Nguyên liệu làm muối lạc vừng
Khi TP.HCM bước vào những ngày giãn cách, bà con quê tôi bắt đầu góp gạo, rau củ quả cùng những sản vật nhà nông để làm quà gửi miền Nam ruột thịt.
Trong rất nhiều món quà quê đó, lạc (đậu phộng) và vừng đen (mè đen) chính là những thức quà mà người dân quê tôi góp nhiều nhất vì nhà nào cũng có và có thể chế biến thành một món ăn dân dã, ngon miệng và bảo quản được rất lâu: muối vừng lạc.
Nói thêm về muối vừng lạc, tôi không biết món ăn này có từ bao giờ. Tôi chỉ biết ở quê mình, nhà nào dù giàu hay nghèo, già hay trẻ cũng đều có một hũ muối vừng trộn lạc. Điều đặc biệt của món này hơn bất kỳ cao lương mỹ vị nào khác chính là khả năng bảo quản rất lâu.
Lạc và vừng đem rang lên, thêm chút muối, mì chính rồi giã đều và cho vào hũ thủy tinh cứ thế để hết tháng này qua tháng khác mà không đổi thay mùi vị.
Ngoài ra, món muối dân dã này có thể ăn kèm nhiều món ăn khác nhau từ cá kho, thịt luộc, rau luộc các loại. Trong đó, ngon nhất là ăn kèm với cơm nguội! Cứ nửa chén cơm trộn cùng một muỗng muối lạc vừng và nhẩn nha ăn… như thiền.
Bàn về cách làm, muối lạc vừng rất dễ thực hiện. Nhưng để ngon và thấm vị béo bùi, không bị nhẩm đắng thì tôi học được cách làm của bà nội mình. Bà làm từng công đoạn rất cẩn thận, tỉ mỉ, bà rang lạc, rang vừng rất vừa tay.
Bà con ở Sài Gòn nếu có nhận được một hũ lạc, vừng thì có thể làm theo cách làm như sau nhé.
Rang lạc và vừng cần nhỏ lửa
Nguyên liệu
Lạc sống: 1 (đĩa khoảng chừng 300 gram)
Vừng đen: 1 đĩa (khoảng chừng 200 gram)
Mì chính: 1 thìa cà phê
Muối bột canh: 1 thìa canh
Phải nói thêm một chút về phần nguyên liệu. Nhiều người bảo rằng, không nên cho mì chính vào món muối này vì mì chính không tan (như nêm khi nấu canh) nên sẽ khó ăn. Nhưng bà nội tôi nhất định cho vào, vì bà bảo thiếu mì chính sẽ làm món muối bị mặn.
Hơn nữa, mì chính ở đây bà cho rất ít, chỉ một thìa cà phê nên không khó ăn. Với riêng mình, tôi đồng ý với cách làm của bà, còn với bạn đọc (đặc biệt là bà con miền Nam) nếu thích ngọt hơn có thể thêm một chút đường thay mì chính nhé.
Nên hơi nhấc chảo lên khỏi mặt bếp để tránh vừng bị cháy
Cách làm
À chẳng phải làm muối lạc vừng chỉ đơn giản là các bước rang, giã, trộn là xong thôi đó sao? Thì đúng là như thế, nhưng khi làm trong mỗi bước phải làm rất cẩn thận, kỳ công.
Bà tôi bảo, món này sẽ ngon hơn khi rang trên bếp củi, nhưng bây giờ quê tôi bếp củi trở nên hiếm có khó tìm. Và tôi thực hiện trên bếp gas, dưới sự… giám sát của bà.
Rang lạc, vừng
Lạc sống chỉ chọn những hạt chắc, tròn to. Bỏ hết những hạt lép. Tương tự vừng đen cũng nên sàng qua để lấy hạt chắc. Lưu ý, lạc và vừng để riêng. Làm nóng chảo khoảng 3 phút sau đó thì giảm thật nhỏ lửa. Đừng vội cho lạc vào rang khi chưa làm nóng chảo nhé.
Cho lạc vào rang trước khoảng 15 phút. Khi rang nhớ dùng đũa đảo liên tục, đều tay, không ngừng để tránh lạc bị cháy, chín không đều khi làm muối sẽ bị đắng. Sau khi lạc rang chín, thơm, vỏ chuyển màu, có vết nứt thì đổ ra đĩa.
Sau khi rang xong lạc thì tiếp tục rang vừng đen. Vừng rang nhanh hơn, và do chảo đã nóng sẵn trước đó nên bạn giảm nhỏ lửa nhất có thể. Cho vừng vào và đảo thật nhanh khi nghe tiếng vừng nổ tách tách thì đổ ra đĩa. Bước này khoảng 2 phút là vừng chín.
Hũ muối lạc vừng có thể ăn nhiều tháng
Giã lạc, vừng
Bắt đầu bằng việc giã lạc trước, khi lạc vỡ đôi, vỡ ba thì cho vừng đen vào, sau đó cho muối bột canh, mì chính chuẩn bị ở trên vào tiếp tục giã nhỏ.
Không biết có phải là bí quyết không, nhưng bà tôi nói rằng, đừng giã muối lạc vừng nhuyễn quá. Hãy để ít hạt lạc chỉ vỡ đôi, vỡ ba, sau này ăn cơm gặp đúng những hạt lạc đó mình nhai sẽ rất "đã miệng".
Muối lạc vừng ăn kèm cơm nguội là ngon nhất
Bảo quản muối lạc vừng và thưởng thức
Chuẩn bị một hũ thủy tinh rửa sạch, lau thật khô. Cho toàn bộ muối lạc vừng đã giã ở trên vào, để nguội bớt và đậy nắp kín. Bạn có thể chuẩn bị một bịch nilông cuộn ở trên, buộc thêm lớp dây thun để hũ muối kín hơn nhé.
Như đã đề cập ở trên, món muối này có thể ăn kèm nhiều món khác nhau. Ngon nhất là bạn đọc ăn cùng cơm trắng, cá biển kho hoặc ăn cùng cơm nguội nhé. Nhớ là, hãy thong thả nhẩn nha ăn, càng chậm càng ngon bạn nha.
Tuổi Trẻ Online mở chuyên mục Nấu ăn những ngày giãn cách để các chuyên gia ẩm thực, những người nổi tiếng giới thiệu những món ăn, thức uống dễ làm, hiệu quả lại đơn giản phù hợp những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.
Bạn đọc có món ngon, thức uống hay và muốn chia sẻ cùng mọi người, xin mời gửi bài, ảnh, video về email catkhue@tuoitre.com.vn. Bài được đăng tải sẽ được trả nhuận bút xứng đáng. Cảm ơn bạn đọc.
TTO - Diễn viên Kim Tuyến gửi đến Nấu ăn những ngày giãn cách món lẩu sữa đậu nành rau củ nhân mùa Vu Lan. Món này cũng phù hợp với người ăn chay trường và luyện tập thể thao.
Xem thêm: mth.98472941171801202-ual-tar-coud-nauq-oab-av-gneim-nogn-ad-nad-na-gnuv-cal-ioum-mal/nv.ertiout