Đã từng bị phản ánh từ năm 2019
Ngày 18/8, công an huyện Gia Lâm ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ 3 tháng đối với bị can Đỗ Thị Kim Ngân (tên thường gọi Ngân “gốm”) để làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Công lý cuối cùng cũng được thực thi, dù có muộn màng, nhưng danh sách nạn nhân của Đỗ Thị Kim Ngân chưa dừng lại. Ngày 18/8/2021, Người Đưa tin tiếp tục nhận đơn tố giác của chị L.T.T.H trú tại Hà Nội. Chị H. thuật lại, ngày 15 tháng 7 năm 2021, trao đổi qua mạng xã hội, chị đồng ý mua một số mặt hàng gia dụng (trị giá 8,7 triệu đồng) mà Ngân “gốm” rao bán và đã thanh toán toàn bộ số tiền trên qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của Ngân. Tuy nhiên, ngay khi nhận được tiền, Ngân không hề chuyển hàng theo hứa hẹn, khổ chủ liên lạc nhiều lần nhưng đổi lại chỉ là sự im lặng.
Rõ ràng, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trắng trợn của Đỗ Thị Kim Ngân với số tiền có thể bằng cả tháng lương người lao động, thủ đoạn này thường xuyên được Ngân sử dụng với những khách hàng “nhẹ dạ cả tin”. Và chị H., không phải là nạn nhân duy nhất tìm đến sự giúp đỡ của cơ quan báo chí bởi nhiều người mang tâm lý e ngại, số tiền không lớn, sợ công an không giải quyết.
Người Đưa tin đã tiến hành liên hệ với công an huyện Gia Lâm thì được hướng dẫn chuyển đơn của bị hại để thụ lý.
Đáng nói, ngay từ năm 2019, tiếp nhận tin tố cáo từ nhiều bị hại, Người Đưa tin đã liên tục phản ánh về những dấu hiệu lừa đảo của Ngân “gốm” trong loạt bài điều tra đăng tải công khai trên tạp chí. Tuy nhiên, trong sự việc này, tiếng nói công luận dường như chìm vào quên lãng, chưa nhận được sự quan tâm đúng mực từ các cơ quan bảo vệ pháp luật, khiến cho danh sách nạn nhân ngày càng kéo dài theo thời gian.
Không sớm bị pháp luật xử lý, Ngân “gốm” trở nên ngông cuồng, thậm chí tỏ thái độ “coi trời bằng vung”. Đỉnh điểm khiến dư luận căm phẫn là cô ta liên tục có hành vi lái xe trong tình trạng say rượu, đăng tải trực tiếp trên mạng xã hội với những phát ngôn "máu lạnh" và cực kỳ phi nhân tính.
Vụ việc lái xe say xỉn, lạng lách, tạt đầu xe ngay trên cầu Chương Dương ngày 16/12/2019 chưa kịp lắng xuống thì ngày 2-1-2020, Ngân “gốm” tiếp tục đăng tải đoạn clip cho thấy, cô ta vừa lái xe vừa thản nhiên uống bia, Không dừng lại ở đó, Ngân tiếp tục có những lời nói hết sức tàn bạo, thể hiện một sự khuyết tật về nhân cách và nhận thức: "Phải đâm chết 1 đứa nó mới làm gương được, ít ra phải đâm chết 2, 3 đứa liền, các anh chị nghĩ là nên đâm chết con trai hay con gái? Mạng người nó đơn giản, đâm là phải chết!"
Bản chất của một kẻ trơ trẽn lộ rõ nhất khi Ngân tự nhận mình là “Chí Phèo hiện đại”. Bị cảnh sát giao thông thị trấn Sa Pa (Lào Cai) nhắc nhở về hành vi đỗ xe gây cản trở giao thông, Ngân lập tức lái xe ra giữa đường rồi thản nhiên bỏ đi, sau đó hùng hổ thách thức: “Uống say xong, tôi sẽ tới quậy công an giao thông Sa Pa. Ai thích bóc phốt thì qua”
Ngang nhiên lái xe ra đỗ giữa đường, thách thức lực lượng công quyền đang thi hành nhiệm vụ
Đáng buồn thay, một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội lại tỏ vẻ ngưỡng mộ với sự “giàu có, thành đạt” của Ngân để rồi vô tình tiếp sức cho thị bằng những lời lẽ tâng bốc có cánh khiến cho nhiều người càng bị ngộ nhận. Bên cạnh đó, sau những hành động "nổi đình, nổi đám" của Ngân, nhằm thu hút lượt xem, một số trang tin đã chạy theo thị hiếu độc giả khi khai thác sâu về cuộc sống, hay "kể" lại cuộc đời của Ngân bằng những ngôn từ hết sức lâm ly khiến người đọc rất đồng cảm.
Nguy hiểm ở chỗ, các thông tin trên không có bất kỳ sự kiểm chứng nào, chỉ dẫn chung chung "theo tâm sự, lời kể của chị...", càng khiến độc giả hiểu lầm nghiêm trọng hơn. Để rồi khi sự việc đáng tiếc xảy ra, nhiều tin "tâng bốc" cho Ngân trên một này âm thầm "biến mất". Nhưng hậu quả của hành động này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín các cơ quan báo chí đúng nghĩa.
Cần xử lý nghiêm
Xoay quanh vụ án lừa đảo chiếm đoạt của Ngân "gốm", Người Đưa tin đã có buổi trao đổi với luật sư Nguyễn Ngọc Hùng- Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối.
PV: Thưa luật sư, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân “gốm” đã bị công an Gia Lâm khởi tố, ông đánh giá thế nào về hệ lụy với xã hội do việc lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Hành vi cấu thành tội này là dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản người khác với giá trị tài sản từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của bị hại và gia đình họ.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng mạng xã hội và đánh vào lòng tốt của một số người mà Đỗ Thị Kim Ngân (tức Ngân “gốm”) cho chúng ta thấy, các đối tượng không từ một thủ đoạn nào để tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc sử dụng mạng xã hội giúp cho thông tin sai sự thật mà các đối tượng này lan truyền đến được với nhiều người hơn qua đó khiến cho các đối tượng chiếm đoạt được nhiều tiền hơn. Hơn nữa, Ngân “gốm” còn lợi dụng danh nghĩa bán hàng để lấy tiền từ thiện cho những người gặp khó khăn do thiên tai dịch bệnh, lợi dụng lòng hảo tâm của nhiều người để trục lợi cá nhân. Đó là thủ đoạn rất đáng lên án.
Qua trường hợp này chúng ta cũng thấy rằng việc quản lý không gian mạng chặt chẽ là điều đáng để quan tâm. Ngày nay, mạng xã hội được rất nhiều người sử dụng, chúng ta không biết họ ngoài đời thật là ai và những thông tin họ đăng lên có xác thực hay không. Người dùng mạng rất dễ rơi vào “ma trận” thông tin và có nguy cơ trở thành bị hại của tội phạm lừa đảo.
PV: Trong tình hình hiện nay, báo chí và lực lượng công quyền cần phải phối hợp với nhau ra sao?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Báo chí luôn đem đến những nguồn thông tin chính xác kịp thời, phản ánh đúng tình hình xã hội và giúp ích rất nhiều cho các cơ quan có thẩm quyền. Theo tôi việc cần làm lúc này là thắt chặt mối liên hệ giữa báo chí và Nhà nước.
Về phía cơ quan báo chí, tôi nghĩ rằng với mỗi nguồn tin quan trọng mà các anh chị tìm hiểu được bên cạnh việc đăng tải công khai lên các phương tiện truyền thông, thì chúng ta cũng cần liên hệ và làm việc ngay với cơ quan có thẩm quyền về vấn đề đó. Có thể bằng văn bản hoặc tìm gặp trực tiếp gặp người có quyền hạn để phỏng vấn như hiện nay các nhà báo vẫn làm. Các cơ quan quản lý hoạt động báo chí, các tổ chức xã hội của báo chí cũng cần thể hiện vai trò của mình trong việc liên hệ, thậm chí là gây sức ép đối với các cơ quan có thẩm quyền nếu họ không lắng nghe, tiếp nhận các đề nghị của báo chí. Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền không chịu hợp tác làm việc với nhà báo thì khi đó cần phải có tiếng nói của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội của ngành báo chí.
Về phía cơ quan nhà nước, cơ quan tổ chức cá nhân có thẩm quyền cần phối hợp nhiều hơn với báo chí bằng cách đơn giản là đọc báo nhiều hơn, coi báo chí như là sự phản ánh toàn diện đầy đủ tình hình xã hội. Nhiều vấn đề từ thực tế được phơi bày trên mặt báo mà có thể cơ quan quản lý không biết. Mặt khác, cơ quan nhà nước cấp trên cũng cần yêu cầu cơ quan nhà nước cấp dưới phải hợp tác thiện chí, có hiệu quả nhất với báo chí. Nếu phát hiện việc cấp dưới né tránh hay gây cản trở nhà báo tác nghiệp thì cấp trên phải có tiếng nói.
Báo chí và Nhà nước phối hợp nhịp nhàng sẽ giúp công tác quản lý hiệu quả hơn rất nhiều.
PV: Xin cảm ơn Luật sư!
Ông Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) lưu ý thêm, hành vi cố tình đỗ xe giữa đường, thách thức lực lượng công an giao thông của Ngân hoàn toàn có thể xử lý hình sự theo điểm c, khoản 2 điều 245 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) với mức hình phạt lên đến 7 năm tù giam.
Chúng tôi, những người làm báo, luôn mong muốn truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất đến bạn đọc. Với tâm niệm, báo chí là “dòng chủ lưu” tốt đẹp, phổ biến kiến thức pháp luật, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời, phê phán và đấu tranh với những biểu hiện sai trái xã hội, lấp đầy những khoảng tối mà ánh sáng luật pháp còn chưa vươn tới. Vì vậy, trong chừng mực nào đó, tiếng nói dư luận cần phải được lắng nghe và tiếp thu một cách đúng mực.
Sự việc của Ngân “gốm” còn chờ kết luận điều tra chính thức của cơ quan công an nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức xã hội, cái tư duy “giàu là giỏi” đang ăn sâu vào trong suy nghĩ của nhiều người. Họ quan niệm, làm gì thì làm miễn nhiều tiền là được. Suy nghĩ này hết sức sai lầm và là mối nguy hại rất lớn cho xã hội khi vì tiền, nhiều người sẵn sàng bất chấp pháp luật, bỏ qua luân thường đạo lý, để miễn sao kiếm được thật nhiều tiền, dù có phải dùng đến bất cứ thủ đoạn nào.
Ngày nay, nền tảng công nghệ phát triển, hoạt động giao thương trở nên dễ dàng hơn, người ta không cần phải sờ tận tay, nhìn tận mắt như ngày xưa để định lượng giá trị hàng hóa . Với vài thao tác đơn giản trên interner, mục đích mua hàng đã thành công. Tính tiện lợi và ưu việt của cách mạng công nghệ đối với đời sống con người là không thể phủ nhận, nhưng rất nhiều đối tượng dựa vào đó, tận dụng sự cả tin, thật thà của nhiều người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng những thủ đoạn hết sức xảo quyệt.
Đôi khi, số tiền không quá lớn khiến nhiều người cũng đành “ngậm đắng nuốt cay”. Nhưng chính trong cơn bão phát triển của xã hội này, báo chí và các cơ quan chức năng càng phải thể hiện vai trò quan trọng hơn nữa trong việc định hướng tư tưởng và nghiêm khắc đấu tranh với những biểu hiện sai trái, dù mới chỉ là manh nha. Có như vậy, pháp luật mới được thượng tôn và không còn những cảnh đời lâm vào éo le vì nhiều kẻ lừa đảo.