Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố tiếp tục giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8/2021 đến hết 31/12/2021 đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 9 của Vietcombank để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai tính từ đầu năm 2020 đến nay.
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Đáng chú ý, nếu đáp ứng điều kiện, các khách hàng đã được giảm lãi suất theo chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giai đoạn 3 của Vietcombank triển khai ngày 15/7/2021 sẽ được tiếp tục giảm thêm lãi suất theo chính sách hỗ trợ lần này.
Trước đó, Vietcombank đã triển khai chính sách giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021 với mức giảm từ 0,5-1%/năm tuỳ đối tượng khách hàng với quy mô hỗ trợ lên tới 1.800 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng liên tiếp công bố giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Ảnh minh họa.
Cũng nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố dành nguồn ngân sách lên đến 1.000 tỷ đồng để thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp từ nay đến 31/12/2021.
Cụ thể, BIDV giảm từ 0,5-1,5%/năm lãi suất cho vay bằng VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, do tác động của dịch COVID-19. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort...
Ngân sách BIDV dành hỗ trợ đối với dư nợ hiện hữu, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, lên đến 800 tỷ đồng. Đặc biệt, các khách hàng đã từng được áp dụng các chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khác vẫn tiếp tục được BIDV hỗ trợ trong chương trình này.
Đồng thời, BIDV cũng triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Dự kiến, nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỷ đồng.
Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), một gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng vừa được bổ sung, qua đó nâng tổng quy mô của các gói hỗ trợ lãi suất tại VietinBank lên tới 150.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã thực hiện giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố mức giảm lãi suất phổ biến là 1%/năm cho khách hàng gặp khó khăn, áp dụng từ ngày 15/7/2021.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. ACB sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến 15/10/2021.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) giảm tối đa 1%/năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu, tập trung vào một số ngành như vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, y tế…
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) dành gói tín dụng gần 20.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi. Trong đó, MSB giảm lãi suất tới 3%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ kinh doanh và giảm 1%/năm cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà. Đồng thời, MSB thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp là khách hàng hiện hữu và doanh nghiệp mới thuộc các lĩnh vực trọng tâm như: kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại dược – y tế, xây dựng thuộc vốn ngân sách nhà nước… với mức lãi suất từ 5,5%/năm với VNĐ và từ 3%/năm với USD.
Từ ngày 15/7, HDBank cũng giảm lãi suất cho vay bình quân 1%/năm và cao nhất lên đến 2%/năm đối với các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay kể từ sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng hồi tháng 7/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế….; đồng thời, tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Sacombank cũng triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn ưu đãi được ngân hàng áp dụng từ ngày 18/6/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.4680539022801202-gnah-hcahk-ort-oh-taus-ial-maig-ob-gnoc-peit-neil-gnah-nagn/et-hnik/nv.vtv