Trong đại dịch Covid-19, thị trường đã chứng kiến xu hướng dịch chuyển từ những cửa hàng tạp hóa nhỏ sang các siêu thị mini. Xu hướng hiện đại hóa này sẽ còn tồn tại trong tương lai khi kỳ vọng của khách hàng cho tiêu dùng ngày càng tăng, khách hàng sẽ được ưu tiên trải nghiệm tại những địa điểm có không gian sạch sẽ, an toàn đáp ứng mọi nhu cầu mà không cần phải di chuyển đến nhiều nơi để giảm bớt tiếp xúc công cộng.
Doanh số bán lẻ bị ảnh hưởng mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2021 ước tính đạt 1.177,6 ngàn tỉ đồng, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 ngàn tỉ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%). Còn theo các công ty nghiên cứu thị trường, đợt giãn cách xã hội với mức độ nghiêm trọng nhất đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh trong những tháng gần đây, kéo tốc độ tăng trưởng 7 tháng đầu năm 2021 giảm xuống còn 3,6% so với cùng kỳ.
Đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất kể từ trước đến nay đã ảnh hưởng tới lưu thông của người dân ở các điểm bán lẻ. Trong tháng 7 vừa qua, cao điểm của việc áp dụng Chỉ thị 16, số liệu thậm chí còn thấp hơn đợt giãn cách vào tháng 4-2020. Kể từ ngày 3-8, dữ liệu của Google cho thấy số lượt ghé thăm các điểm bán lẻ và giải trí đã giảm 71% so với mức cơ sở trước dịch Covid-19 trong khi lượng người đến cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc thấp hơn 44%. Thay vào đó, nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao. Sau lệnh cấm chợ tự phát từ ngày 20-6 và việc áp dụng Chỉ thị 16 từ tuần thứ 2 của tháng 7 tại TP, chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh trong các siêu thị mini đã tăng đột biến. Điều này đã gây áp lực đáng kể lên hệ thống các siêu thị mini trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các hệ thống phân phối của Saigon Co.op tiếp tục giữ và giảm giá các mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân
Tại báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2021, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng các chỉ thị giãn cách xã hội hiện tại sẽ dần được dỡ bỏ vào cuối quý III khi tỉ lệ tiêm chủng tăng lên nhanh chóng. Sự mở cửa trở lại của các cửa hàng bán lẻ sẽ là điều kiện cần cho bức tranh phục hồi của doanh số bán lẻ. Trên thực tế, ngành bán lẻ trên thế giới đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi lệnh cấm được dỡ bỏ nhờ vào nhu cầu chi tiêu bị dồn nén trong thời gian diễn ra giãn cách. Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng và thu nhập bị ảnh hưởng sẽ khiến sự phục hồi này diễn ra không đồng đều giữa các nhóm hàng tiêu dùng. Doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu có thể sẽ phải tung rất nhiều đợt khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen về thị trường bán lẻ nửa đầu năm 2021 nêu nhận định tương lai còn nhiều bất định do phức tạp của dịch Covid-19 diễn ra tại các thành phố chính, tỉ lệ tiêm vắc-xin còn rất thấp ở Việt Nam so với các nước trong khu vực. TP HCM giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 đã khiến lượng tiêu thụ FMCG tăng 50%-60% tại TP HCM và các khu vực khác. Mức tăng này rất cao khi Chỉ thị 15 của Thành ủy TP HCM ghi nhận mức tăng 15%-20% do phạm vi còn nhỏ.
Các hình thức bán hàng trực tuyến được tăng cường trong thời gian giãn cách xã hội
Chấp nhận bù lỗ để giữ, giảm giá
Dù lượng khách mua sắm ở kênh trực tiếp lẫn trực tuyến (offline lẫn online) tại nhiều thời điểm tăng rất cao, thậm chí gây quá tải nhưng nhìn chung, kết quả kinh doanh của các hệ thống siêu thị đều ghi nhận lợi nhuận âm. Nguyên nhân là người tiêu dùng chỉ tập trung mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, còn những ngành hàng khác không được để ý đến, tỉ lệ tồn kho cao chưa từng có. Bên cạnh đó, chi phí vận hành, vận chuyển, xét nghiệm Covid-19... gia tăng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về của từng nhà bán lẻ.
Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết hơn 75% khách hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile... đi siêu thị, cửa hàng hoặc đặt online các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Đây là ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt... Cùng với yếu tố hàng hóa, hàng loạt chi phí phát sinh từ hoạt động xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch, phí shipper giao hàng tăng cao và hàng loạt siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.
Dù vậy, với nhiệm vụ là doanh nghiệp bán lẻ tham gia bình ổn giá thị trường và là thành viên của tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP, trong nhiều tháng qua, Saigon Co.op âm thầm bù lỗ để giữ và giảm giá nhiều mặt hàng, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong tình hình dịch bệnh.
"Mới đây, Saigon Co.op triển khai chương trình giảm giá hơn 2.000 sản phẩm nhu yếu. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 25-8, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile trên toàn quốc sẽ áp dụng chương trình giảm giá cho hơn 2.000 sản phẩm chăm sóc sức khỏe gồm thủy hải sản, rau củ, các loại trái cây, các loại sữa, sản phẩm vệ sinh cá nhân, diệt khuẩn, hóa phẩm và đồ dùng với tỉ lệ giảm giá từ 15% đến gần 50%" - đại diện Saigon Co.op nói thêm về giải pháp chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và cam kết tuy còn nhiều khó khăn nhưng trong tháng cao điểm giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 này, Saigon Co.op sẽ tiếp tục giữ và giảm giá hàng hóa, chuẩn bị tốt các nguồn hàng hóa thiết yếu để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân. Song song đó, các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food sẽ tăng cường phối hợp với các đoàn thể địa phương để đưa hàng hóa lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu đến các hộ dân, khu cách ly, bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Nhiều ý tưởng mang hàng hóa đến gần người tiêu dùng hơn
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, không chỉ người tiêu dùng mà nhà bán lẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận hành như hàng tồn cao sau đợt mua trữ hàng, hết hàng cho các mặt hàng chính, các kênh mua trực tuyến hoạt động không hiệu quả... Với khó khăn trên, các nhà bán lẻ khối siêu thị đã có nhiều ý tưởng để mang hàng hóa tới gần tay người tiêu dùng hơn và tuân thủ quy tắc 5K. Chẳng hạn, Co.opmart triển khai hình thức bán hàng "pick & shop", bán hàng theo đăng ký trước... khá hiệu quả.
Cũng theo Nielsen, 2-3 tháng tới là khoảng thời gian trung bình từ khi ca đầu tiên ghi nhận cho tới việc giãn cách có hiệu lực. Nhà bán lẻ theo dõi sát sao tin tức về Covid-19 có thể dự đoán thời gian có thể xảy ra giãn cách, từ đó thuận lợi cho việc ước tính lượng hàng tồn. Trong dài hạn, bước vào "bình thường mới", thực phẩm mặn, ngành hàng mát/đông lạnh, chăm sóc nhà cửa, sữa nước và nước giải khát sẽ tăng. Còn trong hiện tại, lượng tồn kho đang khá cao trên thị trường, việc kiểm soát hàng tồn và sản lượng sản xuất là ưu tiên cho nhà bán lẻ và nhà cung cấp.
Xem thêm: mth.78601509191801202-gnud-ueit-iougn-iov-nahk-ohk-es-aihc-hnag-gnog-iht-ueis/et-hnik/nv.moc.dln