Giảm tỷ giá trong giai đoạn nhập siêu
Phạm Minh
(KTSG) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có động thái giảm tỷ giá mua ngoại tệ giao ngay so với tỷ giá ở giai đoạn mua giao ngay trước đó. Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng (USD/VND) trên thị trường cũng ghi nhận đà giảm sau động thái này. Tỷ giá giảm trong bối cảnh cán cân thương mại liên tục nhập siêu có thể gây áp lực hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và tình trạng nhập siêu giai đoạn cuối năm nay.
Động thái mới về tỷ giá
NHNN tuần qua đã chính thức quay trở lại mua ngoại tệ giao ngay thay vì mua ngoại tệ kỳ hạn trong nửa đầu năm nay, sau khi Mỹ dỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách thao túng tỷ giá. Đồng thời, NHNN áp dụng giá mua ngoại tệ giao ngay ở mức 22.750/ đô la Mỹ, giảm mạnh 375 đồng so với giá mua giao ngay mà NHNN áp dụng gần nhất vào thời điểm cuối năm ngoái ở mức 23.125, tương ứng mức giảm 1,6%. Phản ứng với động thái của NHNN, tỷ giá trên thị trường cũng ghi nhận đà giảm.
Đáng chú ý là động thái trên được đưa ra trong bối cảnh cán cân thương mại của Việt Nam liên tục nhập siêu trong những tháng qua. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lũy kế bảy tháng đầu năm, Việt Nam ước nhập siêu 2,7 tỉ đô la Mỹ, riêng tháng 7 ước nhập siêu 1,7 tỉ đô la Mỹ, trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 8,69 tỉ đô la Mỹ.
Tỷ giá giảm trong giai đoạn nhập siêu
Việc cán cân thương mại thâm hụt nhanh sẽ thu hẹp nguồn cung đô la Mỹ trên thị trường trong nước, gây áp lực lên tỷ giá, nhất là trong bối cảnh kinh tế Mỹ chứng kiến đà phục hồi nhanh chóng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đưa ra các tín hiệu thắt chặt lại tiền tệ, thông qua việc giảm dần quy mô mua trái phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung đô la Mỹ từ Fed sẽ giảm dần, đi kèm kinh tế Mỹ phục hồi và lạm phát đô la Mỹ tháng 7 vừa qua tăng chậm sẽ là những điều kiện tốt củng cố sức mạnh của đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối. Điều này có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong tương lai.
Về phía Việt Nam, nhà điều hành tiền tệ thời gian qua tiếp tục đưa ra động thái nới lỏng tiền tệ, thông qua giảm dự trữ bắt buộc cho Agribank và bơm mới 160.000 tỉ đồng qua các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn trong nửa đầu năm khi các hợp đồng này đã và đang đáo hạn trong tháng 7 và 8, trên cơ sở bối cảnh vĩ mô ổn định và tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ.
Song điều này trên lý thuyết sẽ khiến nguồn cung tiền đồng nhiều hơn, đẩy lãi suất tiền đồng giảm xuống, trong tương quan nguồn cung đô la Mỹ có chiều hướng giảm do nhập siêu và Fed dần thắt chặt tiền tệ thì tỷ giá trong tương lai sẽ gặp áp lực.
Sau động thái giảm giá mua đô la Mỹ mà NHNN đưa ra, tỷ giá trên thị trường cũng giảm theo và dường như đi ngược lại với những áp lực kể trên. Tỷ giá giảm mặt khác sẽ gây áp lực nhiều hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi giá hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài ở mức giá cao hơn.
Song ở chiều ngược lại, tỷ giá giảm sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khi chi phí mua hàng hóa nước ngoài giảm xuống. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng mạnh trong năm nay, điển hình như giá thép tăng là nguyên nhân góp phần đẩy giá trị nhập khẩu các mặt hàng về thép tăng rất mạnh.
Ngoài ra, giá trị nhập khẩu quặng và khoáng sản bảy tháng đầu năm của Việt Nam cũng tăng tới 288,9% so với cùng kỳ năm 2020 (số liệu từ Tổng cục Thống kê), trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 162,6%. Tổng giá trị nhập khẩu bảy tháng đầu năm của Việt Nam tăng 135,3%, cao hơn mức tăng của giá trị xuất khẩu là 125,5%. Tỷ giá giảm có thể hạ chi phí nhập khẩu, góp phần giảm chi phí sản xuất các doanh nghiệp trong nước, trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động mạnh tới nền kinh tế.
Việt Nam là nước gia công, giảm chi phí nhập khẩu sẽ thúc đẩy giảm giá chi phí sản xuất, hạ giá thành các sản phẩm xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu, bù đắp lại việc giá thành sản phẩm tăng do tiền đồng lên giá so với đô la Mỹ.
Mặt khác, tỷ giá giảm tạo thuận lợi cho Mỹ trong cán cân thương mại song phương với Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế sáu tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu ròng từ Việt Nam gần 38 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh 55% so với mức nhập khẩu ròng năm 2020 là 24,46 tỉ đô la Mỹ. Việc NHNN giảm giá mua ngoại tệ, kéo theo đà giảm của tỷ giá phần nào cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong đàm phán thương mại với Mỹ, có thể được xem là bước đi sau khi Mỹ rút Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
Tựu trung lại, sau động thái giảm giá mua ngoại tệ, nhìn chung cung cầu thị trường ngoại tệ vẫn tương đối ổn định, thông suốt, không xảy ra tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Trong bối cảnh vĩ mô ổn định, lạm phát tiền đồng được kiểm soát ở mức thấp, NHNN có nhiều dư địa để điều hành tỷ giá theo mục tiêu. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối dồi dào ở thời điểm hiện tại luôn là nguồn lực lớn để bình ổn tỷ giá.
Xem thêm: lmth.ueis-pahn-naod-iaig-gnort-aig-yt-maig/555913/nv.semitnogiaseht.www