Mặc dù xuất khẩu da giày vẫn tiếp tục tăng do đơn hàng xuất khẩu tăng trong các tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, nếu dịch bệnh kéo dài, đơn hàng sẽ không thực hiện được, hoặc chậm trễ, khách hàng sẽ cắt đơn hàng.
Cuống cuồng Lo phải bồi thường
Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định ở Bình Dương là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hiếm hoi khi thời điểm này vẫn có những đơn hàng đã ký với khách hàng đến hết tháng 12. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị lo lắng vì thời điểm này nguyên vật liệu về rất chậm, chi phí tăng 30%, vận chuyển khó khăn khi nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội.
"Nếu dịch bệnh kéo dài, đơn hàng sẽ không thực hiện được, hoặc chậm trễ, khách hàng sẽ cắt đơn hàng. Vì vậy, doanh nghiệp phải bồi thường cho khách hàng. Sau dịch, khả năng mất đơn hàng là rất lớn", ông Nguyễn Chí Trung cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (Đan Phượng, Hà Nội) - cho Lao Động biết, công ty chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày thể thao với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh.
Do ảnh hưởng của dịch khiến việc nhập vật tư, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. "Đơn giá bị giảm xuống do chi phí đầu vào khó khăn, đầu ra thì nhân công cũng bị trở ngại. Tìm được nhân công đi làm đã khó, bây giờ nhân công đi làm cũng không đi làm được vì ảnh hưởng dịch bệnh", ông Tùng cho hay.
Theo số liệu của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, trong tháng 7.2021, xuất khẩu da giày vẫn tiếp tục tăng do đơn hàng xuất khẩu tăng trong các tháng đầu năm và các lô hàng đã sản xuất từ các tháng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại tỉnh phía Nam. Kim ngạch xuất khẩu da giày tháng 7 tăng 25,5%, trong đó giày dép tăng 27% và túi xách tăng 18,3%.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 5, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và suy giảm xuất khẩu da giày của Việt Nam trong các tháng cuối năm.
Trao đổi với Lao Động, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, An Giang - là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn trong các khu công nghiệp, đã khiến 90% các nhà máy sản xuất da giày tại các địa phương này phải đóng cửa.
Doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động.
Tại các doanh nghiệp còn hoạt động, sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống COVID-19.
"Nhiều lao động đã tự bỏ về quê do sợ bị lây lan dịch bệnh. Khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội đã gây khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới" - bà Xuân nói.
Làm gì để không đứt gãy nguồn cung
Theo bà Xuân, do đặc thù sử dụng nhiều lao động nên phần lớn các nhà máy đã phải đóng cửa từ ngày 13.7 cho đến nay. "Gần như toàn bộ các nhà máy cung ứng cho các khách hàng lớn đã phải đóng cửa. Tính riêng lao động trực tiếp tại các nhà máy của ngành đã có gần một triệu lao động bị ngừng việc và có nguy cơ mất việc.
Nguy cơ lâu dài hơn từ việc đóng cửa kéo dài là thiệt hại kinh tế kéo dài sang cả năm 2022, vì nhiều đơn hàng hiện nay là để phục vụ các thị trường xuất khẩu năm sau và nhiều năm sau. Các nhãn hàng buộc phải chuyển đơn hàng sang các nước khác, tạo cơ hội cho các nước cung ứng khác lấp chỗ trống trong chuỗi cung ứng của Việt Nam", bà Xuân chia sẻ.
Theo bà Xuân, để ngành da giày không bị đứt gãy nguồn cung, Hiệp hội đã cùng các nhãn hàng quốc tế bàn thảo và sẽ kiến nghị lên Chính phủ.
Thứ nhất là đẩy mạnh khả năng tự test nhanh trong nội bộ các nhà máy để duy trì sản xuất theo mô hình 2 tại chỗ.
Thứ hai là mua vaccine, doanh nghiệp sẵn sàng chung tay cùng với Nhà nước để có nguồn kinh phí tiêm miễn phí cho người lao động.
"Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngành da giày sẽ có cơ hội thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, giữ được mục tiêu khoảng 22-23 tỉ USD năm nay" - bà Phan Thị Thanh Xuân nhận định.
Xem thêm: odl.640449-euq-ev-ob-ut-gnod-oal-ueihn-iv-gnah-nod-cac-court-yat-ob-yaig-ad-nd/et-hnik/nv.gnodoal