Hiện nay, xu hướng thiết kế các ngôi nhà hiện đại với phần ngoại thất bằng vật liệu gỗ đang rất được ưa chuộng. Đặc điểm nổi bật của chất liệu này là đẹp mắt, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên mà không kém phần hiện đại.
Độ bền bất ngờ của gỗ
Nếu trước đây gỗ chỉ được dùng cho các món đồ nội thất thì nay cả sàn ban công, bể bơi, khung cửa, hàng rào, tường… cũng đều được ứng dụng vật liệu gỗ rộng rãi.
Bà Lưu Hoài An (TP Thủ Đức) chia sẻ bà muốn ốp gỗ ở ban công và tường nhà. Khi tham khảo thị trường, bà rất thích vật liệu gỗ nhưng vẫn đang cân nhắc vì lo ngại vật liệu này sử dụng lâu sẽ bị ẩm mốc, bạc màu… Tương tự, ông Đinh Thế Sơn (Tân Bình) cũng rất thích đồ gỗ. “Gỗ lót sàn hay làm bàn ghế ngoài trời đều rất đẹp, hiện đại và ấm áp. Tuy nhiên, tôi lo chi phí cao mà thời tiết mưa nhiều như Việt Nam e rằng sẽ không bền” - ông Sơn nói.
Là người trong nghề, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Truyền, Tổng giám đốc Công ty Cát Mộc Group, cho biết ông rất ủng hộ việc ứng dụng gỗ trong các công trình. Đây là vật liệu thân thiện với môi trường, tái tạo được và không ảnh hưởng xấu tới môi trường thiên nhiên. Khi chọn kết cấu gỗ, những vị trí chịu lực lớn với thời tiết khắc nghiệt nắng, mưa thì tốt nhất là gỗ nhóm A (gỗ trồng lâu năm). Độ cứng rắn của gỗ càng lớn thì khi đưa vào sử dụng sẽ càng bền chắc lâu dài. Điển hình như có những ngôi nhà gỗ ở Việt Nam và thế giới có thể tồn tại hàng trăm năm, bền hơn cả tuổi thọ 50 năm của một số loại bê tông cốt thép.
“Người tiêu dùng lo ngại đồ gỗ ngoại thất kém bền hơn bê tông là không đúng. Việc bền hay không còn tùy thuộc vào người dùng chọn đúng gỗ chất lượng, thi công đúng kỹ thuật và đặc biệt là khâu xử lý gỗ trước khi đưa vào công trình phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn” - KTS Phạm Thanh Truyền nói.
Còn theo quan điểm của KTS Võ Thế Duy (CTA | Creative Architects), ngoại thất bằng gỗ sẽ mang lại vẻ đẹp độc, lạ và sang hơn lát gạch sàn. Đặc biệt, hàng rào bằng gỗ cũng cho cảm giác thân thiện hơn so với dùng chất liệu sắt, thép, kim loại… Gỗ ván ép sẽ có độ bền kém hơn gỗ tự nhiên. Các kết cấu gỗ hay các chi tiết kỹ thuật kết nối gỗ với sàn, chi tiết khe, nẹp… nếu xử lý tốt cũng sẽ gia tăng tuổi thọ công trình.
Công trình Am house (CTA | Creative Architects) sử dụng sản phẩm sàn gỗ nhân tạo cho sân ngoài trời. Ảnh: Hiroyuki Oki
Quan trọng nhất là chọn đúng loại gỗ
“Người tiêu dùng cần chọn gỗ đủ tuổi và xử lý độ ẩm kèm theo, đặc biệt là cách thiết kế đưa vật liệu tiếp xúc với nắng, mưa phải có động thái bảo vệ. Trên thị trường có rất nhiều loại dầu gỗ thấm sâu vào thịt gỗ, khi chúng ta bảo dưỡng, bảo trì đúng hằng năm, gỗ sẽ không bao giờ bị thấm mục hay hư hỏng” - KTS Phạm Thanh Truyền tư vấn.
Ngoài các loại gỗ tự nhiên, gỗ nhân tạo thông dụng ra, KTS Truyền cho hay hiện nay trên thị trường còn sản phẩm có bề mặt tương tự gỗ nhưng thực chất bên trong được làm từ xi măng với tỉ lệ xi măng porland (tỉ lệ 80%) và sợi xenlulo (tỉ lệ 20%), loại này gọi là gỗ concretewood. Gỗ concretewood được ứng dụng rất rộng rãi trong thiết kế kiến trúc nhà ở và được người dùng ưa chuộng. Vật liệu này hạn chế nhược điểm có thể bị cong vênh, co ngót, thấm nước của gỗ tự nhiên hay như sự thô kệch của xi măng.
KTS Võ Thế Duy cho biết người tiêu dùng cần xác định sử dụng loại gỗ nào cho những khu vực nào, ưu tiên loại gỗ nào phù hợp về chất lượng cũng như chi phí đặt ra. Điều này là bước đầu để đảm bảo công trình bền lâu nhất, các gia chủ nên tham khảo người có chuyên môn. Vật liệu gỗ muốn bền thì cần tránh ẩm ướt trong thời gian dài. Trong đó, nền đất tiếp giáp phải đảm bảo khô thoáng hoặc có thể tách vật liệu gỗ và nền bằng các giải pháp kỹ thuật. Các giải pháp che chắn làm giảm tác động của môi trường lên gỗ cũng cần được xem xét. Cuối cùng là xử lý bề mặt gỗ bằng các phương pháp sơn, bọc hay các kỹ thuật chuyên dụng để bảo vệ sản phẩm.
Theo đại diện một công ty chuyên sản xuất gỗ, hiện tượng mối mọt của ngoại thất là do bản chất một số loại gỗ không kháng được mối mọt, còn bị nứt chủ yếu do nguyên liệu gỗ được xử lý chưa đủ khô. Do đó, cần xử lý gỗ có độ ẩm tiêu chuẩn 10%-20%.
“Thời gian và ảnh hưởng của thời tiết sẽ tác động đến độ bền của gỗ, người dùng nên sử dụng dầu bảo quản gỗ chuyên dùng cho ngoại thất để khắc phục và giảm thiểu hư hao. Nếu khâu chọn gỗ làm tốt thì khâu bảo quản, bảo dưỡng rất đơn giản. Ngược lại, chọn sai loại gỗ thì có làm tốt các khâu khác cũng không đạt được độ bền như mong muốn. Do đó, quan trọng nhất là chọn đúng loại gỗ, xử lý đúng quy trình, cách thức thì người dùng có thể yên tâm chọn vật liệu này cho ngôi nhà của mình” - vị đại diện cho biết.
Ba dòng sản phẩm gỗ ngoại thất được ưa chuộng nhất Theo một công ty chuyên thiết kế ngoại thất bằng gỗ, hiện nay có ba dòng sản phẩm gỗ ngoại thất được người tiêu dùng lựa chọn là gỗ teak, gỗ biến tính nhiệt (thermowood ) và gỗ biến tính hóa nhiệt. Gỗ teak có giá khoảng 2,7 triệu đồng/m² trên một sàn hoàn thiện, còn thiết bị vật tư sàn, khung xương gỗ hoặc sắt sẽ biến động tùy theo nhu cầu của chủ nhà. Gỗ biến tính nhiệt có giá khoảng 2,4 triệu đồng/m². Sản phẩm này được áp dụng phương pháp sấy gia tăng nhiệt độ lên tới 185-215°C. Mục đích là hạ độ ẩm gỗ một cách từ từ về 0%. Trong quá trình xử lý, duy trì nhiệt độ làm tính chất vật lý cơ bản của gỗ biến đổi theo chiều hướng tốt hơn. Gỗ biến tính hóa nhiệt có giá cao nhất, khoảng 3,4 triệu đồng/m². Gỗ được biến tính hóa học để cải thiện khả năng chịu nước, ổn định kích thước, chống chịu acid, bazơ, bức xạ, phá hủy bởi sinh học và phân hủy nhiệt… |