Quốc Đại nhễ nhại mồ hôi hát về ơn cha mẹ tại sân Bệnh viện dã chiến số 7, TP.HCM - Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Quốc Đại hát trong chương trình cầu truyền hình Đại lễ Vu Lan ba miền phát trực tuyến tối 21-8, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo thực hiện nhằm tôn vinh đạo hiếu.
Chương trình diễn ra tại ba điểm cầu chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh), chùa Thiên An (tỉnh Bình Định), Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 7, TP.HCM.
Nghi lễ nguyện cầu quốc thái dân an, bệnh tật tiêu trừ và cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, những người chết do đại dịch COVID-19 được tổ chức quy mô tại chùa Ba Vàng.
Quốc Đại hát trước những y bác sĩ đang cầm trên tay bông hồng mùa Vu Lan - Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Còn tại điểm cầu chùa Thiên An, Thượng tọa Thích Đồng Thành - ủy viên Hội đồng trị sự, phó ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định - có bài nói chuyện về đạo hiếu của người Việt, làm ấm lòng muôn người trong mùa Vu Lan đặc biệt năm nay, khi nhiều gia đình phải tan tác vì dịch bệnh.
Điểm cầu đặc biệt của chương trình là Bệnh viện dã chiến số 7, TP.HCM.
Tại đây, người xem được thổn thức cùng những giai điệu hai ca khúc về ân nghĩa mẹ cha là Hoa cúc nhớ mẹ (sáng tác của Minh Vy) và Công cha nghĩa mẹ (sáng tác của Tiến Luân) do nam ca sĩ Quốc Đại thể hiện.
Quốc Đại nhễ nhại mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ kín mít, đôi mắt như chực khóc khi hát về cha mẹ giữa sân bệnh viện dã chiến, trước những y bác sĩ đang phải xa cha mẹ, xa các con và phía xa là những em bé, những nam, nữ bệnh nhân đứng trên ban công lắng nghe những giai điệu trữ tình như để được nhận lấy những liều thuốc trợ lực quý giá, những hình ảnh khiến người xem phải nghẹn lòng.
Đáng lẽ công chúng còn được xem nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn một lần nữa biểu diễn tại bệnh viện dã chiến nhưng không may hôm ghi hình thì nghệ sĩ phải nhập viện.
Chị Thanh Mai đã gửi hai con tới nhà em gái nhờ chăm sóc để hai vợ chồng cùng yên tâm ở tuyến đầu chống dịch - Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Cũng tại đây, người xem trực tiếp còn được nghe, xem những câu chuyện thật cảm động về các nữ điều dưỡng, những người mẹ tuyệt vời, đang phải xa con mình trong nhiều tháng để bám trụ "mặt trận" chống dịch.
Điều dưỡng viên Lê Thị Thanh Mai có chồng cũng tham gia tuyến đầu chống dịch. Vài tháng nay, khi dịch bắt đầu bùng phát ở TP.HCM, chị đã phải gửi hai con gái tới nhà em gái nhờ chăm sóc để chị yên tâm chăm sóc cho các bệnh nhân.
Nhớ các con thật nhiều, nhưng nghĩ rằng "nếu thành phố không an toàn thì gia đình mình cũng không an toàn", chị Mai vẫn cố gắng động viên các con và chính mình cùng cố gắng vượt qua những chia cắt tạm thời để chiến đấu cho những ngày đoàn tụ không xa, không chỉ đoàn tụ cho gia đình chị mà cho cả thành phố, cả đất nước.
Nghi lễ cầu siêu được tổ chức quy mô tại chùa Ba Vàng - Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu thì không kìm được nước mắt khi nhắc về người mẹ già đang ở "ngoài Bắc" mà chị chẳng thể viếng thăm mùa Vu Lan, còn bố chị thì phải vào Sài Gòn trông các cháu cho hai vợ chồng chị cùng tham gia chống dịch nơi tuyến đầu.
Trong nước mắt cho một mùa Vu Lan cắt chia mẹ cha với con cái, chị Thu chỉ nói ước mơ giản dị mà quá đỗi lớn lao lúc này: "Mong thành phố sớm yên bình để được về cùng gia đình".
Dù rằng cay sống mũi, câu chuyện của những người mẹ nơi tuyến đầu chống dịch này thật sự tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng cùng can trường vượt qua những khó khăn, thử thách ghê gớm bởi dịch bệnh hiện nay.
TTO - Bệnh viện dã chiến số 7 tại TP.HCM cùng với chùa Ba Vàng, chùa Thiên An sẽ là ba điểm cầu trong chương trình cầu truyền hình Đại lễ Vu Lan ba miền phát trực tuyến tối 21-8.