Binh sĩ Mỹ tại một chốt bảo vệ sân bay Hamid Karzai ngày 20-8 - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo được phát chiều 21-8 (giờ VN), Đại sứ quán Mỹ tại Kabul yêu cầu công dân nước này "tránh đi tới sân bay" hoặc "tập trung bên ngoài các cổng sân bay".
Thông báo cũng nêu rõ trừ khi nhận được hướng dẫn cụ thể từ một nhân viên của Đại sứ quán Mỹ, tất cả những người còn lại nên tránh đến sân bay vào thời điểm hiện tại.
Hiện tất cả các cổng dẫn vào sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul - nơi đang diễn ra các hoạt động di tản của nước ngoài - đã bị đóng cửa vì "tình hình nguy hiểm", theo báo New York Times.
Khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ và vài trăm binh sĩ các nước đồng minh đang hiện diện tại sân bay để bảo đảm an ninh. Riêng việc quản lý sân bay, bao gồm đài kiểm soát không lưu, hiện do quân đội Mỹ đảm trách.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ kế đó xác nhận một chuyến bay giải cứu xuất phát từ sân bay Hamid Karzai bị hủy vì tình hình hỗn loạn tại sân bay.
"Rất nhiều dân thường đang tập trung bên ngoài sân bay. Đã có một số vụ đối đầu bạo lực và điều này đang cản trở nhiều người tiếp cận sân bay", Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ mô tả.
Một nhân chứng kể với New York Times đã chứng kiến cảnh binh lính Taliban xua đuổi người Afghanistan bên ngoài sân bay, bao gồm cả người có đủ điều kiện di tản. "Hãy trở về nhà của anh, nếu không tôi sẽ bắn anh" - người này thuật lại lời đe dọa của tay súng Taliban.
Truyền thông Ấn Độ và một số nước trước đó đưa tin đã có những vụ đánh đập, bắt giữ người đang tìm cách đến sân bay Hamid Karzai. Taliban phủ nhận việc này và cho biết sẽ điều tra về các thông tin trên báo chí phương Tây.
Theo đài NDTV, trong số những người bị bắt giữ có 150 công dân Ấn Độ. Những người này được Taliban trả tự do trong ngày 21-8, một ngày sau khi bị đưa về một chốt kiểm soát để kiểm tra giấy thông hành và hộ chiếu.
Quan hệ giữa Taliban và Ấn Độ vẫn trong tình trạng đối đầu vì New Delhi ủng hộ chính quyền Kabul đã sụp đổ.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, sân bay Hamid Karzai đã chứng kiến tình trạng hỗn loạn đến hai lần. Lần đầu tiên là vào cuối ngày 15 và rạng sáng 16-8 khi Taliban tiến vào kiểm soát thủ đô Kabul.
Tình trạng hỗn loạn hiện tại bắt đầu sau khi có thông tin các thủ lĩnh của Taliban đã tập hợp ở Kabul trong ngày 21-8 để bàn về việc thành lập chính quyền.
Taliban không theo "dân chủ" kiểu phương Tây
Một quan chức của Taliban cho biết chính quyền mới sẽ được công bố trong vài tuần nữa và sẽ không theo định nghĩa của phương Tây về "dân chủ".
Theo Hãng thông tấn AFP, cuộc tụ họp của các lãnh đạo Taliban dường như tạo ra một số thay đổi ở thủ đô Kabul.
Theo lời kể của một số nhân viên, công chức chính quyền Afghanistan trước đây, họ đã bị đuổi về khi đến nơi làm việc trong ngày 21-8. "Họ yêu cầu chúng tôi về nhà xem TV hoặc nghe đài để biết khi nào trở lại làm việc được", một công chức nói với AFP.
Tại Afghanistan, ngày thứ bảy được xem là ngày đầu tiên của một tuần làm việc. Phần lớn công sở và các trường đại học ở Kabul vẫn đóng cửa sau khi Taliban kiểm soát thủ đô. Lực lượng này đã tuyên bố ân xá cho những người từng làm việc trong chính quyền trước đây và kêu gọi họ quay lại làm việc.
TTO - Một thành viên của Taliban xác nhận một số người nước ngoài bị thẩm vấn nhưng phủ nhận chuyện bắt cóc, sau khi có thông tin rằng các công dân Mỹ trên đường đi di tản đã bị đánh.
Xem thêm: mth.87384841212801202-nad-gnoc-iot-meih-yugn-oab-hnac-tahp-lubak-yab-nas-auc-gnod-ym/nv.ertiout