Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), số ca nhiễm trung bình theo ngày trên địa bàn TP cao nhất vào tuần lễ từ 23/7 đến 29/7 (4.916 trường hợp) và giảm dần vào các tuần kế tiếp từ 13/8 đến 17/8 (3.837 trường hợp).
Phân tích số ca mắc trong tuần từ 13/8 đến 17/8 cho thấy số ca mắc mới chưa có sự biến động rõ rệt, có hiện tượng tăng nhẹ vào 2 ngày 14/8 và 15/8 (dao động từ 4.200 - 4.500) sau đó giảm nhẹ trở lại vào ngày 16/8 và 17/8 (dao động từ 3.300 - 3.500). Ngày 18/8, số ca mắc ở TP HCM là 3.731 ca.
Theo Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ ngày 15/8/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM, mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh Covid-19 để điều trị, thu hẹp "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng" và mở rộng "vùng xanh".
Theo đó, từ ngày 15/8 đến 22/8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao. Ngành y tế dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0.
Ảnh minh hoạ.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam cho rằng chủ trương xét nghiệm bóc tách F0 trong cộng đồng tại TP.HCM là cần thiết. Tuy nhiên, PGS Phu cho rằng thành phố cần xây dựng kế hoạch xét nghiệm diện rộng thật cụ thể để đảm bảo hiệu quả, tránh vi phạm 5K.
PGS Phu cho rằng tại vùng đỏ, quan trọng nhất là giảm số mắc có triệu chứng nặng và tử vong nên việc xét nghiệm phục vụ cho điều trị. Quan trọng nhất là điều trị, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong, bảo vệ đối tượng nguy cơ và phong tỏa chặt hơn nữa.
Còn tại "vùng xanh", cần thực hiện xét nghiệm có chỉ định, khoanh vùng, dập dịch triệt để không để dịch xâm nhập và bùng phát.
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, với biến chủng Delta lây lan với tốc độ rất nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn, có những gia đình chỉ vài ngày cả nhà đã thành F0.
Đến thời điểm này, bác sĩ Khanh cho biết xét nghiệm sàng lọc cộng đồng nhằm bốc nhanh F0 ra khỏi cộng đồng là khó khả thi vì tốc độ chạy theo tìm virus của con người kém rất xa tốc độ lây lan của virus.
BS Khanh cho biết nếu đảm bảo tốc độ lấy mẫu nhanh thì sẽ không đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu, lấy mẫu đúng quy chuẩn thì không đạt được mục tiêu xét nghiệm diện rộng thần tốc. Điều bác sĩ Khanh lo lắng là hệ luỵ của việc làm này làm cho việc lây lan virus càng dễ hơn.
BS Trương Hữu Khanh - BV Nhi đồng 1.
Lúc này, BS Khanh cho rằng các biện pháp đang làm là hạn chế tử vong, chăm sóc bệnh nhân sớm tại nhà và chuyển đi bệnh viện kịp thời vẫn quan trọng nhất. Ngoài ra, mạng lưới y tế cũng cần mở rộng thêm chăm sóc sức khoẻ gia đình vì ngoài Covid-19, còn một lượng lớn bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính khác cần điều trị, theo dõi như tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư…
Hiện tại, bác sĩ Khanh cho biết việc thành phố nên làm là rà soát và xác định tất cả người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, bệnh nền, miễn dịch kém, không đủ tiêu chuẩn tiêm vắc xin…) và bảo vệ họ.
Các tổ dân phố, phường xã cần lên danh sách địa phương mình con bao nhiêu người có nguy cơ cao để nhanh chóng tiêm vắc xin cho họ. Chỉ có vắc xin mới khống chế được dịch bệnh.
Hiện tại ở TP HCM, bất cứ ai cũng có thể là F0. Quan trọng là tìm được F0 nguy cơ cao để điều trị kịp thời. Mặt khác, bác sĩ Khanh cũng đề xuất thành phố có thể tính đến phương án xét nghiệm kháng thể cho cộng đồng ở vùng xanh bởi vì có thể họ đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh mà không hề có triệu chứng. Nếu xét nghiệm kháng thể đã từng mắc Covid-19, nên nới lỏng, có thể cho họ đi làm, đi lao động trở lại để đảm bảo an sinh.
Ngọc Anh
Tổ Quốc