Một thủ lĩnh Taliban ôm hôn ông Hashmat Ghani, em trai của Tổng thống lưu vong Ashraf Ghani - Ảnh chụp từ clip
Theo Hãng thông tấn Tass, lực lượng Taliban xác nhận đã gặp ông Hashmat Ghani và công bố hình ảnh em trai của Tổng thống lưu vong Ashraf Ghani đang bắt tay với các thủ lĩnh Taliban. Trong một video khác, hai bên tay bắt mặt mừng, một thủ lĩnh Taliban còn hôn trán ông Hashmat Ghani trước sự chứng kiến của nhiều người.
Hashmat Ghani, 60 tuổi, là chủ tịch Đại hội đồng người Kuchi (một nhóm sắc tộc ở Afghanistan gần với người Pashtun) từ năm 2002.
Ngoài ra, ông còn nằm trong ban lãnh đạo The Ghani Group, một tập đoàn gia đình trị bao gồm các công ty cung cấp dịch vụ an ninh cho khách hàng tư nhân và nhà nước, cũng như xuất nhập khẩu, xây dựng và bất động sản. Tập đoàn Ghani có trụ sở chính tại thủ đô Kabul và một số chi nhánh trong khu vực Trung Đông.
Anh trai của ông Hashmat Ghani, Tổng thống Ashraf Ghani, đã bỏ trốn trước khi Taliban tiến vào Kabul. Hiện ông này đang ở tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), một trong những nơi có văn phòng của The Ghani Group.
Trong thông điệp đầu tiên từ UAE, ông Ashraf Ghani bác bỏ việc rời khỏi Afghanistan với một xe tiền và cam kết sẽ về nước đấu tranh cho nhân dân. Phát ngôn của ông tạo ra các tranh cãi, phần lớn cho rằng tiếng nói của ông không còn trọng lượng vì đã bỏ rơi đất nước và chạy trốn.
Hôm 18-8, một phát ngôn viên của Taliban cho biết lực lượng này đang tăng cường tiếp xúc những người có ảnh hưởng chính trị để xây dựng chính quyền.
Theo Hãng tin Reuters, hiện vẫn chưa rõ diện mạo chính quyền tương lai do Taliban đứng đầu sẽ ra sao. Các thủ lĩnh cấp cao của lực lượng này đã tề tựu tại Kabul ngày 21-8, gần một tuần sau khi thủ đô Afghanistan rơi vào tay Taliban.
Trong thông điệp được phát qua Twitter ngày 21-8, ông Abdul Ghani Baradar, phó thủ lĩnh và là một trong những người sáng lập Taliban, tuyên bố: "Vương quốc Hồi giáo Afghanistan muốn có quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước, đặc biệt là Mỹ".
Tuyên bố dường như là một động thái bác bỏ việc Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban sẽ tìm kiếm quan hệ đối đầu với Mỹ, quốc gia đã can thiệp và lật đổ chính quyền Taliban vào năm 2001.
"Chúng tôi không bao giờ nói về việc cắt đứt quan hệ thương mại với bất cứ nước nào. Những tin đồn liên quan chuyện này chỉ là một chiêu trò tuyên truyền và không đúng sự thật", Tân Hoa xã trích lời thủ lĩnh cấp cao của Taliban nhấn mạnh.
Hiện chưa có quốc gia nào lên tiếng công nhận Taliban. Mới đây nhất, ngày 21-8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xác nhận EU chưa công nhận và không có bất kỳ đối thoại nào với Taliban vào thời điểm hiện tại.
Một số quốc gia và tổ chức đã nêu ra một số nguyên tắc với Taliban, xem đây như các điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ. Chẳng hạn, Taliban phải cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố, phải đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ, tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số...
TTO - Một thành viên của Taliban xác nhận một số người nước ngoài bị thẩm vấn nhưng phủ nhận chuyện bắt cóc, sau khi có thông tin rằng các công dân Mỹ trên đường đi di tản đã bị đánh.