Bác sĩ nỗ lực điều trị cho một sản phụ mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện Hùng Vương - Ảnh: DIỆU QUÍ
Chị Phạm Thị Kim Dung (ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) là một trong những sản phụ nhiễm COVID-19, và đã vượt cạn thành công vào đầu tháng 8.
"Vượt cạn" trong khu cách ly
Cuối tháng 7, chị Dung được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại nhà, không triệu chứng trong khi chồng và mẹ chồng ở chung nhà âm tính. Thời điểm mắc COVID-19 cũng là những ngày cuối thai kỳ. Ngày 22-7, chị gói ghém túi đựng ít đồ dùng cần thiết rồi vào khu cách ly tập trung ký túc xá Đại học Văn hóa (phường Phước Long A, TP Thủ Đức) để vừa điều trị, vừa chờ sinh.
Những ngày sắp lâm bồn, hôm nào chị Dung cũng sờ tay lên bụng rồi nhìn ra cửa với đầy tâm trạng. "Tôi là F0 không triệu chứng của bệnh nên cũng ít hoang mang, chỉ mệt chút do em bé hay đạp. Nhưng tôi lo cho cái thai vì nghe nói mẹ bầu mắc COVID dễ có nguy cơ diễn biến nặng. Tôi có người quen cũng là sản phụ đang thở oxy tại một BV phụ sản, nên lúc đó chỉ biết cầu mong con ra đời bình an" - chị Dung tâm sự.
Sáng 2-8, người mẹ 24 tuổi lên bàn mổ. Bé trai 2,5kg chào đời khỏe mạnh, âm tính với COVID-19 được đưa đến phòng sơ sinh, còn chị Dung cách ly tại một phòng ba người ở lầu 4, nơi điều trị dành cho sản phụ bị nhiễm dịch. Sau đó, mẹ con chị chuyển qua Bệnh viện Từ Dũ.
Do là F0, chị Dung không thể cận kề với con như bà mẹ bình thường khác. "Những ngày ở bệnh viện chỉ quanh quẩn trong phòng, không được ra ngoài, không được ôm con nên cũng buồn" - chị nói.
Biết chị nhớ con, các điều dưỡng, y tá phòng sơ sinh thường gọi video để chị nhìn con qua màn hình. Sau ba ngày, chị tiếp tục được chuyển sang Bệnh viện dã chiến số 7, ở cùng các sản phụ không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, còn bé trai lúc này được cha bé đến đón về sau khi anh có kết quả xét nghiệm âm tính.
Vốn là người lạc quan, sau khi sinh chị vẫn giữ tâm lý khá ổn. "Ở bệnh viện, tôi thấy các y bác sĩ cực lắm, bận nhiều việc nhưng vẫn săn sóc chúng tôi rất tốt, thăm hỏi, động viên để mẹ bầu an tâm trị bệnh. Thức ăn cũng đủ chất cho người mới sinh nên tôi không lo lắng nhiều, khi đó chỉ đếm từng ngày được về nhà với con" - chị Dung nói và cho biết sau một tuần điều trị, chị được xuất viện dù vẫn còn dương tính, song tải lượng virus thấp (CT > 30).
Hiện tại chị Dung cách ly tại nhà 14 ngày từ khi xuất viện. Ở nhà, dù có thể nhìn thấy con trước mặt, nhưng để giữ an toàn cho con chị buộc phải giữ khoảng cách, không thể đến gần ẵm bồng. Em bé ra đời từ người mẹ nhiễm COVID-19 vẫn khỏe mạnh, bú tốt, đang được ba và bà nội chăm sóc.
ThS.BS Cao Hữu Thịnh - chuyên về sản phụ khoa, hiếm muộn, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - kể một trong những ca mùa dịch mà anh đã đỡ sinh: "Khuya 1h sáng có ca đau bụng đẻ vào viện, BV điện thoại báo cổ tử cung nở 4cm chờ làm xét nghiệm COVID thì cổ tử cung nở đẻ nhanh luôn, cũng may sinh ra mẹ con đều bình an.
Một ca khác thì nhập viện nằm chờ test PCR COVID-19 rất lâu mới được mổ. Đi sinh thời COVID vất vả vô cùng, nhưng chúng tôi luôn cố gắng để các mẹ bầu được mẹ tròn con vuông" - bác sĩ Thịnh kể.
Vị bác sĩ 41 tuổi nhớ một câu chuyện diễn ra vào hôm 12-8. "Người mẹ này mổ lấy thai lần trước gặp nhiều vấn đề, gây tê thất bại, mổ đau quá phải chuyển qua gây mê nên rất lo sợ, ám ảnh.
Thai gần đủ ngày thì rơi vào tâm dịch khiến mẹ càng lo hơn, rồi cũng đến ngày cho nhập viện trước chờ kết quả test PCR để mổ. Bước vào phòng mổ, sản phụ ấy lo sợ nằm khóc, nói bác sĩ mổ nhẹ cho em, và tôi đã trấn an cô ấy.
Lần này gây tê thành công, mổ nhẹ nhàng, vừa nói chuyện với cô ấy một lúc thì nghe tiếng khóc chào đời với 3 vòng rốn quấn chặt cổ. Ca mổ dính khó, nhau tiền đạo nữa, nhưng cũng may mắn ca mổ thành công. Thở nhẹ lòng!", bác sĩ Thịnh chia sẻ qua điện thoại khi vừa kết thúc ca mổ vào sáng chủ nhật.
Bé trai được bác sĩ Cao Hữu Thịnh mổ sinh trong mùa dịch - Ảnh: Facebook BS Cao Hữu Thịnh
Áp lực và động lực
Các dãy lầu luôn sáng đèn, giọng bác sĩ gấp gáp trong ca mổ, điều dưỡng chạy tất bật, những đôi mắt nhắm nghiền của sản phụ và xung quanh tiếng máy móc vang lên, dây nhợ chằng chịt là những gì đang diễn ra ở khu điều trị COVID-19 cho sản phụ tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM).
Không khí khẩn trương, căng thẳng, lực lượng y tế tại một trong các bệnh viện sản phụ khoa lớn nhất TP.HCM này đang chiến đấu từng phút giúp sản phụ mẹ tròn con vuông, và cân não giành lấy sự sống cho những thai phụ nhiễm dịch bệnh đang hôn mê, thở máy.
Dẫn chúng tôi quan sát tầng 2, nơi nhiều bà bầu nhiễm COVID đang được cách ly, chăm sóc chờ ngày sinh, bác sĩ CKII Trần Thị Thanh Thủy, trưởng khoa K1 Bệnh viện điều trị COVID-19 Hùng Vương, cho biết nếu như ở khu điều trị thường, các bác sĩ chỉ chịu trách nhiệm chăm sóc thai phụ, thì ở nơi điều trị sản phụ mắc COVID-19, nhân viên y tế phải làm việc gấp nhiều lần.
"Chúng tôi vừa lo cho sản phụ và thai, rồi phải theo dõi các triệu chứng của COVID, tần suất tiếp cận thai phụ hơn người bình thường rất nhiều. Nhân viên ở đây làm việc 3 ca, 4 kíp trong bộ đồ bảo hộ cấp 4, chỉ tới giờ cơm mới được tháo ra một chút để ăn" - bác sĩ Thủy bộc bạch. Số bệnh nhân quá tải, trong khi lực lượng y tế khá mỏng, do đó năng suất làm việc của nhân viên y tế tại đây không phải 100% mà là 200-300%.
Làm việc trong môi trường có nồng độ virus cao, dễ có nguy cơ lây nhiễm nên các y bác sĩ ở đây luôn tuân thủ tuyệt đối việc phòng hộ đúng chuẩn, bởi đó là yếu tố then chốt để phòng ngừa phơi nhiễm từ người bệnh.
"Mọi người luôn cẩn trọng khi làm việc và không kỳ thị người bệnh, vẫn phải chăm sóc và tiếp xúc gần người bệnh, đó là chuyện bình thường của người thầy thuốc" - bác sĩ Thủy tâm sự. Nỗ lực giành lấy sự sống cho sản phụ khiến các y bác sĩ quên hết mệt mỏi, đến khi người bệnh qua cơn nguy kịch, lúc bước ra ngoài ai cũng ướt đẫm mồ hôi.
Điều dưỡng Phạm Thị Thùy Trang chia sẻ công việc dù rất áp lực nhưng cũng có niềm vui để chị và đồng nghiệp tiếp tục cố gắng. Đó là niềm hạnh phúc khi chứng kiến ca mổ mẹ tròn con vuông cho người bệnh, hay nghe tin sản phụ nhiễm COVID nặng vừa vượt qua cửa tử...
Hỗ trợ tận tình
Ở khu điều trị COVID-19, không khó để bắt gặp những ánh mắt lo lắng, mỏi mệt của sản phụ qua lớp khẩu trang. Nhiều sản phụ dõi mắt nhìn ra cửa, chốc chốc lấy tay xoa lên bụng như niềm mong mỏi đứa con chào đời bình an trong cảnh mẹ đang nhiễm bệnh, ngoài kia dịch giã hoành hành.
Bác sĩ Thanh Thủy chia sẻ: "Thai phụ mắc COVID thường lo lắng, sợ mình trở nặng, rồi không có người thân ở bên nên tâm lý dễ ảnh hưởng. Họ vừa điều trị bệnh trong điều kiện cách ly, vừa phải cố gắng bảo vệ đứa con trong bụng bình an ra đời và mọi thứ đều phải tự lập khi người thân không thể vào.
Đội ngũ y tế luôn quan tâm sát sao, lắng nghe và chia sẻ với sản phụ để giúp ổn định tâm lý, cung cấp kỹ năng cần thiết và nhắc nhở những nguyên tắc cơ bản để tránh nhiễm bệnh do thao tác sai. Mỗi phòng đều có số điện thoại nhân viên y tế, người bệnh có nhu cầu gì chúng tôi sẽ hỗ trợ tận tình".
Kỳ cuối: Cuộc “vượt cạn sinh - tử"
Cả bảy người cùng gia đình bị nhiễm bệnh dịch, trong đó có một thai phụ sắp đến ngày sinh. Họ đã bật khóc, nghĩ hai mẹ con không qua khỏi...
TTO - Bầu bì ngay thời điểm dịch giã bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, nhiều thai phụ lo lắng không dám tới bệnh viện lớn để khám thai.
Xem thêm: mth.55012900112801202-hcid-oab-auig-nac-touv-4-yk-hcid-aum-nac-touv-ib-uab-nan-naig/nv.ertiout