Tốc độ Taliban tái kiểm soát Afghanistan diễn ra nhanh chóng và đáng kinh ngạc không chỉ nhờ sức mạnh chiến trường mà còn nằm ở chiến lược chiêu hàng và thiết lập các thỏa thuận với chính quyền địa phương.
Chính Taliban cũng ngạc nhiên?
Taliban đã kết hợp tuyên truyền và tâm lý chiến khi họ chiếm từ thành phố này đến thành phố khác, thậm chí một số nơi gần như không cần nổ súng và cuối cùng là dễ dàng tràn vào thủ đô Kabul. Chiến lược này vô cùng hiệu quả khi hành trình đến Kabul của Taliban không phải là hình ảnh thi thể trên đường phố và chiến trường đẫm máu, thay vào đó là cảnh tổ chức này cùng các quan chức địa phương thong thả bàn bạc chuyển giao quyền tiếp quản.
Để giành được chiến thắng nhanh chóng, Taliban đã bắt đầu thực hiện các thỏa thuận và dàn xếp các vụ ép buộc đầu hàng từ rất lâu trước khi khởi động chiến dịch tiến chiếm chớp nhoáng vào tháng 5 năm nay.
Vốn có lực lượng mỏng hơn và không được không quân Mỹ yểm trợ như quân đội Afghanistan, Taliban đã tận dụng tinh thần chiến đấu rệu rã của đối thủ sau thỏa thuận rút quân Mỹ giữa chính quyền dưới thời Tổng thống Donald Trump với Taliban hồi năm ngoái.
Đối với Taliban, đó là khởi đầu cho chiến thắng sau gần 2 thập kỷ chiến tranh còn với nhiều người Afghanistan suy sụp tinh thần, đó là cảm giác bị phản bội và bỏ rơi. Theo một số nguồn tin, binh sĩ và quan chức nhiều khu vực đã nhận được hàng loạt tin nhắn kêu gọi đầu hàng hoặc hợp tác với Taliban để tránh kết cục tồi tệ hơn. Nhiều người khác được tiếp cận thông qua các bộ lạc và lãnh chúa. Kết quả là từ khi Taliban chiếm được thủ phủ tỉnh đầu tiên, họ mất chưa đầy hai tuần để kiểm soát Kabul.
Người dân Afghanistan và công dân Tây Ban Nha lên máy bay quân sự tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul - Afghanistan hôm 18-8 Ảnh: REUTERS
Kết cục này hết sức phũ phàng khi biết Mỹ và các đồng minh đã chi hàng chục tỉ USD để huấn luyện các lực lượng lục quân, không quân, biệt kích và cảnh sát của Afghanistan trong 2 thập kỷ qua, với niềm tin rằng từ cơ sở quốc phòng, họ sẽ củng cố được nền tảng chính trị và thiết lập nền dân chủ ở quốc gia Nam Á này.
Theo báo cáo của Văn phòng Tổng Thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan được quốc hội Mỹ thành lập năm 2008, trong số khoảng 145 tỉ USD mà chính phủ Mỹ chi tái thiết Afghanistan, có tầm 83 tỉ USD được dùng để phát triển và duy trì lực lượng quân đội, cảnh sát.
Ngoài 145 tỉ USD nói trên, Mỹ còn chi 837 tỉ USD cho cuộc chiến tại Afghanistan từ tháng 10-2001, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tài trợ hơn 70 triệu USD cho quân đội Afghanistan cho đến năm nay, bao gồm thiết bị y tế và áo chống đạn.
Mỹ sai lầm ngay từ đầu?
Theo đài CNN, không phải Lầu Năm Góc không tính đến kịch bản Taliban giành lợi thế diện rộng sau khi Mỹ rút quân nhưng không ngờ quân đội Afghanistan lại sụp đổ nhanh chóng đến thế. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby hôm 17-8 cho hay: "Một trong những điều chúng tôi không ngờ và không thể ngờ là mức độ lực lượng vũ trang Afghanistan đầu hàng mà không chiến đấu".
Theo hãng tin AP, ông Doug Lute, trung tướng lục quân về hưu và là người hỗ trợ chỉ đạo chiến lược chiến tranh Afghanistan dưới thời các tổng thống George W. Bush và Barack Obama, nhận định những gì người Afghanistan nhận được là nguồn lực hữu hình nhưng lại thiếu nguồn lực vô hình quan trọng hơn: động lực chiến đấu.
Nhiều chuyên gia nói với tạp chí Foreign Policy rằng sai lầm không nằm ở việc Mỹ đào tạo hoặc cung cấp trang thiết bị cho Afghanistan, cũng không phải do bản chất binh lính nước này kém cỏi. Trên thực tế, Afghanistan từ lâu đã sản sinh ra những binh lính và lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ không thua kém nước khác.
Người dân tụ tập bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul hôm 18-8 Ảnh: REUTERS
Theo giới phân tích, thất bại chóng vánh và cay đắng vừa qua xuất phát từ chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani, cụ thể là các Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ khét tiếng tham nhũng, tư lợi trong khi năng lực lãnh đạo kém.
Chẳng hạn, các nguồn tin tiết lộ lực lượng cảnh sát vũ trang Afghanistan chiến đấu tại tiền phương đã không được Bộ Nội vụ trả lương suốt nhiều tháng. Tình trạng tương tự xảy ra ở Bộ Quốc phòng bất chấp các hệ thống thanh toán lương điện tử đã được áp dụng. Ở nhiều chiến trường, binh sĩ và cảnh sát không được bảo đảm đầy đủ lương thực, nước uống, đạn dược hoặc vũ khí. Các tuyến đường tiếp tế bị ăn chặn khiến nhiều khí tài lọt ra chợ đen và phần lớn rơi vào tay Taliban.
Dù giới chức Washington thẳng thắn thừa nhận đã tính toán sai song một số thành viên Quốc hội Mỹ chưa hài lòng. Họ yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden giải thích thêm nguyên nhân khiến tình báo Mỹ đánh giá sai tình hình đến thế cũng như vì sao không có các kế hoạch dự phòng để sơ tán người Mỹ và đồng minh quyết liệt hơn. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, cho rằng Tổng thống Biden phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ thảm hại của Kabul.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden hôm 16-8 nhấn mạnh ông và đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia đã theo dõi sát sao và nhanh chóng triển khai các kế hoạch ứng phó ở Afghanistan. Tái bảo vệ quyết định rút quân, ông Biden nhắc lại mục tiêu quân đội Mỹ đến Afghanistan là bắt những kẻ đã thực hiện vụ khủng bố 11-9-2001 và bảo đảm al-Qaeda không thể sử dụng Afghanistan làm bàn đạp để tấn công Mỹ thêm lần nữa. Ông Biden khẳng định Mỹ đã hoàn thành mục tiêu này, làm giảm sự nguy hiểm của al-Qaeda từ một thập niên trước.
Xem thêm: nhc.77113929002801202-natsinahgfa-o-gnart-ad-man-02/nv.fefac