Sau khi TPHCM quyết định tăng cường biện pháp phòng chống COVID-19 từ 0h ngày 23.8, nhiều người dân đã đổ xô đi mua sắm dẫn tới giá thực phẩm tại một số điểm bán lẻ tăng cao.
Giá thực phẩm tăng cao, siêu thị tăng hàng dự trữ
Tranh thủ đi mua hàng từ sớm vì lo thời gian tới không đủ thực phẩm để gia đình sử dụng, chị Nguyễn Hoài Phương sống tại Quận 8 đã ghé một số điểm bán lẻ, điểm tự phát để mua hàng.
"Hầu hết các điểm bán hàng như rau củ, thịt, trứng đều rất đông, phải chờ rất lâu mới mua được một chút đồ. Giá cả tăng từ 2-3 lần, như tôi mua 2 trái bầu hết 80.000 đồng" - chị Phương cho hay.
Theo khảo sát của Lao Động, ngày 22.8 tại một số điểm bán lẻ rau củ, thực phẩm ở TPHCM, các mặt hàng đang trở nên nhanh chóng hết hàng, giá tăng cao.
Cụ thể, bí đỏ có giá 40.000 đồng/kg, thịt gà có giá 120.000-150.000 đồng/kg, trứng gà 45.000-58.000 đồng/10 trứng, sườn non dao động 280.000-300.000 đồng/kg, ba rọi 250.000-300.000 đồng/kg, cá nục có giá 100.000 - 160.000 đồng/kg,...
Trong khi đó, tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn TPHCM giá rau củ vẫn ở mức ổn định. Đại diện AEON Việt Nam cho biết, phía siêu thị đã có kế hoạch tăng hàng thịt tươi các loại thêm 4 - 5 lần và tăng 10 lần các mặt hàng rau củ quả Đà Lạt từ ngày 22.8.
Siêu thị Saigon Co.op cũng khẳng định hàng hóa vẫn được đảm bảo lên kệ đầy đủ đến cuối ngày, phục vụ những người tiêu dùng trước giờ đóng cửa. Các siêu thị trên địa bàn thành phố cũng đã có phương án nhập thêm hàng và nguồn dự trữ, sẽ luôn cố gắng để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân.
Người dân không nên tích trữ
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới cho biết, khoảng 3 ngày trở lại đây, để linh hoạt cho người dân tới mua sắm chợ đã mở cửa cả ngày từ 7h-16h.
"Những ngày gần đây người dân tới chợ để mua sắm rất đông so với những ngày trước đó. Giá cả một số mặt hàng tại chợ cũng tăng nhẹ vì nguồn cung thiếu. Ban quản lý chợ cũng đã siết chặt hơn các quy định phòng chống dịch, đồng thời liên tục thông báo người dân mua vừa phải để người đến sau có hàng để mua, không nên tích trữ" - ông Tùng cho hay.
Trước đó, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong thời gian sắp tới, chỉ có một điều chỉnh nhỏ ở việc người dân có được đến siêu thị hay đến chợ để mua lương thực, thực phẩm hay không. Việc này tuỳ vào khu vực mà người dân sinh sống. Nguồn cung ứng cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
Với những khu vực được tổ công tác đặc biệt hỗ trợ đi chợ sẽ luân phiên nay nhà này mai nhà kia nhưng đảm bảo mỗi nhà sẽ được đi chợ giúp 1 lần/tuần.
Cũng theo Sở Công thương, trong 2 tuần TPHCM áp dụng biện pháp giãn cách mạnh sắp tới, các kênh đưa hàng hoá về thành phố, cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân vẫn được duy trì, không hạn chế. Ước tính, hiện mỗi ngày TPHCM đang cần 11.000 tấn hàng phục vụ đời sống người dân và lượng hàng này đang được đảm bảo.