Nhiều quy định chưa phù hợp
VCCI chi nhánh Cần Thơ cho rằng, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, từ cuối tháng 4-2021 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới DN tại ĐBSCL vì hầu hết nhỏ và siêu nhỏ. Thống kê 6 tháng đầu năm 2021, ĐBSCL có 5.128 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 70.604 tỷ đồng; 1.523 DN quay lại hoạt động; số lao động tăng thêm 44.810 người. Bên cạnh, có 4.030 DN tạm ngừng hoạt động; 1.796 DN tạm ngừng kinh doanh; 955 DN đã giải thể.
Từ tháng 7-2021 đến nay, các địa phương chưa có thống kê cụ thể DN ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng thực tế trầm trọng hơn. Các DN nhỏ đa số phá sản hoặc ngừng hoạt động do không thuộc ngành thiết yếu; không thể duy trì sản xuất. Đa số DN chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện 3 tại chỗ, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển...). Công nhân làm việc bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác (do thiếu hụt lao động).
DN gặp khó khăn nhưng các vấn đề quy định cũng như chính sách chống dịch tại các tỉnh, các DN cho rằng còn nhiều bất cập khi giải quyết khó khăn. Các chính sách thiếu tính thực tiễn và thay đổi nhanh cũng khiến DN khó khăn trong thực hiện. Trong đó, có thể kể đến một số quy định trong thời gian qua như: quy định về hàng hoá thiết yếu còn mơ hồ; quy định về việc có giấy xét nghiệm âm tính; quy định về ra vào tỉnh, luồng xanh... Có trường hợp tỉnh chậm thông báo về nhiễm dương tính khiến DN bị phong tỏa đột ngột.
Kết quả khảo sát nhanh của VCCI Cần Thơ đối với các DN, hiệp hội DN trong vùng ĐBSCL cho thấy, đối với mô hình "3 tại chỗ", các DN được khảo sát phản ánh còn nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện. Các DN nhỏ đa số đều phá sản hoặc ngưng hoạt động do không thuộc ngành thiết yếu, không thể duy trì sản xuất. Ngoài ra, các DN nhỏ không có điều kiện, hạ tầng để thực hiện mô hình... Đối với các DN lớn hơn, có thể thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất, nhưng tình hình vẫn không khả quan, chỉ có thể hoạt động cầm chừng. Đa số DN cho biết chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển...).
Chưa nhận được hỗ trợ từ năm trước
Theo phản ánh của DN, trong thời gian dịch bùng phát, công nhân làm việc bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác (do thiếu hụt lao động)... Thêm vào đó, các DN đều lo ngại khi gãy chuỗi cung ứng, không cung ứng được cho khách hàng nước ngoài, họ sẽ chuyển qua mua ở thị trường khác, sau này không tìm lại được khách hàng.
Bên cạnh đó, DN phản ánh chưa nhận được hỗ trợ khi đề nghị chậm nộp thuế do nguồn tiền bị gián đoạn. Có trường hợp tỉnh chậm thông báo về các trường hợp dương tính khiến DN bị phong tỏa đột ngột. Nhiều DN được khảo sát cũng phản ánh việc chính quyền chậm thông tin đến DN trên địa bàn, thể hiện thái độ khi DN liên hệ nhờ hỗ trợ xử lý tình huống...
Đối với các gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 68 NQ/CP của năm ngoái. Các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5%-1% là quá ít đối với doanh nghiệp. Tình trạng thiếu vaccine khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đến lượt dù nằm trong ngành thiết yếu.
Tại Cần Thơ, trong số gần 10.000 DN của thành phố đã có hơn 9.800 DN tự giác đóng cửa. Theo Hiệp hội DN Cần Thơ, đối với các DN còn hoạt động, chi phí tăng, DN khó khăn hơn nhưng xét trên tổng thể bình diện của khối DN, có một số DN chấp nhận chi phí tăng cao để tiếp tục hoạt động và lợi nhuận cũng tăng thêm. Cũng có các trường hợp DN phải hoạt động do e ngại bồi thường đơn hàng... Đến nay, TP.Cần Thơ tiếp tục 10 ngày giãn cách xã hội thì trên địa bàn đã có 94,68% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.
Sở Công Thương TP.Cần Thơ thống kê, tổng số doanh nghiệp thành phố đang theo dõi là 1.090, đến chiều 16-8 đã tạm dừng 1.032 doanh nghiệp (chiếm 94,68%), còn hoạt động 58 doanh nghiệp (5,32%). Tổng số lao động 69.893 người, hiện đã nghỉ 65.248 người (93,35%), số còn lại sản xuất 3 tại chỗ trong các doanh nghiệp là 4.645 người (6,65%).
Trong các khu công nghiệp và chế xuất có 170 doanh nghiệp với 40.526 lao động thì dừng hoạt động 150 doanh nghiệp (88,24%) với 38.226 lao động (94,32%), chỉ còn hoạt động 20 doanh nghiệp (11,76%) với 2.312 lao động (5,7%). Ngoài khu công nghiệp có 920 doanh nghiệp với 29.367 lao động: Dừng hoạt động 879 doanh nghiệp (95,5%) với 27.034 lao động (92,06%), chỉ còn hoạt động 41 doanh nghiệp (4,5%) với 2.333 lao động (7,94%).
Đặc biệt, TP.Cần Thơ có 4 quận, huyện đã dừng hoàn toàn số doanh nghiệp dưới 100 lao động: Quận Cái Răng với 127 doanh nghiệp, quận Ô Môn 31 doanh nghiệp, huyện Phong Điền 19 doanh nghiệp và huyện Vĩnh Thạnh 11 doanh nghiệp. Còn 2 quận, huyện khác có nhiều doanh nghiệp dưới 100 lao động nhưng hầu hết đã dừng hoạt động: Quận Ninh Kiều có 404 doanh nghiệp, đã dừng 99,5%, chỉ còn hoạt động 0,5% (2 doanh nghiệp); quận Bình Thủy có 160 doanh nghiệp, đã dừng 99,38%, chỉ còn hoạt động 0,62% (1 doanh nghiệp).