Thông tin TPHCM sẽ siết chặt việc đi lại nhằm quyết liệt chống dịch Covid 19 trong 2 tuần đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo, VN-Index giữa phiên giảm mạnh gần 58 điểm. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường trên 45.000 tỉ đồng, vượt xa mức kỷ lục cuối tháng vừa qua đến hơn 13.000 tỉ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (20-8), chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ. Theo đó, VN-Index còn 1.329,43 điểm, giảm 45,42 điểm (3,3%), khi đóng cửa. Trong khi đó, VN30 giảm đến 54,56 điểm, còn 1.450 điểm; HNX- Index giảm 8,01 điểm, còn 338,06 điểm; UpCom- Index giảm 2,23 điểm, còn 92,48 điểm.
Ngược lại đà tăng điểm của phiên trước đó, thị trường chứng khoán hôm nay đã giảm điểm khá mạnh ngay khi mở cửa, các chỉ số đã giảm trong vùng 10 điểm, sau đó, mức độ tăng mạnh hơn, nhất là khi các báo thông tin chính thức TP HCM, sẽ áp dụng biện pháp "ai ở đâu ở yên đó" từ 23-8 thì tình trạng bán tháo xảy ra hầu hết các mã từ bluechips đến cổ phiếu nhỏ. Tuy vậy, lực cầu bắt đáy mua vào của các nhà đầu tư diễn ra mạnh.
Thanh khoản thị trường tăng vọt so với phiên trước đó và đạt mức kỷ lục mới, với giá trị khớp lệnh đạt 46.263 tỉ đồng, tăng 66,7% so với phiên trước. Trong đó, HOSE là 36.807 tỉ đồng (tăng 68%), HNX là 6.337 tỉ đồng, UPCoM-Index đạt 3.119 tỉ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 760 tỉ đồng trên HOSE trong khi mua ròng ở 2 sàn HNX và UPCoM.
Các mã trong nhóm VN30 đều giảm sâu
Nhận định phiên hôm nay, các chuyên gia chứng khoán cho rằng là một phiên "wash out" - thuật ngữ thể hiện trạng thái giao dịch hoảng loạn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi lượng cung tiền mua mạnh thì thị trường hồi trở lại và đi ngang một thời gian, tích lũy để có thể buớc sang giai đoạn tăng điểm mới.
Trên thực tế các chuyên gia cũng cho rằng thị trường chứng khoán thời gian qua đã kéo điểm tăng khá, trong khi dự báo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới không khả quan do ngừng sản xuất bởi dịch Covid-19. Chưa kể tình hình an sinh xã hội tại TP HCM và các tỉnh có thể bị ảnh hưởng nặng sau đại dịch, tình trang thất nghiệp gia tăng, tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời thiệt hại của đại dịch thời gian tới chưa ước tính được. Vì vậy, dù dòng tiền nhàn rỗi đang nhiều nhưng sẽ khó giữ sự lạc quan lâu dài. Đặc biệt sau khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng tiền sẽ dịch chuyển sang các kênh khác. Theo xu hướng thận trọng, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư đứng ngoài quan sát vẫn an toàn hơn bắt đáy lúc này.
Trong thời gian này, có thông tin có thể tích cực một chút cho nhà băng, đó là dự thảo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố. Theo đó, thời gian các khoản tín dụng được cơ cấu cũng như kéo dài thời gian cơ cấu nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Điều này kỳ vọng sau cơn hoảng loạn, nhiều mã tài chính ngân hàng sẽ được gia tăng lực cầu trở lại.
Xem thêm: mth.99543055102801202-uc-cul-yk-ax-touv-naohk-hnaht-oad-oahc-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.moc.dln