Theo ghi nhận của PV, từ tờ mờ sáng 22-8, người dân tại TP.HCM lại nối đuôi nhau xếp thành hàng dài để chờ mua thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trước đó, trong hai ngày 20 và 21-8, người dân cũng ùn ùn đi siêu thị mua hàng khiến nhiều nơi quá tải, ùn ứ cục bộ. Thậm chí, do khách hàng quá đông nên nhiều người phải đợi 4-5 giờ mới mua được hàng.
Liên tục bổ sung hàng hóa lên kệ
Trong bối cảnh sức mua tăng đột biến dẫn đến một số mặt hàng khan hiếm, nhiều siêu thị khẳng định đang nỗ lực tối đa để tăng nguồn cung ứng hàng hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Đại diện hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam cho biết lượng khách hàng đến mua sắm tại một số siêu thị tăng đột biến, gấp 2-3 lần so với trước đó. Khách hàng chủ yếu mua thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng, rau củ quả cùng nhiều mặt hàng lương thực khô như mì, miến, bún… Ngoài ra, đối với các nhóm thực phẩm đông lạnh, sữa, nhu cầu của người dân cũng tăng mạnh.
“Từ đó phát sinh tình trạng thiếu hàng cục bộ trong một số thời điểm và khách hàng xếp hàng dài để chờ thanh toán. Ngay lập tức, chúng tôi đã thực hiện giới hạn số lượng khách, sắp xếp khu vực ngồi chờ, phân luồng cửa ra vào để đảm bảo giãn cách, tuân thủ các quy định về phòng dịch COVID-19. Đồng thời, siêu thị cũng liên tục bổ sung hàng hóa lên kệ” - đại diện Aeon Việt Nam thông tin.
Những mặt hàng được mua nhiều nhất trong ba ngày qua là rau củ quả, thịt, trứng... Ảnh: TÚ UYÊN
Nhà bán lẻ này thông tin thêm, các siêu thị Aeon đã có phương án tăng thêm trữ lượng nhập hàng, nguồn dự trữ và luôn cố gắng để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân. “Chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và chính quyền địa phương để chuẩn bị các giải pháp cung ứng hàng hóa cho người dân trong hai tuần tới” - Aeon Việt Nam nhấn mạnh.
Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam cho hay sức mua tăng rất cao, mỗi người cũng mua nhiều hàng hóa hơn bình thường. Tuy nhiên, siêu thị đã lên phương án nâng lượng dự trữ và sẵn sàng bố trí nhân sự để phục vụ khách hàng.
Hiện nay, đối với hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ…, MM Mega Market đã làm việc với nhà cung cấp để tăng khả năng cung cấp nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ cho nhu cầu tăng đột biến của người dân.
“Đối với hàng thực phẩm khô như gạo, mì, gia vị, trứng gà, chúng tôi đã nâng mức dự trữ lên gấp đôi hoặc gấp ba lần, đủ cung cấp cho khoảng 60 ngày, thậm chí là 90 ngày. Vì vậy, nguồn hàng siêu thị luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng TP” - đại diện MM Mega Market Việt Nam nhấn mạnh.
Nhiều hệ thống siêu thị khác cũng đang tìm cách tăng thêm nguồn cung, như SatraFood dự trữ hàng thiết yếu đủ phục vụ 30 ngày. Tuy vậy, đại diện các siêu thị khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua sắm tích trữ lương thực, bởi việc tập trung đông người sẽ làm gia tăng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Nhiều giải pháp tăng nguồn cung hàng hóa
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cho hay sau khi có thông tin TP.HCM sẽ siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 23-8, rất nhiều người dân đổ xô xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống... để mua gom thực phẩm khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng quá tải.
“Dù sức mua tăng rất cao, nhiều nơi thiếu hàng nhưng giá cả tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn bình ổn. Để đảm bảo đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu gia tăng bất ngờ, các siêu thị đã nhanh chóng điều phối, bổ sung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô lên các quầy kệ. Đồng thời tăng lượng rau củ quả lên gấp ba, bốn lần” - Tổng cục Quản lý thị trường nhận định.
Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá nhà cung cấp đang gặp khó khăn về nhân sự và đứt gãy chuỗi cung ứng nên khả năng tăng nguồn hàng hóa bị hạn chế.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM khẳng định các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP vẫn hoạt động, hàng hóa từ các nơi vẫn được đưa về TP.HCM như trước đây. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cũng thông tin TP.HCM đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ và hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư.
Người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: THU HÀ
Trong cuộc họp sáng 21-8, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, nhấn mạnh việc người dân đổ xô ra đường mua sắm sẽ dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, có nguy cơ làm lây lan mạnh dịch bệnh. Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ không thể thực hiện được việc kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân. Người dân hãy bình tĩnh, không thu gom thực phẩm. “Mong người dân hãy ủng hộ, chung sức cùng TP để cùng vượt qua đại dịch” - ông Mãi nhấn mạnh.
Hệ thống cung ứng hàng thiết yếu tiếp tục hoạt động Ngày 22-8, TP.HCM đã ban hành kế hoạch về đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, TP.HCM dự kiến cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn. Cụ thể, các hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM gồm 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi và 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Ngoài ra còn có các cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm, các điểm bán hàng lưu động. Bên cạnh đó, tiểu thương các chợ đầu mối tổ chức thu mua hàng hóa thông qua các chành vựa từ các tỉnh, thành lân cận TP.HCM; các công ty sản xuất lương thực, thực phẩm; các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử, logistics. Các hệ thống cung ứng này tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM; tăng cường khả năng dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân TP. |