Nikolay Storonsky đã mất bảy năm để cuối cùng quyết định rời bỏ lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Những năm 20 tuổi, anh làm việc tại Lehman Brothers rồi Credit Suisse Group AG và chính thức rời ngành ngân hàng vào năm 2013.
"Với tư cách là một nhân viên ngân hàng, tôi cảm thấy mình đã đạt đến mức tối đa", Storonsky - người có kinh nghiệm giao dịch các công cụ phái sinh cho hai ngân hàng lớn bậc nhất ở London trả lời phỏng vấn Bloomberg. "Thế rồi mọi chuyện trở nên rất nhàm chán".
Một phần trục trặc trong nghề nghiệp đã khiến Storonsky quyết định rẽ lối đi khác, đồng sáng lập Revolut Ltd., công ty cung cấp các dịch vụ tài chính trực tuyến. Tuần trước, Revolut đã huy động được 800 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm SoftBank Group Corp. và Tiger Global Management, với mức định giá 33 tỷ USD. Ở mức đó, cổ phần của Storonsky trị giá khoảng 6,7 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg.
Theo chia sẻ từ phía công ty, khoản gọi vốn mới nhất sẽ hỗ trợ một phần cho việc mở rộng Revolut sang Mỹ và kế hoạch thâm nhập vào Ấn Độ.
Người phát ngôn của Revolut từ chối bình luận về việc sở hữu cổ phần của Storonsky.
Định giá của công ty đã tăng gấp sáu lần so với vòng gọi vốn cuối cùng vào năm 2020 và là công ty công nghệ tài chính mới nhất huy động tiền với mức định giá ấn tượng. Vào tháng 3, công ty thanh toán di động Stripe đã trở thành công ty khởi nghiệp lớn nhất của Mỹ với mức định giá 95 tỷ USD sau vòng gọi vốn mới nhất của mình. Đối thủ trong nước của Revolut là Wise Plc, đã niêm yết cổ phiếu trong tháng này và hiện có giá trị thị trường khoảng 13 tỷ USD, gần gấp ba lần định giá so với 12 tháng trước. Điều đó đã làm dấy lên một số lo ngại về bong bóng định giá.
Mở rộng nhanh chóng
Revolut đã mở rộng nhanh chóng kể từ khi Storonsky, 36 tuổi đồng sáng lập công ty vào năm 2015 với Vlad Yatsenko, một nhà phát triển công nghệ từng làm việc tại Deutsche Bank AG. Công ty ban đầu kinh doanh thẻ ghi nợ trả trước và hiện tại đã mở rộng sang các dịch vụ khác bao gồm tài khoản ngân hàng, chuyển tiền quốc tế, giao dịch tiền số và chứng khoán cũng như các công cụ lập ngân sách và thanh toán hóa đơn.
"Ý tưởng của tôi luôn là mở rộng ra ngoài lĩnh vực ngoại hối", Storonksy nói. "Chúng tôi đang cố gắng mở rộng càng nhanh càng tốt, tốc độ là ưu tiên quan trọng hơn việc đặt mục tiêu công ty muốn phát triển lớn đến mức nào".
Mô hình của Revolut đặc biệt thu hút những người dùng trẻ tuổi. Owen Barron, 29 tuổi đến từ Dublin, Ireland, bắt đầu sử dụng Revolut vào năm 2017. Anh hài lòng với mức phí thấp hơn cho các giao dịch nước ngoài của công ty hay việc sử dụng máy ATM ở nước ngoài. Bây giờ, Barron sử dụng ứng dụng này mỗi ngày.
"Tôi cài Revolut giống như việc bạn có Instagram hoặc WhatsApp trên điện thoại vậy", anh nói.
Khoảng 18 tháng trước, Barron bắt đầu sử dụng một tính năng khác của ứng dụng: Đầu tư. Thương vụ đầu tiên của anh ấy là ở Microsoft Corp.
Một nhược điểm mà Barron thấy ở Revolut là mức phí. Anh ấy hiện đang sử dụng tài khoản miễn phí, có giới hạn rút tiền. Ở Ireland, anh ấy có thể thực hiện tối đa năm lần rút tiền ATM hoặc rút 200 euro (236 USD). Nếu muốn vượt mức này, công ty áp dụng khoản phí 2%.
Pedro Coelho trả 12,99 bảng Anh (18 USD) cho tài khoản Revolut cao cấp của mình. Tư cách thành viên "Metal" mang lại cho anh ấy các tính năng cao cấp, bao gồm hoàn tiền 1% bằng tiền số, lên tới 800 bảng Anh khi rút tiền ATM miễn phí và giao dịch không mất phí hoa hồng không giới hạn.
Giống như Barron, Coelho, 25 tuổi, lần đầu tiên bị cuốn hút vào Revolut bởi một tính năng duy nhất. Anh ta cần bán một vé Eurostar vào năm 2018 và người mua muốn có tiền thông qua dịch vụ chuyển tiền ngang hàng của Revolut. Ba năm sau, Coelho hiện là khách hàng trả phí trong nhóm thành viên cao cấp nhất của công ty.
Jim Miller, giám đốc điều hành mảng ngân hàng và thanh toán của công ty nghiên cứu J.D. Power đặt câu hỏi về kế hoạch của Revolut khi mở rộng sang các dịch vụ mới.
Trên thực tế, tham vọng của Revolut cũng đã khiến họ chịu sự soi xét của các cơ quan quản lý.
Cơ quan giám sát tài chính của Vương quốc Anh đã xem xét lý do tại sao vào năm 2018, công ty này tạm thời tắt một hệ thống được thiết kế để chặn các giao dịch đáng ngờ. Các cựu nhân viên cũng đã kể lại nhiều vấn đề bao gồm điều kiện làm việc tồi tàn tại Revolut.
Người này tiết lộ, công ty đã treo một bảng hiệu đèn neon trong văn phòng nhằm khuyến khích nhân viên "Hãy hoàn thành công việc!".
Mặc cho còn nhiều vấn đề hoài nghi, Storonsky, cổ đông cá nhân lớn nhất của Revolut đã được đền đáp xứng đáng. Khi đặt mục tiêu đưa công ty trở thành một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới, anh ấy vẫn thận trọng với các quy định trong thế giới ngân hàng - nơi anh bắt đầu sự nghiệp.
Nguồn: Bloomberg
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị