Theo NDTV, nếu bạn là một bệnh nhân tiểu đường, điều quan trọng là phải theo dõi lượng đường trong máu. Nếu bạn không kiểm soát được lượng đường trong máu, nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường sẽ tăng cao. Một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ cao mắc bệnh tim, tình trạng da, tổn thương thần kinh, các vấn đề về chân và nhiều hơn nữa.
Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Tăng lượng đường trong máu sau khi ăn được gọi là tăng đường huyết sau ăn hoặc sau bữa ăn. Mức tăng đột biến này bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như quy mô bữa ăn, thời gian ăn, thời gian dùng thuốc và thực phẩm bạn đang ăn.
Chế độ ăn uống đóng vai trò trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Ảnh: NHẬT LINH
Dưới đây là những lời khuyên mà chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, để ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng cao sau bữa ăn:
Kiểm tra nhật ký bữa ăn của bạn
Nmami Agarwal, chuyên gia dinh dưỡng tại Nmami Life cho biết: “Bạn cần kiểm tra bữa ăn của mình ngay từ buổi sáng. Hạn chế ăn đồ ngọt, bánh mì trắng và các loại thực phẩm khác có thể gây tăng đột biến sau bữa ăn. Lập kế hoạch cho bữa ăn có thể giúp bạn lựa chọn tốt hơn."
Ăn nhiều bữa nhỏ
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên rằng, nên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì một bữa ăn nhiều và nặng. Nó sẽ giúp bạn ngăn chặn những biến động đột ngột.
Các nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng ăn nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu khỏe mạnh.
Chọn thực phẩm GI thấp
Một bước quan trọng khác mà bạn nên làm theo khi lựa chọn thực phẩm của mình là kiểm tra chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm.
GI chỉ ra ảnh hưởng của thực phẩm tiêu thụ đối với lượng đường trong máu của bạn. Thực phẩm có chỉ số GI thấp, bao gồm bông cải xanh, nấm, cà chua, cà rốt, ớt chuông đỏ, bưởi, anh đào, táo, chuối, lê, cam, bắp,...
Nên chọn những thực phẩm có chỉ số GI thấp. Ảnh: NHẬT LINH
Theo dõi lượng carb của bạn
Carbohydrate (carbs) là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng lên. Khi bạn ăn carbs, chúng sẽ được chia nhỏ thành đường đơn. Sau đó, những loại đường này sẽ đi vào máu. Do đó, bệnh nhân tiểu đường thường được khuyên nên ăn ít carb hoặc chọn những loại carbs lành mạnh hơn.
Bạn nên tránh tiêu thụ carbs đã qua chế biến (còn được gọi là carbs tinh chế). Một số nguồn cung cấp carbs tinh chế phổ biến bao gồm đường ăn, bánh mì trắng, soda, kẹo, ngũ cốc ăn sáng, món tráng miệng,...
Hãy cẩn thận về khẩu phần ăn và theo dõi lượng carb hàng ngày của bạn cũng sẽ giúp tránh tăng đột biến lượng đường trong máu.
Cùng với một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Đừng tập thể dục quá sức, hãy từ từ xây dựng tốc độ của bạn, theo NDTV.