Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân. Sau khi có thông tin TP.HCM tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp nhằm tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch Covid-19 bắt đầu từ 0 giờ ngày 23.8, có tình trạng người dân ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hóa. Lãnh đạo TP.HCM kêu gọi người dân bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường. “Thành phố khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân TP.HCM”, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM khẳng định trong sáng nay 21.8.
Từ 23.8, người dân trong “vùng xanh” ở TP.HCM đi chợ 1 lần/tuần. Theo văn bản về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 do UBND TP.HCM ban hành ngày 20.8, chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức được giao nghiên cứu, thực hiện các biện pháp bố trí để người dân đi chợ 1 lần/tuần (đối với “vùng xanh”). Công an TP.HCM được giao rà soát, siết chặt các đối tượng được tham gia lưu thông. Cụ thể, tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình khi tham gia lưu thông; thống nhất triển khai từ 0 giờ ngày 23.8. Sở Công thương phối hợp với Công an TP tham mưu thực hiện quản lý hoạt động của đội ngũ người giao hàng (shipper) trong việc tổ chức phân phối hàng hóa đến các hộ dân.
Gần 300 bác sĩ, học viên quân y vào TP.HCM chống dịch, chữa trị F0 tại nhà. Sáng 21.8, Học viện Quân y tổ chức lễ xuất quân cho 295 cán bộ, bác sĩ, học viên của học viện vào TP.HCM và các tỉnh phía nam tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có 113 bác sĩ là học viên sau đại học đang học tập tại Học viện Quân y, 2 cán bộ và 180 học viên năm thứ tư. Sau khi vào phía nam, đoàn sẽ chia thành 60 tổ quân y lưu động (mỗi tổ gồm 2 bác sĩ và 3 học viên). Công việc cụ thể của 60 tổ quân y lưu động là tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin, quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0, cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.
TP.HCM đề xuất Quân khu 7 hỗ trợ hơn 6.000 quân nhân, bác sĩ tham gia chống dịch Covid-19. Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về kiến nghị Quân khu 7 hỗ trợ nhân lực trong công tác phòng chống dịch. Tổ điều phối nguồn nhân lực đề xuất 2.060 nhân viên quân y, gồm 400 bác sĩ, 1.600 nhân viên y tế khác, 30 lái xe cứu thương và 30 nhân viên y tế theo xe. Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ thêm 4.000 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và 30 xe cứu thương. Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh TP.HCM, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ trực thuộc đã tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Người thân có thể tra cứu, theo dõi tình trạng của bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, để tra cứu thông tin người bệnh Covid-19 đang điều trị, thân nhân sẽ nhập thông tin của người bệnh Covid-19 tại địa chỉ https://tracuuf0.medinet.org.vn. Từ đó, hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19 sẽ tra cứu đầy đủ thông tin về người cách ly và người bệnh Covid-19 đang điều trị hoặc đã rời khỏi khu cách ly hoặc xuất viện. Thông tin về người bệnh Covid-19 sau khi tra cứu bao gồm: bệnh viện điều trị; tên bệnh viện, địa chỉ, số điện thoại; tình trạng bệnh; không triệu chứng; mức độ nhẹ; mức độ trung bình; mức độ năng; mức độ nguy kịch; thông tin về người bệnh; họ tên; giới tính; năm sinh, CMND/CCCD; địa chỉ (phường, quận, TP).
Pfizer cam kết đẩy nhanh tiến độ giao vắc xin cho Việt Nam trong năm 2021. Tối 20.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với ông Albert Bourla, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer. Thủ tướng đề nghị Pfizer ưu tiên, quan tâm và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giao vắc xin cho Việt Nam theo các hợp đồng, thỏa thuận, trước mắt là hoàn thành cam kết số lượng vắc xin giao trong tháng 8, tháng 9 và quý 4/2021; đồng thời sớm bàn giao vắc xin cho trẻ em và người dưới 18 tuổi. Chủ tịch Pfizer cam kết sẽ nỗ lực hết sức, tìm mọi phương án để đẩy nhanh tiến độ giao vắc xin cho Việt Nam trong tháng 8, tháng 9 và quý 4/2021; sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam được nhận chuyển nhượng và các hình thức chuyển giao vắc xin khác từ các quốc gia; tích cực ủng hộ Chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam về vắc xin.
Shipper dừng hoạt động ở 8 địa bàn tại TP.HCM. Ngày 21.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký văn bản khẩn thông báo về hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong những ngày sắp tới. Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718/UBND-VX ngày 15.8 của UBND TP.HCM, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn; đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, shipper của trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Đà Nẵng đã tiêm vắc xin Covid-19 được hoạt động. TP.Đà Nẵng cho phép trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi lập danh sách nhân viên giao nhận hàng hóa bằng xe máy (shipper), để cấp thẻ vận chuyển, điều kiện là shipper đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19. TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị được cấp thẻ vận chuyển cho shipper khai báo trung thực danh sách shipper, quản lý chặt chẽ, chịu trách nhiệm về lộ trình, thời gian và các yêu cầu khác đảm bảo shipper hoạt động đúng quy định trong công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, shipper phải đảm bảo xét nghiệm SAR-CoV 2 bằng phương pháp RT-PCR 3 ngày/lần, mang đồ bảo hộ y tế trong suốt quá trình lưu thông và giao nhận hàng cho người dân.