họp báo ở Kabul vào ngày 17-8, ông Zabihullah Mujahid, người phát ngôn chính của Taliban, nói phụ nữ sẽ được đi làm việc và học tập. Taliban cam kết sẽ tôn trọng quyền phụ nữ, nhưng phải trong khuôn khổ luật Hồi giáo.
Trong thời gian nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1996 - 2001, Taliban đã sử dụng luật Hồi giáo Sharia để điều hành. Họ không cho phụ nữ đi làm việc. Các bé gái không được đi học và phụ nữ phải mặc burqa khi đi ra ngoài.
Đôi khi những người vi phạm quy định sẽ bị cảnh sát tôn giáo của Taliban đánh đập ở nơi công cộng.
Hiện nay các nhà lãnh đạo phương Tây cho biết họ sẽ đánh giá Taliban dựa trên hành động - gồm cách đối xử với các bé gái và phụ nữ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo các nước không vội công nhận chính quyền mới ở Kabul và rằng phải đánh giá Taliban dựa trên hành động, thay vì lời nói của lực lượng này.
TTO - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi Taliban và các bên kiềm chế để bảo vệ sinh mạng người dân, đồng thời bày tỏ quan ngại về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.