Bà Mạnh Vãn Chu đến dự phiên tòa ở Vancouver, Canada ngày 11-8 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, vụ án của bà Mạnh Vãn Chu - giám đốc tài chính toàn cầu của Tập đoàn Huawei - cũng đã dẫn tới những căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc.
Hãy cùng nhìn lại những cột mốc quan trọng trong vụ án của bà Mạnh.
Ngày 22-8-2018: Một tòa án tại bang New York, Mỹ phát lệnh bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu để xét xử tại Mỹ.
Ngày 1-12-2018: Cảnh sát Canada bắt giữ bà Mạnh theo yêu cầu dẫn độ của Chính phủ Mỹ khi bà đáp máy bay tới Vancouver. Vụ bắt giữ được công bố vào ngày 5-12. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh.
Ngày 7-12-2018: Hồ sơ tòa án cho thấy Mỹ đã phát lệnh bắt giữ bà Mạnh khi cho rằng bà đã lừa gạt Ngân hàng HSBC của Mỹ và lập các công ty bình phong để Huawei làm ăn với Iran. Washington cho rằng các hành động này vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ đã áp đặt lên Iran, và đã yêu cầu Canada bắt giữ bà.
Ngày 10-12-2018: Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada là ông Michael Kovrig và Michael Spavor. Hai công dân Canada bị buộc tội gián điệp vào ngày 19-6-2020.
Ngày 11-12-2018: Tòa án Canada cho phép bà Mạnh được tại ngoại vì lý do sức khỏe và nộp số tiền bảo lãnh là 10 triệu CAD (7,5 triệu USD). Bà phải chịu quản thúc tại gia ở Vancouver.
Ngày 22-1-2019: Bộ Tư pháp Mỹ thông báo chính thức tìm cách dẫn độ bà Mạnh về Mỹ.
Ngày 1-3-2019: Canada phê duyệt lệnh dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Ngày 3-3-2019: Huawei kiện Chính phủ Canada vì vụ bắt giữ bà Mạnh.
Ngày 15-7-2019: Canada hoãn quyết định về việc có nên cho phép Huawei xây dựng mạng 5G ở Canada hay không.
Ngày 27-5-2020: Tòa án tối cao British Columbia tuyên bố các cáo buộc về hành vi gian lận đối với bà Mạnh thỏa mãn điều kiện tội kép và vụ án về dẫn độ bà sang Mỹ sẽ tiếp tục được xét xử.
Ngày 28-9-2020: Các phiên điều trần bắt đầu để xem xét liệu có cho phép bà Mạnh bổ sung thêm cáo buộc giới chức thực thi pháp luật và biên giới "lạm dụng quy trình" khi bắt giữ bà hồi năm 2018 hay không.
Ngày 16-11-2020: Bà Mạnh Vãn Chu trở lại Tòa án tối cao British Columbia trong phiên tòa mở đầu cho quá trình lấy lời khai của các nhân chứng trong 10 ngày. Luật sư của bà Mạnh và của Chính phủ Canada sẽ kiểm tra chéo nhân viên thực thi pháp luật và giới chức biên giới Canada - những người liên quan đến giai đoạn điều tra ban đầu cũng như vụ bắt giữ bà.
Ngày 9-7-2021: Tòa án Canada bác bỏ yêu cầu được nộp thêm chứng cứ mới của lãnh đạo cấp cao Công ty Huawei liên quan phiên tòa xét xử việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ.
Ngày 4-8-2021: Vòng điều trần cuối cùng về vụ án dẫn độ bà Mạnh bắt đầu tại Tòa án tối cao British Columbia. Trọng tâm của các buổi điều trần trong vòng cuối cùng là các lập luận trong nhóm nội dung thứ ba do các luật sư của bà Mạnh đưa ra, đặc biệt là những tuyên bố không đúng sự thật của các công tố viên Mỹ khi đưa ra yêu cầu về việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Ngày 10-8-2021: Một tòa án ở Trung Quốc y án tử hình công dân Canada Robert Schellenberg về tội buôn ma túy.
Ngày 11-8-2021: Các công tố viên Chính phủ Canada khẳng định các bằng chứng cho thấy bà Mạnh đã không trung thực khi lừa gạt Ngân hàng HSBC, và phía Mỹ đã đưa ra các bằng chứng thỏa đáng để yêu cầu dẫn độ.
Ngày 18-8-2021: Phiên tòa xem xét việc có nên dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ đã kết thúc tại Tòa án tối cao British Columbia của Canada. Nếu tòa chấp thuận cho dẫn độ bà Mạnh, con gái nhà sáng lập Huawei có thể đối mặt với 30 năm tù ở Mỹ. Phán quyết sẽ được đưa ra vào ngày 31-10 tới.
Bà Mạnh Vãn Chu (trái) rời khỏi tòa sau phiên tòa ngày 18-8 - Ảnh: REUTERS
TTO - Bất chấp sức ép từ Trung Quốc, công tố Canada khẳng định bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei, đã không trung thực khi lừa gạt Ngân hàng HSBC, và phía Mỹ đã đưa ra các bằng chứng thỏa đáng để yêu cầu dẫn độ.
Xem thêm: mth.50170803191801202-iewauh-auhc-gnoc-ux-tex-yagn-000-1-ial-nihn/nv.ertiout