Đêm 6/4/1979, tại một đường hầm cao tốc hẻo lánh cách sân bay Subang (nay là sân bay Sultan Abdul Aziz Shah) 5 km, hai kỹ sư máy bay tấp vội vào lề đường khi thấy một thi thể phụ nữ bị trói trên ghế của chiếc Fiat 125 màu trắng với nhiều vết đâm.
Nạn nhân là Jean Perera Sinnappa, 31 tuổi, nữ giáo viên trung học. Cô được mệnh danh "nữ hoàng sắc đẹp Malaysia", từng giành nhiều danh hiệu trong các cuộc thi hoa hậu.
Cách vài bước chân, Karthigesu, anh chồng của Jean, nằm úp mặt trên nền đất, lầm bẩm gì đó trong sợ hãi. Cảnh sát lập tức đưa anh ta đến bệnh viện và gửi thi thể đi khám nghiệm.
Karthigesu là người duy nhất có mặt tại hiện trường nên bị xác định là nghi phạm chính. Anh ta nói hai người đang trên đường về nhà ở sau buổi tối đi chơi, song lại khẳng định không biết gì về án mạng. Karthigesu nói muốn đi vệ sinh, dừng xe bên đường và bất ngờ bị ai đó dùng vật nặng đánh vào đầu từ phía sau khiến bất tỉnh.
Karthigesu được nhiều người nhận xét là giáo viên hiền lành, kiên nhẫn và tốt bụng nên không thể là thủ phạm. Tuy nhiên, các tình tiết của vụ án đã chống lại anh ta. Trong đó có việc tại sao Karthigesu không thương tích gì trong khi Jean bị đâm nhiều nhát đến vậy? Cảnh sát cùng không tìm thấy mùi hay dấu vết của nước tiểu quanh khu vực hiện trường.
Karthigesu được cho là đem yêu lòng yêu em dâu trước cả khi em trai mình chết vì tai nạn giao thông trong đêm giao thừa 4 tháng trước đó. Định mệnh thay đổi khi Jean sau đó mang 3 con về ở chung nhà với mẹ chồng và anh chồng. Hai người chóng nảy sinh tình cảm và Karthigesu quyết định nhân cơ hội này cầu xin em dâu tái hôn với mình.
Nhưng không lâu sau, Karthigesu phát hiện ra Jean đang quan hệ tình cảm với một bác sĩ người nước ngoài. Trong ngăn kéo tủ của em dâu, Karthigesu tìm thấy 19 bức thư tay tâm sự chuyện ái tình em dâu và vị bác sĩ viết cho nhau, nhiều bức gửi từ khi em trai anh ta chưa qua đời.
Cảnh sát tin rằng điều này có thể đã gây ra một số căng thẳng giữa Karthigesu và Jean, thúc đẩy anh ta giết Jean vì ghen tuông và trả thù cho người em trai quá cố. Những nghi ngờ này càng trở nên mạnh mẽ khi Bandhulanda, một người bạn của gia đình, tiết lộ với cảnh sát Karthigesu từng nói "ả đó không đáng được sống".
Sau 3 tuần, Karthigesu bị bắt vào ngày 26/4/1979 và bị xét xử trong phiên toà lịch sử kéo dài 38 ngày với 58 nhân chứng.
Anh ta cũng trở thành trường hợp đầu tiên của Malaysia bị buộc tội dựa trên bằng chứng tình huống và lời thú tội ngoài tư pháp. Lời thú tội ngoài tư pháp là lời thú tội được đưa ra trước tòa, không phải là một phần của cuộc điều tra trước đó.
Tại toà, luật sư của Karthigesu đặt câu hỏi tại sao không có vết máu bắn tung tóe trên người Karthigesu nếu anh ta thực sự là kẻ giết người? Tại sao không có hung khí nào được tìm thấy tại hiện trường?
Bồi thẩm đoàn 7 người bỏ phiếu theo tỷ lệ 5-2. Karthigesu bị tuyên phạm tội Giết người. Ngày 9/5 cùng năm, anh ta bị Tòa án Tối cao Kuala Lumpur tuyên phạt tử hình, song, chỉ phải ngồi tù 2 năm.
Bandhulanda sau đó đã rút lại lời khai của mình và thừa nhận Karthigesu chưa bao giờ nói bất cứ điều gì với mình. Thẩm phán phạt Bandhulanda 10 năm tù về tội Khai man nhưng anh ta chết sau 2 năm chấp hành án.
Không có đủ bằng chứng, toà án buộc phải bác tất cả các cáo buộc chống lại Karthigesu. Ngày 20/5/1981, Kartigesu ung dung bước khỏi trại giam trong sự chào đón của gia đình và biển người hiếu kỳ. Anh ta kết hôn và sống hạnh phúc với vợ con tại thị trấn Klang, bang Selangor, tránh mặt truyền thông.
Với kỹ thuật pháp y ngày nay, việc tìm ra thủ phạm có lẽ sẽ đơn giản hơn nhiều. Nhưng vào thời điểm đó, công nghệ xét nghiệm ADN chưa phát triển.
42 năm trôi qua, vụ sát hại Nữ hoàng sắc đẹp Malaysia vẫn chưa có lời giải nhưng nó đã tạo cảm hứng cho việc ra đời cuốn sách The Murder of a Beauty Queen và bộ phim tài liệu Jean Perera: The Beauty Queen Murder, sản xuất năm 2009.
Hải Thư (theo Astroulagam, NST, Worldofbuzz, Thesundaily)
Xem thêm: lmth.3133434-ped-cas-gnaoh-un-auc-na-ib-ab-yat-hnit/ten.sserpxenv