Trước những ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, rất nhiều người dân lao động trên địa bàn TP.HCM đã rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Để phần nào giúp người lao động, người dân nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn này, TP cùng các ban, ngành đoàn thể, các mạnh thường quân đã có nhiều chính sách, nhiều chương trình hỗ trợ người dân.
Trước những thắc mắc của nhiều bạn đọc, PLO xin tóm lược lại các gói hỗ trợ an sinh của TP.HCM.
Hỗ trợ người lao động khó khăn đợt 1
Thực hiện theo Nghị quyết số 09 hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 của HĐND TP.HCM, TP đã hỗ trợ 6 nhóm đối tượng.
Ngoài hỗ trợ tiền ăn cho tuyến đầu chống dịch và người thực hiện cách ly tập trung để phòng chống dịch thì có 5 nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền mặt, gồm:
1. Nhóm lao động tự do.
- Đối tượng hỗ trợ
+ Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng);
+ Thu gom rác, phế liệu;
+ Bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ;
+ Bán lẻ vé số lưu động;
+ Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ);
+ Làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động ở phường Thạnh Lộc, quận 12, quận Gò Vấp và những nơi bị phong tỏa để phòng chống dịch.
- Điều kiện nhận hỗ trợ: Có 2 điều kiện: Thứ nhất là bị mất việc, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4.000.000 đồng/tháng. Thứ hai là đăng ký thường trú hoặc tạm trú có cơ quan công an xác nhận.
- Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người
- Thực tế đã chi hỗ trợ: Gần 300.000 người người lao động tự do thuộc 6 nhóm ngành nghề theo quy định. Tổng số tiền TP đã chi hỗ trợ đối với nhóm lao động tự do đợt này là hơn 447 tỉ đồng.
2. Nhóm NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương
- Đối tượng được hỗ trợ: NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục có trụ sở chính tại TP.HCM do gặp khó khăn do dịch COVID-19.
- Điều kiện nhận hỗ trợ: Có hai điều kiện. Thứ nhất, NLĐ có thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ từ 30 ngày liên tục trở lên. Thời gian tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương tính từ 1-5-2021 đến hết 31-12-2021.
Thứ hai, NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.
- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 1.800.000 đồng/người.
Riêng đối với NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hồ trợ cho một người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.
- Thực tế đã chi hỗ trợ: Gần 45.000 lao động hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương với tổng số tiền hơn 70 tỉ đồng.
3. NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Đối tượng hỗ trợ: NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục có trụ sở chính tại TP.HCM gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
- Điều kiện nhận hỗ trợ: NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ trong khoản thời gian từ 1-5-2021 đến hết 31-12-2021.
- Mức hỗ trợ: NLĐ được hỗ trợ một lần với mức là 1.800.000 đồng/người
Đối với NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hồ trợ cho một người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.
- Thực tế đã chi hỗ trợ: 128 người lao động nghỉ việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ hơn 266 triệu đồng.
4. Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động:
- Đối tượng hỗ trợ: Hộ kinh doanh thành lập theo Luật Doanh nghiệp và đang hoạt động (trừ hoạt động cho thuê nhà/mặt bằng) phải dừng hoạt động trên địa bàn Quận Gòn Vấp phường Thạnh Lộc, Quận 12 và các khu vực bị phong tỏa để phòng chống dịch.
- Mức hỗ trợ: 2.000.000 đồng/hộ
- Thực tế đã chi hỗ trợ: Hơn 5.000 hộ kinh doanh ngưng hoạt động với số tiền hỗ trợ gần 11 tỉ đồng.
5. Thương nhân:
- Đối tượng hỗ trợ: Thương nhân tại chợ truyền thống (có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ)
- - Điều kiện nhận hỗ trợ: : có mã số thuế; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh đã được hỗ trợ theo chính sách hồ trợ cho hộ kinh doanh dừng hoạt động thì không áp dụng quy định này.
- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 6 tháng với các mức
Chợ hạng 1: 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng.
Chợ hạng 2: 210.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng.
Chợ hạng 3: 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng.
(Hạng chợ theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ và Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP)
- Thực tế đã chi hỗ trợ: Hơn 10.000 thương nhân với số tiền hỗ trợ hơn 15 tỉ đồng.
(Nguồn: Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH thì tính đến ngày 26-7).
Người dân phường Thạnh Xuân, quận 12 nhận tiền hỗ trợ đợt 1. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Hỗ trợ người lao động khó khăn đợt 2
Từ ngày 5-8, TP.HCM triển khai thực hiện các gói an sinh xã hội khoảng 900 tỉ đồng hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ khó khăn. Đợt hỗ trợ lần 2 này có ba nhóm đối tượng được nhận.
+ Nhóm NLĐ tự do đã được nhận hỗ trợ đợt 1 và có bổ sung thêm danh sách.
- Mức hỗ trợ: là 1.500.000 đồng/người (những người đã nhận đợt 1); 3.000.000 đồng/người (những người chưa nhận đợt 1).
- Dự kiến hỗ trợ: hơn 334.000 người với kinh phí dự kiến hỗ trợ cho NLĐ thuộc đối tượng lần hai là hơn 500 tỉ đồng.
+ Nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo :
- Điều kiện: các địa phương sẽ rà soát theo danh sách quản lý
- Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/hộ (gồm 1.200.000 đồng và phần quà trị giá 300.000 đồng).
- Dự kiến hỗ trợ: gần 90.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
+ Nhóm hộ lao động nghèo:
- Đối tượng hỗ trợ: Hộ đang sinh sống đang sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo khu vực bị phong tỏa… đang gặp khó khăn trong cuộc sống do thời gian thực hiện giãn cách kéo dài.
Ưu tiên hỗ trộ hộ lao động nghèo có 3 người trở lên đang rất khó khăn, bức bách (như hộ dân nghèo đông người, hộ người cao tuổi neo đơn, hộ công nhân nghèo có trẻ em, các trường hợp người khuyết tật sống ở vùng hẻo lánh, tạm cư thua thớt, trong các khu nhà trọ,…).
Đối với hộ có hai người trở xuống đang khó khăn, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức huy động, sử dụng nguồn kinh phí vận động hợp pháp của địa phương để hỗ trợ tùy nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương.
- Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/hộ (gồm 1.200.000 đồng và phần quà trị giá 300.000 đồng)
- Dự kiến hỗ trợ: Khoảng 170.000 hộ lao động ở trong các nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa mà gặp khó khăn thực sự.
UBND phường Hiệp Bình Chánh đã thực hiện chi trả hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho người lao động nằm trong các nhóm đối tượng theo NQ 09 HĐND TP.HCM. Ảnh: T.T
Các đợt hỗ trợ khác từ UBMTTQ
Bên cạnh gói hỗ trợ an sinh được phát theo 2 đợt nói trên, UBMTTQ VN TP.HCM đã, đang và sẽ hỗ trợ người dân những phần quà như sau:
+ Trao 266.062 túi an sinh xã hội gồm 200.000 đồng tiền mặt, 300.000 đồng quà hàng hóa thiết yếu. Do có nhiều đơn vị cung cấp nên giá trị hàng hóa như nhau nhưng hình thức thể hiện khác nhau (túi vải, túi bóng, thùng).
+ 37.000 phần quà từ Hiệp hội Doanh nghiệp vận động (250.000 đồng/phần)
+ Về thực hiện 1 triệu túi cứu tế (theo văn bản 2718 của UBND TP). Hiện nay, TP đã có:
. 533.000 phần quà (300.000 đồng/phần) từ chương trình Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương của Bộ TTTT (giao hàng từ nay tới 15-9; thông qua Vietel post và Bưu điện TP)
. 40.000 phần quà từ Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM vận động.
. 4.800 phần quà do Hội Chữ thập đỏ vận động (1.800 phần trị giá 500.000 đồng/phần; 3.000 phần trị giá 300.000 đồng/phần)
.6.500 phần quà do Hội Liên hiệp phụ nữ vận động (2.400 phần hàng hóa thiết yếu trị giá 500.000 đồng/phần; 53 phần tiền mặt 1.000.000 đồng/phần; còn lại là 300.000 đồng/phần hàng hóa thiết yếu). Còn nhiều phần quà khác đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và sẽ có cập nhật sau.
Lãnh đạo UBMTTQVN TP.HCM trao quà cho người lao động ở trọ. Ảnh: UBMTTQVN TP.HCM
Hỗ trợ công đoàn viên, người lao động
Liên đoàn Lao động TP.HCM đã triển khai đến các cấp Công đoàn chương trình hỗ trợ 150.000 phần nhu yếu phẩm cho công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền 22,5 tỉ đồng.
Các trường hợp được hỗ trợ theo quy định là đoàn viên, công nhân đang ở trong các khu nhà trọ, khu lưu trú; đoàn viên, lao động đang ở trong khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TP đã thực hiện các gói hỗ trợ chăm lo đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động theo Quyết định 2606 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với hơn 18.000 công đoàn viên, người lao động là F0, F1, cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch.
Liên quan đến hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng ban hành Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2606 về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, gói hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng hướng đến đoàn viên, người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn).
Cụ thể:
- Công đoàn viên, NLĐ khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ mức tối đa là 3.000.000 đồng/người.
- Công đoàn viên, NLĐ (tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn) là F1 phải cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ mức tối đa là 1.500.000 đồng/người.
- Công đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ mức tối đa là 1.500.000 đồng/người.
- Công đoàn viên, NLĐ (tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn) phải nghỉ việc để cách ly y tế, hoặc đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được hỗ trợ mức tối đa là 500.000 đồng/người khi thuộc một trong các trường hợp sau: Có hoàn cảnh khó khăn; Đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi;
- Công đoàn viên, NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn tử vong do bị nhiễm vi rút Sars-Co-2 kể từ ngày 27- 4-2021 được hỗ trợ là 5.000.000 đồng/người.
- Công đoàn viên, NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn đã di chuyển từ các tỉnh phía Nam về quê kể từ ngày 1- 8-2021, phải thực hiện đúng yêu cầu cách ly y tế theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, có hoàn cảnh khó khăn thì được liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận người trở về xem xét hỗ trợ tối đa là 500.000 đồng/người.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, TP.HCM trao quà hỗ trợ cho công nhân lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cung cấp
Nhận tiền hỗ trợ, gắng tằn tiện sống qua dịch "Trước đây, tôi làm phụ quán ăn cho người ta, ngày kiếm cũng được hơn 100.000 đồng, đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống. Thế nhưng hơn ba tháng nay quán đóng cửa tôi không còn nguồn thu nhập. Các con tôi dịch này thất nghiệp cũng khó khăn đủ thứ. Cầm cự được hơn một tháng thì vợ chồng tôi đuối quá. Già rồi nên vợ chồng tôi cứ nay ốm mai đau mà giờ tiền ăn còn không đủ thì lấy đâu ra tiền mua thuốc uống. Đang lúc khó khăn, được tổ trưởng thông báo lấy danh sách những hộ khó khăn, mấy ngày sau thì nhận được 1.500.000 đồng. Cầm tiền trên tay mà mừng, có tiền lo thêm vài tuần tới iữa mùa dịch này. Mong TP mình dịch mau mau hết dịch để tôi được đi làm, được sống một cuộc sống bình thường” Ông Lê Đình Tăng (60 tuổi, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM)
"Vợ chồng tôi lên TP này cũng đã 10 năm nay. Lúc đầu dịch, vợ công ty của vợ tôi cho nghỉ nên hai mẹ con đã đùm về quê còn mình tôi ở lại theo công trình làm kiếm tiền gửi về quê. Thế nhưng làm thêm được vài ngày thì công trình cũng ngừng. Thế là tôi bị mắc kệ lại đây cho đến nay. Không làm gì ra tiền, ngày tôi chỉ dám ăn hai gói mì chờ hết dịch kiếm tiền sinh sống. Chờ mãi mà dịch không hết, mì, gạo cũng đã cạn còn tiền phòng thiếu hai tháng. Tưởng chừng như không còn đường để sống tiếp giữa TP này, tổ trưởng đến phòng trọ đưa cho tôi 1.500.000 đồng tiền nhà nước hỗ trợ. Tôi cố gắng tằn tiện để chờ hết dịch đoàn tụ vợ con". Anh Nguyễn Văn Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM. |