Tổ dân phố nơi gia đình anh Thắng sinh sống đã phát phiếu đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho bố anh (nhóm người trên 65 tuổi).Anh Nguyễn Văn Thắng (Cầu Giấy) cho biết, bố anh mới mổ tiền liệt tuyến, bị thoái hoá khớp háng đặc biệt là mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được phát hiện và điều trị hơn 10 năm nay.
Với bệnh lý phổi tắc nghẽn mãn tính, anh Thắng băn khoăn liệu có tiêm được vắc xin phòng Covid-19 không? Trong trường hợp tiêm được thì cần phải lưu ý những gì?
Trả lời câu hỏi này, Bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Chí Khôi, Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, trả lời: tiêm vắc xin nhằm mục đích tạo sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật. Do đó, người càng có sức đề kháng yếu như người lớn tuổi, nhiều bệnh nền thì càng nên tiêm vắc xin.
Đặc biệt, với những người mắc bệnh nền, mãn tính thuộc nhóm COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) thì nguy cơ rất cao nếu nhiễm bệnh. Vì vậy, nếu đến lượt được tiêm phòng vắc xin thì người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không nên trì hoãn.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS.Nguyễn Đình Tiến - Chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm Bộ môn Nội hô hấp, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Bệnh nhân COPD, do sự cung cấp oxy và thải khí cacbonic của cơ thể đã bị suy giảm nên khi phổi bị viêm do Covid- 19 sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng này.
Mặt khác, COPD thường ở nhóm người cao tuổi, khả năng miễn dịch suy giảm và tắc nghẽn đường thở cũng làm cho coronavirus dễ dàng xâm nhập gây tổn thương và bội nhiễm các vi khuẩn khác… Đây là một trong những lý do làm tăng nguy cơ tử vong trên những đối tượng này. Hơn nữa, với bệnh nhân COPD mắc Covid-19 dễ bị khó thở và nguy cơ tiến triển nặng cũng cao hơn.
Hơn nữa với những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mán tính thường ở nhóm người cao tuổi có một hoặc nhiều bệnh nền, nguy cơ bị nặng và tỷ lệ tử vong cao khi mắc Covid- 19. Do đó, nhóm bệnh nhân này cần được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, việc tiêm chủng phải được tiến hành tại bệnh viện, trước khi tiêm, cần đi khám bệnh để được tư vấn, kiểm soát bệnh ổn định.
Đáng lưu ý ở nhóm bệnh này trước, trong và sau khi tiêm cần lưu ý:
Duy trì điều trị kiểm soát tốt triệu chứng của COPD. Bệnh nhân phải ở giai đoạn ổn định (ngoài đợt cấp). Không dùng corticosteroid toàn thân trong vòng 14 ngày.
Nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng khi khám sàng lọc trước tiêm, ngoài hỏi tiền sử dị ứng, đo mạch, nhiệt độ, huyết áp thì cần khám hô hấp. Bệnh nhân COPD có chỉ định tiêm khi nhịp thở dưới 25 lần/phút, SpO2> 94%.
Sau tiêm bệnh nhân được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 30 phút. Khi về vẫn dùng các thuốc kiểm soát COPD theo hướng dẫn. Tốt nhất là dùng đường tại chỗ dạng phun hít, hạn chế dùng dạng uống, dạng khí dung. Chú ý theo dõi tình trạng khó thở cũng như dị ứng sau tiêm vắc xin. Nếu khó thở tăng, thở rít, nổi ban sẩn ngoài da… cần báo ngay cho bác sĩ.
Theo Quyết định 3802/QĐ-BYT (QĐ 3802) ngày 10/8 về "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19" đã chỉ rõ nhóm cần được khám sàng lọc kỹ và thận trọng gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên.
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Nhiệt độ hơn 37,5 độ C. Mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút. Huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hằng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế). Nhịp thở trên 25 lần/phút.
- Người đang bị suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối đang điều trị hóa trị, xạ trị.
N. Huyền
Infonet