Ban điều hành tổ dân phố tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng, mua hàng qua siêu thị giúp người dân - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Để hàng hóa thiết yếu được đưa xuống người dân thông suốt, Đà Nẵng đã chỉ đạo thành lập ban điều hành chống dịch tại các tổ dân phố, phân nhiệm vụ mua sắm giúp hàng hóa cho dân.
Tổ trưởng, tổ phó, cộng tác viên là mắc xích quan trọng
Tại tổ 6 phường Thuận Phước, quận Hải Châu (Đà Nẵng) các thành viên ban điều hành khu phố thực hiện 3 nhiệm vụ: phân phối hàng hỗ trợ từ thành phố, tổ chức trực chốt và đi mua hàng thiết yếu giúp dân. Trong đó việc chiếm thời gian nhiều nhất là đi mua hàng thiết yếu cho hơn 60 hộ gia đình trong tổ này.
Có khu phố có tới hơn 20 thành viên ban điều hành, họ chia nhau đi chợ để người dân không thiếu hàng thiết yếu - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ông Dương Ngọc Tuân, tổ trưởng tổ 6, cho biết khi số ngày ở yên tại chỗ kéo dài, hàng dự trữ trong các gia đình bắt đầu vơi dần, nên người dân gởi mua hàng thiết yếu rất nhiều. Các thành viên trong ban điều hành chia nhau phụ trách từng tuyến kiệt hẻm, khi số đơn hàng đăng ký từ 3-5 hộ sẽ thực hiện đi mua một lần.
"Bà con muốn mua gì ghi ra giấy, mình đáp ứng hết. Tuy nhiên mỗi khu phố chỉ được đi một vài siêu thị mini trong phường nên có loại hàng mua được, có loại không. Bà con cũng hiểu và thông cảm", ông Tuân nói.
Ban điều hành căn cứ phiếu mua hàng của các hộ dân để gửi tới siêu thị lên đơn
Sáng 22-8, ông Trương Văn Giàu, tổ trưởng tổ 34, phường Mân Thái (quận Sơn Trà) lái xe máy "tha" một xe đầy hàng khô xuống con hẻm dẫn vào tổ. Hàng hóa gồm mỳ gói, dầu ăn, nước mắm, đường, trứng gà, sữa, hạt nêm… chất đầy phía trước và treo lủng lẳng hai bên móc xe máy.
Người dân tổ 34 bảo, mỗi ngày ông Giàu "lượn" qua mấy con hẻm hơn chục chuyến để giao hàng, từ sáng sớm tới tối mịt. Người cần mua vỉ trứng, người ít gói mỳ tôm, lốc sữa hay chai dầu ăn, chai nước mắm đều được ông Giàu tỉ mẩn ghi chép rồi ra tiệm tạp hóa mua về.
Có những lúc tạp hóa thiếu hàng, không đủ số đường hay thiếu vài gói muối nhưng không ai than vãn. Họ biết sự vất vả của tổ trưởng dân phố và nguồn hàng lúc này đang khó khăn. Dân trong xóm chia nhau từng bịch muối, gói đường để san sẻ cho qua mùa dịch.
Tổ trưởng tổ dân phố 34 phường Mân Thái, quận Sơn Trà, lái xe giao hàng cho dân trong tổ sáng 22-8 - Ảnh: TẤN LỰC
Hôm nay là phiên mua đồ khô, đồ gói, hôm qua là phiên ông Giàu đi chợ, mua sắm thịt cá, rau củ quả cho dân. Cả tổ dân phố hơn 80 hộ trông chờ vào ông Giàu và một cộng tác viên trong tổ cho nhu cầu thực phẩm thiết yếu. Lúc đơn hàng thực phẩm người dân gửi nhiều, ông tổng hợp lại rồi gửi ra siêu thị mini ngoài phường.
Đảm bảo đủ rau củ đến từng hộ dân
Tại Đà Nẵng, TP chỉ đạo các phường tổ chức ban điều hành tại mỗi tổ dân phố, bao gồm lực lượng mua hàng giúp dân. Về nhiệm vụ mua hàng, tổ này bao gồm tổ trưởng, tổ phó và cộng tác viên giúp việc. Nhiệm vụ chính của họ là nhận đơn hàng, tổng hợp gửi nhà cung ứng và nhận hàng phân phát. Ngoài ra, trực tiếp đi mua giúp những nhu yếu phẩm và mặt hàng cần thiết khác người dân trong tổ.
Tổ trưởng dân phố mua thịt và rau củ giúp người dân tại chợ tạm trên đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà - Ảnh: TẤN LỰC
Ghi nhận sau 7 ngày hạn chế người dân ra ngoài, ai ở đâu ở đấy, tình hình cung cấp thực phẩm cho người dân nhìn chung được đảm bảo. Kết quả này ngoài sự cố gắng của các tổ dân phố trong nhiệm vụ mua sắm giúp dân còn có sự tổ chức tốt của Sở Công thương về việc điều phối nguồn hàng, phương án nhận đơn qua combo của siêu thị lớn và mua sắm trực tuyến theo các nhóm Zalo, qua tổ trưởng dân phố của các siêu thị mini.
Ban điều hành chuyên lo thực phẩm cho dân tại tổ 75 phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, nhận rau củ TP cấp phát chia cho dân. Đây là lần thứ 6 người dân phường này được cấp phát rau củ - Ảnh: TẤN LỰC
Một thuận lợi nữa là lượng hàng rau củ được thành phố bổ sung liên tục tới tận từng nhà dân qua nguồn huy động tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức với tổng khối lượng lên tới 3.600 tấn rau củ.
Đến nay hầu hết các tổ dân phố đã phát rau củ tới người dân lần thứ 3 hoặc thứ 4. Có những nơi người dân đã nhận rau củ lần thứ 5 đến lần thứ 6. Một điều quan trọng nữa là lãnh đạo TP đã thông báo sớm việc chuẩn bị đóng cửa chống dịch và cho phép người dân có 4 ngày chuẩn bị đầy đủ lương thực dự trữ.
Sáng 22-8 phường Mân Thái, quận Sơn Trà, tiếp tục "bơm" nhiều chuyến hàng rau củ xuống các tổ dân phố hỗ trợ dân - Ảnh: TẤN LỰC
Cũng cần phải nhắc tới sự đồng lòng chia sẻ và ủng hộ của người dân đối với giải pháp phòng chống dịch của chính quyền. Những ngày qua, người dân chủ động chấp hành ở yên trong nhà, không ra ngoài đường và chia sẻ lẫn nhau trong lúc thiếu thốn hàng hóa.
Trong tuần tới, Đà Nẵng cho phép shipper được hoạt động trở lại có điều kiện, lực lượng này sẽ góp phần giảm tải cho các tổ dân phố và tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu mua sắm cho dân. Do đó, qua một tuần đầu tiên nhu cầu thực phẩm của hầu hết người dân TP vẫn được đảm bảo, việc giãn cách thực hiện có hiệu quả.
Mua hàng theo combo, qua siêu thị tại chỗ
Ông Lê Năm, tổ trưởng Tổ 29 Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cho biết do người dân không thể ra ngoài nên tổ trưởng làm thay toàn bộ công việc của bà con. Cứ 3 ngày một lần, ông Năm nhận đơn đi chợ của bà con rồi lên nộp cho UBND phường.
Do yêu cầu của bà con quá đa dạng nên để gói gọn việc đi chợ, UBND phường Hoà Khánh Nam đã lên danh sách các thực đơn theo combo, gói đi chợ thấp nhất là 150.000 đồng/đơn và cao nhất là 250.000 đồng/đơn hàng.
Trong các combo này có đầy đủ các mặt hàng cơ bản như gạo, trứng, cá, thịt. Ngoài cách đi chợ theo gói, người dân ở quận Liên Chiểu còn có thể mua hàng qua điện thoại tại hệ thống siêu thị mini nằm trong khu vực của mình.
Người mua sẽ trực tiếp chọn hàng, thanh toán qua điện thoại với các siêu thị mini. Sau khi nhận đơn, người của siêu thị sẽ chuyển hàng theo yêu cầu về tới chốt kiểm dịch đóng tại khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố sẽ đưa tới từng nhà.
THÁI BÁ DŨNG
TTO - Hôm nay là ngày thứ 3 trong 7 ngày Đà Nẵng tạm dừng tất cả mọi hoạt động toàn xã hội, nhà cách ly với nhà. Theo ghi nhận, người dân TP chấp hành rất nghiêm túc, ở yên trong nhà.