Bài toán chống ngập luôn được TP.HCM quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh TP đang chịu tác động bởi các yếu tố như triều cường, mưa lớn kéo dài cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, mật độ dân số tăng.
Trong đó, giải pháp làm hồ điều tiết (hồ cảnh quan) được TP kỳ vọng giảm thiểu ngập lụt đô thị, điều tiết vi khí hậu.
Mỗi khi mưa lớn, nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị ngập nặng, gây khó khăn
cho người đi đường. Ảnh: TỰ SANG
Nhiều dự án đã thông qua chủ trương đầu tư
Trong đồ án quy hoạch chống ngập trên địa bàn TP.HCM, TP sẽ xây dựng 103 hồ điều tiết trải dài trên địa bàn chín quận, huyện với tổng diện tích gần 900 ha. Hiện nay có một số dự án công đã được thông qua chủ trương đầu tư và có kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Điển hình như dự án hồ điều tiết công viên hồ Khánh Hội (quận 4) nằm trải rộng trên ba phường 2, 3, 5, quy mô 4,8 ha trong tổng thể dự án 17,6 ha. Khi hoàn thành hồ này có thể chứa từ 130.000 - 192.000 m3 nước, hỗ trợ hệ thống cống thoát nước khu vực xung quanh.
Theo UBND quận 4, vừa qua HĐND TP đã đồng ý chủ trương của quận, chấp thuận bố trí vốn của dự án vào giai đoạn năm 2021-2025 để tập trung giải phóng mặt bằng và tiến hành xây dựng. Dự kiến vốn giải phóng mặt bằng gần 1.000 tỉ đồng, khoảng 450 hộ dân bị ảnh hưởng đã được duyệt giá bồi thường. Trước đây dự án không có vốn đầu tư nên chuyển sang hướng xã hội hóa nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư vì đây là dự án công cộng.
Tương tự, dự án khu du lịch sinh thái hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) được phê duyệt quy hoạch chung tỉ lệ 1/5000 từ năm 1997. Động thái mới nhất cho dự án là vừa được UBND TP yêu cầu sau khi có kết quả phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/2000 thì Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với huyện Bình Chánh và các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xã hội hóa việc thực hiện dự án để trình TP.
Được biết, UBND huyện Bình Chánh đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 của dự án để trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt theo quy hoạch. Dự án có ý tưởng tạo nên một khu tổ hợp du lịch sinh thái với không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa, phù hợp với môi trường và thiên nhiên khu vực. Đồng thời sử dụng không gian cây xanh mặt nước làm trục xương sống, từ đó phát triển các thành phần chức năng khác.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn nhiều dự án hồ điều tiết đang chờ duyệt chủ trương đầu tư. Điển hình, hồ điều tiết Bàu Cát (quận Tân Bình) có khả năng trữ 10.000 m3 nước mưa, giúp giảm ngập khi mưa vượt tần suất thiết kế cống hiện hữu cho một lưu vực khoảng 20 ha xung quanh khu vực Bàu Cát. Hồ điều tiết Gò Dưa với khoảng 24,3 ha, được chia làm ba hồ có kết nối với nhau, trong đó hai hồ quy mô khoảng 16 ha, dự kiến xây dựng tại khu quy hoạch công viên văn hóa thể dục thể thao Tam Phú (phường Tam Phú, TP Thủ Đức).
Không phải khu vực nào cũng có thể làm hồ điều tiết. TP cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng, đặc biệt khu vực ít có không gian cây xanh hoặc nơi ít kênh rạch. Bên cạnh đó, để làm tốt câu chuyện hồ điều tiết thì cần có những đánh giá tác động môi trường một cách khoa học. Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị |
Nên chú trọng vị trí làm hồ
Các chuyên gia góp ý, để làm tốt các dự án hồ điều tiết thì TP cần chú trọng đến vấn đề quy hoạch vị trí, kinh phí và công tác vận hành khi hoàn thành.
GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết việc xây dựng hồ điều tiết là rất cần thiết ở TP.HCM. Chức năng của hồ là điều tiết để chống ngập khi TP hứng những cơn mưa lớn mà hệ thống thoát nước không rút nước kịp. Hồ điều tiết còn tạo cảnh quan và điều hòa khí hậu trong nội ô TP. Hiện nay có nhiều khu dân cư mới xây dựng của TP đã có hồ điều tiết.
“Tuy vậy, xây dựng hồ điều tiết rất tốn kém chi phí nên các nhà quy hoạch đô thị cũng nên tính toán từng nơi để xây dựng thể tích hồ điều tiết cho phù hợp” - GS-TS Lê Thanh Hải góp ý.
Tương tự, theo đánh giá của GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc xây hồ điều tiết để giảm thiểu vấn đề ngập lụt đô thị là cần thiết, vì hiện nay hệ thống thoát nước ở TP không đủ để thoát hết nước.
Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng việc xây hồ điều tiết sẽ gặp vài khó khăn như việc bồi thường, giải tỏa mặt bằng. Có diện tích đất đủ rộng mới xây được hồ điều tiết chứa nước. Nếu làm hồ điều tiết thì ngành chức năng không nên chỉ tính toán việc chứa nước, giảm ngập mà nên nghĩ thêm giá trị của chúng ở những góc độ khác.
“Cụ thể, chúng ta nên nhìn nhận việc xây hồ điều tiết sẽ mang lại thêm một số giá trị khác như mang lại không khí trong lành, tạo nên cảnh quan đẹp và góp phần làm cho môi trường tốt hơn. Có một số khu vực nếu chúng ta tạo được hồ thì nên làm như một số dự án bất động sản lớn đã xây hồ điều tiết. Vì vậy, TP có thể có chính sách hỗ trợ thêm để Nhà nước và doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện” - GS-TS Nguyễn Hồng Quân nhận định.
Ngoài ra, ông Quân cũng đặt vấn đề nếu đã có hồ điều tiết thì làm sao để vận hành có hiệu quả, làm sao để thu nước về hồ. Dự án hồ điều tiết phải kết nối với các hệ thống thu nước như thế nào. “Chúng ta cần tính toán những giải pháp kèm theo cho những hệ thống thu nước, thoát nước về hồ” - ông Quân nói thêm.
Đẩy mạnh bảy dự án hồ điều tiết Mới đây, UBND TP.HCM đồng ý phê duyệt thêm đề án chống ngập và xử lý nước thải, trong đó có giải pháp về hồ điều tiết. Trước mắt, TP sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng bảy hồ điều tiết trên địa bàn. Việc xây dựng các hồ điều tiết này dựa trên cơ sở nghiên cứu, rà soát những khu vực trũng thấp có thể tận dụng để làm hồ điều tiết giảm ngập, tăng dung tích trữ nước, tạo cảnh quan đô thị. UBND TP cũng giao Sở Xây dựng tổ chức lực lượng chuyên ngành kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng. Trong đó, chú trọng việc quy hoạch cao độ nền, giải pháp xây dựng hồ điều tiết thay thế diện tích mặt nước, trữ nước bị san lấp (nếu có) tại các dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị mới. |