Góp ý dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị giảm giá 30% giá điện cho những doanh nghiệp logistics, chế biến nông-lâm-thuỷ sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỉ USD.
Cần giảm 30% tiền điện, giá điện
Chính phủ vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để lấy ý kiến, với quan điểm đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp với phương châm "sớm nhất - hiệu quả nhất".
Tờ trình dự thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, tình trạng doanh nghiệp rất khó khăn về dòng tiền, do đó cần tiếp tục có các chính sách, giải pháp như miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế phải nộp, phí phải đóng.
Theo đó, dự thảo nghị quyết đề xuất nghiên cứu chính sách để tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp đến tháng 6.2022. Có phương án hỗ trợ các hãng hàng không, kiểm soát giá cước vận tải biển, logistics; nghiên cứu giảm giá điện cho các kho chứa hàng, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản, cơ sở lưu trú.
Tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, rất quan tâm đến những hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Về phương án giảm giá điện, Hiệp hội Dệt may cho rằng, dự thảo Nghị quyết viết không đầy đủ và rõ ràng tại điểm c: "Bộ Công Thương: Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.2021 về việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hoá của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông-lâm-thuỷ sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỉ USD".
Mà cần viết: Đề nghị quy định: "... về việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hoá của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông-lâm-thuỷ sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỉ USD", trong đó Hiệp hội Dệt may đề nghị giảm giá 30% giá điện cho những doanh nghiệp nêu trên cho đến hết năm 2021.
"Có như vậy mới đúng tinh thần của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp thu kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp trong hội nghị đối thoại với Thủ tướng ngày 8.8.2021", Vitas cho hay.
Đề nghị dừng, hoãn thu phí cảng biển
Vitas cũng đề nghị được ghi nhận ý kiến của hiệp hội vào trong dự thảo Nghị quyết với yêu cầu: "Thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31.12.2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022. TPHCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30.6.2022.
Lý do được đưa ra bởi, hiện tại các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi Hải Phòng đã thu từ 1.1.2017 đến nay với số tiền rất lớn mà Luật phí và lệ phí quy định chỉ thu để “cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư;
Còn TPHCM là trung tâm vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của các tỉnh thành phía Nam, nhưng hầu hết đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do dịch bệnh bùng phát.
Vitas cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.
“Theo số liệu được công bố, 6 tháng đầu năm rất nhiều Ngân hàng có lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn", Vitas nêu, đồng thời cũng đề nghị các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho các doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16.
Hết năm 2021, khoảng 1 triệu doanh nghiệp được hưởng chính sách tín dụng
Mục tiêu chính sách hỗ trợ là kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.
Phấn đấu đến hết năm 2021, khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19. Khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất và khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.