Cảnh sát giao thông Thủ Đức xử lý người ra đường không thực sự cần thiết - Ảnh: MINH HÒA
Trong văn bản, Sở Nội vụ TP đề xuất UBND TP xem xét, chỉ đạo việc kiểm soát di chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án "3 tại chỗ".
Cụ thể, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan, đơn vị di chuyển bằng xe gắn máy phải đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường và mặc đồng phục của TP trong suốt quá trình di chuyển để lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 có thể nhận diện.
Trường hợp di chuyển bằng ô tô, bên cạnh việc đeo thẻ và mặc đồng phục phải có thẻ đi đường dán tại kính trước bên trái ô tô trong suốt quá trình di chuyển.
Theo đề xuất của Sở Nội vụ TP, đồng phục của TP là loại áo khoác/áo bib có logo nhận diện theo hướng dẫn của TP. Căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bố trí làm việc trực tiếp tại trụ sở, các cơ quan, đơn vị đăng ký số lượng đồng phục với Sở Công thương.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về vi phạm của công chức, viên chức, người lao động và việc cấp thẻ công chức, thẻ đi đường không đúng đối tượng.
Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết; không đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường, không mặc đồng phục của TP.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng đề xuất UBND TP giao Sở Công thương cung cấp đồng phục của TP là loại áo khoác/áo bib có logo, màu xanh dương theo số lượng đăng ký.
Song song, giao Công an TP bố trí luồng di chuyển riêng đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị khi đã nhận diện được từ xa, tránh ùn tắc tại các chốt kiểm soát. Xử phạt hành chính nghiêm các trường hợp vi phạm.
TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị đến các cơ quan chức năng việc không yêu cầu cán bộ công chức khai báo "di biến động dân cư" tại các chốt kiểm dịch.