Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Cứ đinh ninh như má vẫn còn đây trong những lời nói thấm đượm nỗi hoang mang. Và nữa những câu má hỏi, những trăn trở đầy khắc khoải sẻ chia trong mắt má nhìn. Mường tượng những xót thương trong má và những hy vọng. Đã mấy tháng dịch giã hoành hành và phải như còn má, thể nào mấy má con cũng được cùng nhau sẻ san mọi thứ.
Cứ ngỡ má đang ngồi sát bên tôi đây cùng dán mắt lên màn hình (thiệt kỳ, má không cần kính lão, tóc mướt đen mà con dâu thì ngược lại) để coi chung một "clip" ở bệnh viện. Và bắt gặp nơi đó bao hình ảnh đẹp về sự tận tụy của đội ngũ y tế, để chứng kiến bao sự hỗ trợ của các tình nguyện viên...
Rồi là những điểm nấu ăn để phân phát cho những người khó khăn. Rồi là tro cốt của người đã mất được lo liệu chu toàn... Sẽ thấy má cười ở những cảnh tượng vui và buồn với những ảnh hình u xám. Để rồi, có má, nỗi khát khao sự bình yên trở lại trong chúng tôi như được vun đầy, mỗi giờ qua, mỗi ngày qua. Chứ không chỉ là những thương cảm ngập lòng.
Cứ ngỡ như má vẫn còn và thắt thẻo hồn vía theo dòng người về quê. Và cuống quýt vui mừng theo từng chuyến xe chở đầy thực phẩm xuôi Nam giúp đỡ người Sài Gòn...
Vốn là người tình cảm và cuộc đời trải qua nhiều mất mát, khốn đốn, nên má có sự thấu cảm đến tận cùng dành cho những số phận không may. Hồi còn khỏe và nhà còn đông đủ, má đi chợ mỗi ngày. Ra đó gặp mấy người già, mấy người ngó bộ khô khổ mời chào là không cách gì quay lưng cho nổi. Có những người tình cảnh cũng đúng như họ kể, nhưng có người không thật. Đồ họ bán đã không ngon mà giá còn mắc. Vậy mà má vẫn mua và ai thắc mắc thì chép miệng: "Thôi, coi như mình giúp người ta. Ăn dở một bữa cũng đâu chết".
Tụi tôi hay nói là má bị thuốc rồi, má bị phỉnh rồi, thôi má đừng có lạc lòng nữa nghen. Nhưng có căn dặn, nhắc nhở thường xuyên má vẫn cứ lạc lòng. Đi chợ thì lạc lòng theo buổi chợ, ra đường thì lạc lòng với mấy người gặp ngoài đường và ở trong nhà thì lạc lòng với chòm xóm. Với bà bán lạc xoong, với cô đẩy xe dừa vẫn đi qua nhà, ngày bữa. Thật ra, nhiều chuyện lạc lòng của má rất hay và luôn khiến tôi xúc động khi nhớ lại.
Vào những năm sau này, lớn tuổi thêm tôi thấy mình cũng hơi hơi giống má. Giả như trong suốt những tháng qua, mấy người bán hàng gặp khó khăn nhiều. Nên đôi khi họ có bán đồ hư đồ xấu chút đỉnh, tôi biết nhưng cũng chẳng kỳ nèo, trả treo gì! Giá có cao hơn ngày thường và đồ có kém tươi ngon chút cũng chẳng sao! Đâu hề hấn gì, khi một ký khoai có một hai củ bị hà. Chục cái trứng vịt bị một hai cái hư, bó rau bị dăm cọng héo...
Mua lầm nó khác chứ! Đây mình biết vẫn tự nguyện mua như một cách thương lo và san sớt chút khó nhọc của nhau thôi mà. Và như vậy tôi có khác gì má. Ở lối nghĩ, cách mua và cả nữa kiểu nói: "Ăn dở cũng đâu chết!".
Mà quả thế! Vì còn bao người ước được như mình. Ước được cùng ai đó xúm quanh gian bếp thân thuộc nấu tô canh, kho trẹt cá, luộc mớ rau... Rồi túm tụm cùng những người thân trong gia đình nơi bữa ăn đầm ấm.
Đã bao lâu rồi những bác sĩ, y tá, điều dưỡng... chưa được bên chồng (vợ), con cái quây quần cạnh mâm cơm sốt nóng. Đã bao lâu rồi những người còn quăng quật ngoài đường, nơi bệnh viện, trong khu cách ly chưa thể về nhà và quay đi quay lại vẫn là những suất cơm hộp nhai nuốt vội vàng.
Nhớ má trong ý nghĩ má chưa hề đi xa. Thương má trong cảm nhận má vẫn ở quanh đây. Vẫn cùng chúng tôi gom góp niềm hạnh phúc, bé mọn, mà không phải ai cũng may mắn được hưởng nhận. Đó là còn có nhau và được bên nhau. Vẫn có gia đình hãy còn một nếp nhà, một tổ ấm. Để nâng niu thêm. Nhất là vào lúc này.
TTO - "Mẹ tao mới mất. Mới 48 tiếng mà cuộc đời bước qua một trang khác hoàn toàn". Bạn nhắn khi tôi "trách móc" vài ngày nay sao không liên hệ được với bạn.
Xem thêm: mth.34883040212801202-am-noc-uhn-ogn-uc/nv.ertiout