Lớp 1 của cô Phạm Thu Huyền trong năm học 2020-2021 có 10 em thuộc 5 dân tộc thiểu số khác nhau - Ảnh: NVCC
Lớp 1 với giáo viên ở thành phố đã vất vả thì lớp 1 gồm những học sinh của nhiều dân tộc thiểu số khác nhau, đa số hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn vất vả gấp nhiều lần.
Những giáo viên không có giờ nghỉ
Cô Hứa Thị Tuyến, hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Trị (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng), cho biết thầy Lưu Văn Biên là giáo viên nam hiếm hoi được chọn dạy lớp 1 trong năm học đầu tiên triển khai chương trình mới ở đây.
"Thầy Biên trước dạy điểm lẻ với lớp ghép nhiều trình độ nhưng số học sinh/lớp ít. Khi được chọn về trường chính, lần đầu tiên phải đảm nhiệm một lớp 1 với hơn 30 học sinh, rất vất vả. Nếu như giáo viên nơi khác hết giờ là nghỉ, về nhà với gia đình thì những giáo viên như thầy Biên không có giờ nghỉ. Phải tranh thủ hết mức thời gian để kèm thêm, để nghĩ cách giữ học sinh ở lại lớp" - cô Tuyến chia sẻ về giáo viên của mình.
Thầy Biên kể về những ca "khó đỡ" của mình một cách đầy yêu thương: "Nhiều học sinh không được học đủ chương trình mầm non 5 tuổi nên chưa biết hết chữ cái tiếng Việt, cũng không nói được tiếng phổ thông luôn. Có em đến lớp khóc suốt. Dỗ mãi mới vào lớp nhưng thầy chỉ nhãng đi là học sinh đã trốn khỏi trường.
Có lần tôi lấy xe máy đuổi theo để đón học sinh nhưng gặp thầy, đứa trẻ đó càng khóc to hơn, không cho thầy chạm vào người. Những khi ấy tôi nghĩ nếu tôi là phụ nữ, có thể tôi sẽ biết cách để gần bọn trẻ hơn giống như người mẹ. Có lẽ đó là một trong những khó khăn nhất của thầy giáo dạy tiểu học. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài sự kiên nhẫn ngày này qua ngày khác".
Giờ dạy của thầy Biên có nhiều thứ nằm ngoài giáo án. Ví như phải quan sát đứa trẻ này hôm nay vì sao không vui, đứa trẻ kia chưa biết cách cầm bút, để dây bẩn ra vở... "Từ xa lạ, phải tìm cách để xích lại gần. Tôi nghĩ ra trò chơi, chơi trong giờ giải lao, chơi trong tiết học. Không biết múa hát như các cô giáo thì tôi nghĩ ra trò chơi kết bạn, chơi đếm chữ, tìm số cho trẻ vui và mạnh dạn hơn.
Tôi nghĩ ra các phần thưởng nhỏ như tặng trò cái quản bút mới để khích lệ... Ngày qua ngày, tôi gắn bó với lũ trẻ và chúng cũng yêu mến tôi" - thầy Biên kể.
Thầy Biên có vợ là giáo viên mầm non nhưng thầy kể hai vợ chồng đều quá bận nên cũng không có thời gian để "hỏi kinh nghiệm vợ" trong việc lo toan cho những đứa trẻ lớp 1 của mình. Nhiều lúc về nhà quá trễ, vợ hỏi sao giáo viên khác về cả rồi mà chồng đến tối mới về. Hỏi thế thôi nhưng cùng là nhà giáo dễ cảm thông.
Một giờ lên lớp của thầy Lưu Văn Biên - Ảnh: NVCC
Lựa chọn khó khăn
Cũng như thầy Lưu Văn Biên, cô giáo trẻ Phạm Thu Huyền (Trường tiểu học Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) xác định khó khăn lại chính là động lực lớn để cô vượt lên và hoàn thành nhiệm vụ.
Lớp 1 của cô giáo Huyền chỉ có 10 học sinh nhưng lại có tới 5 dân tộc thiểu số khác nhau: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ. Tất cả bọn trẻ đều chưa nói được tiếng phổ thông. Mỗi đứa nói tiếng dân tộc của mình mà cô giáo chỉ lõm bõm biết. Không biết hết mặt chữ cái, số đếm và cũng không thích đi học. Phần lớn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm xa nên ở với ông bà. Có học sinh bố mẹ không còn sống chung.
"Thời gian đầu tôi phải dùng cả ngôn ngữ hình thể để các em hiểu được các thanh điệu trong tiếng Việt. Rồi nghĩ ra trò chơi. Ví như dấu sắc thì bọn trẻ giơ tay thẳng, dấu huyền giơ ngang, dấu ngã thì uốn lượn... Lớp học cũng rất linh hoạt. Đang học thấy trẻ mặt bơ phờ là tôi dừng cho múa hát, hay học qua trò chơi như thi ghép chữ, tạo chữ với vần đã học... Điều tôi rút ra khi tiếp nhận lớp 1 này vẫn là phải dạy học với từng trẻ" - cô Huyền kể.
Hết học kỳ 1, hầu hết trẻ đọc được, viết đúng chính tả. Lớp cô Huyền chỉ còn 2 trẻ đọc chậm và vấp ở những vần khó. Lớp thầy Biên còn 5 - 6 học sinh chậm hơn các bạn. Nhưng những đứa trẻ lớp 1 dường như đã lớn lên nhiều, vui tươi, mạnh dạn.
Và những thầy cô đã gắn bó với lớp 1 vẫn muốn tiếp tục "ở lại với lớp 1 của năm học tới". Cô Huyền cho biết được lựa chọn theo học sinh lên lớp trên. Bọn trẻ đã lớn hơn, nề nếp hơn thì sẽ nhàn hơn. Nhưng cô vẫn muốn ở lại.
"Nhận một lứa học sinh lớp 1 mới, đồng nghĩa là lặp lại những khó khăn tôi đã trải qua trong một năm qua. Rất có thể khó khăn năm nay sẽ không như năm ngoái. Nhưng tôi vẫn quyết tâm chọn ở lại đón lớp 1. Tôi muốn có thêm thời gian để áp dụng những gì tôi từng làm, đúc rút kinh nghiệm cho mình" - cô Huyền chia sẻ.
Nhật ký của cô giáo
Theo cô Phạm Thu Huyền, mỗi trẻ dường như phải có một giáo án, một cách giao nhiệm vụ khác nhau ngay trong buổi học chính và thời gian kèm thêm.
"Tôi ghi nhật ký dạy học, nhật ký về từng học sinh. Vì mỗi trẻ có một vướng mắc, khó khăn và những tiến bộ khác nhau. Ví như hôm nay học sinh này còn chưa nhớ âm/vần này, học sinh kia chưa phát âm chuẩn hay chưa biết ghép vần kia. Ghi để khi dạy học, chạm đến là biết các con gặp khó ở đâu để chú ý rèn. Đôi khi tôi nghĩ đó là cách "bắt bệnh để chữa bệnh" cho bọn trẻ" - cô Huyền chia sẻ.
Nỗ lực của giáo viên
"Vượt khó lớp 1" thành công ở nhiều địa phương vùng thuận lợi hơn cũng trông đợi nhiều vào sự nỗ lực, linh hoạt của giáo viên. Những giải pháp như sinh hoạt tổ chuyên môn theo ngày, theo tuần, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để "gỡ khó" hay cho phụ huynh luân phiên dự giờ để cùng đồng hành ở Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định... là những giải pháp để giáo viên vượt lên khó khăn với chương trình lớp 1 từng bị kêu nặng cùng yêu cầu thay đổi về phương pháp, mục tiêu giáo dục.
TTO - Mặt trời vừa khuất sau dãy Núi Dài, tiếng trống trong sân cơ sở phụ của Trường tiểu học “B” An Hảo (ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) vang lên.
Xem thêm: mth.78242428032801202-1-pol-ial-o-noum-oc-yaht-ihk/nv.ertiout