Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang thu hoạch hạt mắc ca. Năm nay, do khí hậu thuận lợi, cây mắc ca cho năng suất cao hơn so với mọi năm. Mặc dù, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng giá mắc ca vẫn ổn định lại không bị "tắc" về đầu ra nên đã mang lại niềm vui lớn cho người nông dân.
Nông dân phấn khởi vào vụ thu hoạch
Cây mắc ca trồng ở Đắk Nông có 2 vụ thu hoạch. Trong đó, tháng 3 – 4 là thời kỳ trái vụ, tháng 7 - 8 này là chính vụ. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên nhiều vườn mắc ca đã cho năng suất cao hơn năm trước.
Năm 2013, gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dung, ở huyện Tuy Đức trồng hơn 100 cây mắc ca với nhiều dòng giống khác nhau. Chị Dung cho biết, mắc ca là cây lâm nghiệp nên càng lâu năm càng cho hiệu quả cao. Vườn mắc ca của gia đình có nhiều dòng giống khác nhau nên kết quả thu hoạch cũng ngược nhau. Năm nay, có cây chị Dung thu được mấy bao tải ước tính 50kg. Tuy nhiên, cũng có cây chị Dung thu được lèo tèo đôi, ba ký quả.
“Với 100 cây mắc ca, tuy không đồng đều nhưng gia đình tôi thu về được 2,3 tấn quả. Những ngày này, thương lái đang hỏi mua hạt mắc ca của gia đình với giá 75 ngàn đồng/kg, ước tính thu về hơn 170 triệu đồng. Trong thời buổi dịch bệnh nhưng mắc ca vẫn có giá bán ổn định là niềm vui lớn đối với người làm nông”- chị Dung phấn khởi.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Đình An, ở huyện Đắk Glong, trồng xen canh 200 cây mắc ca trong vườn cà phê. Vườn mắc ca của gia đình ông An cho thu hoạch năm thứ 3 nên rất sung sức. Qua kiểm đếm sơ bộ, ông An ước tính mỗi cây mắc ca cho năng suất đạt trên 10 kg/cây.
Ông An cho biết: “Mắc ca ít công chăm sóc, không lo hạn hán nên ít gặp rủi ro. Với giá bán khá cao và ổn định như hiện nay gia đình tôi đã có thêm nguồn thu nhập ổn định. Cùng với các loại cây trồng khác xen canh trong vườn gia đình tôi sẽ có nguồn thu nhập khá”- ông An chia sẻ.
Thị trường ưa chuộng
Bên cạnh việc giá cả ổn định, người nông dân trồng mắc ca còn phấn khởi vì hạt mắc ca rất dễ bảo quản trong thời gian dài mà không bị hư hỏng. Khi nào cần tiền người dân có thể mang ra đại lý tiêu thụ để bán cho đại lý, cơ sở sản xuất.
Anh Hà Tấn Phanh, chủ cơ sở thu mua, chế biến hạt mắc ca ở huyện Tuy Đức cho biết, mấy năm nay gia đình đã đầu tư thiết máy sấy, máy chẻ hạt, máy hút chân không… để mua hạt mắc ca về chế biến. Mỗi vụ, gia đình thu mua khoảng 30 tấn hạt mắc ca để sơ chế và cung cấp cho nhiều đại lý kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
“Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng hạt mắc ca trên thị trường khá lớn. Nhiều cơ sở còn thu mua với số lượng cả trăm tấn để sản xuất bánh kẹo, dự trữ chuẩn bị cho dịp lễ tết cuối năm. Cơ sở tôi vẫn nhận được các đơn đặt hàng, hạt mắc ca không bị “tắc” như một số mặt hàng nông sản khác”- anh Phanh chia sẻ.
Theo ông Kiều Qúy Diện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức, cây mắc ca có chi phí đầu tư thấp. Tuy Đức là địa phương trồng nhiều mắc ca nhất tỉnh, hiện có khoảng 554 ha mắc ca bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch (chiếm 44% tổng diện tích). Nhiều vườn mắc ca có tỉ lệ ra hoa, đậu quả cao, mỗi cây cho từ 7 - 10kg trái. Tuy nhiên, có những vườn tỉ lệ cây cho trái thấp, mỗi cây cho từ 1 - 3kg trái.
Theo ông Diện, tùy vào thời kỳ chính vụ hay trái vụ giá hạt mắc ca chưa qua chế biến dao động từ 70.000 -110.000 đồng/kg. Hạt mắc ca được thị trường ưa chuộng, nên rất dễ tiêu thụ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều cơ sở chế biến sâu hạt mắc ca nên đầu ra của sản phẩm đã ngày một tốt hơn.
“Để cây mắc ca trở thành thế mạnh, các ngành chức năng cần có quy hoạch tiểu vùng khí hậu, giống cây trồng phù hợp và kết nối đầu ra cho sản phẩm. Đối với người nông dân, khi phát triển mắc ca cần nghiên cứu kỹ về khâu chọn giống, liên kết với cơ sở tiêu thụ, sản xuất hạt mắc ca để có sự phát triển bền vững”- ông Diện cho biết.
Xem thêm: odl.817449-hcid-aum-auig-ar-uad-hnid-no-aig-uig-tah-iaol-cac-auc-gnaoh-un-ac-cam/et-hnik/nv.gnodoal