Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến TP.HCM cho bệnh nhân thở oxy khi bị suy hô hấp do COVID-19 - Ảnh: THU HIẾN
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin trước đó, sáng 19-8, ông N.V.H. (61 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) có biểu hiện khó thở rồi ngã quỵ. Con ông phát hiện, gọi cấp cứu nhiều nơi nhưng vẫn không được đưa đi cấp cứu kịp thời, ông H. tử vong trước khi đến bệnh viện.
Quy trình tiếp nhận thông tin cấp cứu loằng ngoằng?
Sau bài viết, bạn đọc Ngô Văn Hiền cho rằng: "Qua điều này chúng ta nhận thấy quy trình và cách giải quyết quá loằng ngoằng. Cuối cùng thì trách nhiệm thuộc về ai? Cứu bệnh như cứu hỏa mà người nhà bệnh nhân như ngồi trên lửa, tôi thiết nghĩ nên sửa lại quy định, người dân chỉ gọi vào 1 số điện thoại thôi, từ đó trung tâm tự điều phối".
Còn theo bạn đọc tên Quan: "115 phải tiếp nhận và xử lý bằng cách điều xe cấp cứu từ điểm gần bệnh nhân nhất đi cấp cứu. Không được yêu cầu gọi đến chỗ khác; nên phân bổ các xe taxi được chuyển đổi này về từng phường hoặc phân bổ điểm tập kết trải đều ra; mỗi trạm y tế phường nên được trang bị ít nhất 1 xe cấp cứu".
Trong khi đó, bạn đọc Truungvuu75 ý kiến: "Nếu như đã xác định không phải bị COVID-19, nên sử dụng phương tiện cá nhân đưa ngay tới bệnh viện".
Nhiều tình nguyện viên mới, còn non kinh nghiệm!
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết đã làm việc trực tiếp với 3 người có liên quan đến vụ việc ông H. tử vong. Về quy trình cấp cứu, Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ là đơn vị xử lý trực tiếp.
"Hiện tại tổng đài viên của chúng tôi có đến 90% là tình nguyện viên, chủ yếu là sinh viên y khoa năm 1, năm 2, các bạn đoàn viên… kiến thức về y khoa vẫn còn hạn chế.
Trường hợp hôm qua, đơn vị xử lý chưa đúng lưu đồ, chúng tôi đã nhắc nhở tất cả các bạn tình nguyện viên và làm việc trực tiếp 3 người có liên quan đến ca tử vong của ông H." - vị đại diện này nói.
Hiện nay, hệ thống cấp cứu 115 phải tiếp nhận 6.000 cuộc gọi mỗi ngày so với 1.000 - 2.000 như trước đây.
"Chúng tôi luôn nỗ lực, tận dụng hết nguồn lực có thể trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cấp cứu. Nếu trong giai đoạn đó xe cấp cứu không có chúng tôi cũng phải chủ động liên hệ với taxi cấp cứu hoặc đội phản ứng nhanh cấp cứu cho bệnh nhân tạm thời", đại diện Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết thêm.
Theo kế hoạch, TP sẽ chuyển đổi 200 xe taxi thành xe cấp cứu nhưng đến nay Trung tâm Cấp cứu 115 chỉ mới có 50-70 taxi được chuyển đổi phân bố ở 24 quận, huyện, rất khó khăn trong cấp cứu.
Ông Ngô Văn Minh - chủ tịch UBND phường 16, quận Gò Vấp - cho biết liên quan trường hợp ông N.V.H. tử vong sau khi gọi điện thoại cho nhiều nơi không được, phường đang làm báo cáo gửi UBND quận trên cơ sở giải trình của trưởng trạm y tế và bác sĩ Giang (người trực tiếp nhận điện thoại).
"Quan điểm là sẽ xác minh làm rõ sự việc như thế nào và sẽ có hướng xử lý nếu có sai sót" - ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, để đáp ứng nhu cầu cấp cứu người bệnh (bao gồm những ca F0) trên địa bàn, phường này đã kiện toàn lại tổ phản ứng nhanh cũng như bổ sung trang thiết bị và nhân lực cho y tế phường.
Về phương tiện, trang thiết bị, phường đã vận động được một xe 7 chỗ để phục vụ cấp cứu, chính thức đưa vào hoạt động hôm nay. Ngoài ra, bổ sung cho trạm y tế 6 bình oxy (nâng lên tổng cộng 11 bình), trang bị thêm 15 máy đo SpO2 (đo oxy trong máu - PV).
Ông Minh cho biết thêm, ngoài đường dây nóng do lãnh đạo UBND phường trực tiếp nhận, điều phối tất cả những thông tin của người dân trong mùa dịch, phường cũng đã niêm yết danh sách số điện thoại của 14 thành viên tổ phản ứng nhanh trên bảng tin phường và triển khai danh sách này đến từng khu phố, tổ dân phố để người dân tiện liên lạc khi có nhu cầu cấp bách.
Người dân có thể linh hoạt trong quá trình cấp cứu
Trước đó, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đối với các bệnh nhân mắc COVID-19 khi có dấu hiệu bệnh chuyển nặng như khó thở, hụt hơi, thở nhanh... cần gọi ngay tới tổng đài 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh quận, huyện để được cấp cứu kịp thời.
Tổ phản ứng nhanh ở các quận, huyện bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng, công an...; tổ này phải cung cấp số điện thoại để người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà dễ dàng liên hệ khi cần hỗ trợ; vào tình huống khẩn cấp, tổ sẽ sử dụng xe cứu thương của các bệnh viện quận, huyện khi cần thiết.
Đối với người bệnh thông thường, khi có nhu cầu cấp cứu thì gọi tổng đài 115; nhưng nếu có hiện tượng kẹt xe chưa đến cấp cứu kịp, tốt nhất gia đình nên chủ động đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện) bằng các phương tiện vận chuyển của gia đình.
Trước đó, ngày 16-8, Sở Y tế cũng đã có văn bản hỏa tốc công bố 136 cơ sở y tế của TP.HCM đủ điều kiện để tiếp nhận cả trường hợp bệnh nhân COVID-19 và bệnh thông thường đến khám và điều trị.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết rút kinh nghiệm từ địa phương bạn (Bình Dương - PV) đã xảy ra tình trạng người không mắc COVID-19 bị từ chối cấp cứu, Sở Y tế TP yêu cầu tất cả các bệnh viện trên địa bàn luôn đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu cho dù là người mắc COVID-19 hay không.
Đại diện Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết thêm, trong giai đoạn nguồn lực về y tế và xe cứu thương còn hạn chế, nếu người nhà đặc biệt nguy kịch thì nên kết hợp song song vừa gọi Trung tâm Cấp cứu 115 vừa biết càng nhiều số điện thoại đường dây nóng càng tốt để tư vấn cách sơ cứu, tập thở.
Ví dụ như Tổng đài 1022 phím số 3, 1022 phím số 4…, đặc biệt người dân nên lưu lại số điện thoại của tổ phản ứng nhanh, tổ COVID-19 cộng đồng là những cơ sở gần dân nhất.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.
TTO - Sáng 19-8, ông N.V.H. (61 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) có biểu hiện khó thở rồi ngã quỵ. Con ông phát hiện, gọi cấp cứu nhiều nơi nhưng vẫn không được đưa đi cấp cứu kịp thời, ông H. tử vong trước khi đến bệnh viện.