Đối với quân đội Mỹ, tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II (tia chớp) và F-22 Raptor (chim ăn thịt) của nhà thầu Lockheed Martin là hai loại khí tài rất quan trọng. Hai máy bay chiến đấu tàng hình này được xem là chiến cơ hiện đại nhất thế giới.
Chuyên san quân sự The National Interest đã phỏng vấn cựu binh David Berke, một sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ về hưu nhằm tìm câu trả lời cho một số câu hỏi hấp dẫn về các mẫu máy bay tàng hình hiện đại này.
Tiêm kích F-35A của Úc trên đường tới căn cứ không quân Eielson (Mỹ) để tập trận hồi tháng 7. Ảnh: TWITTER
Nhiều năm qua, ông Berke đã xây dựng được một hồ sơ cá nhân thực sự đáng ngưỡng mộ. Khi được đưa lên tàu USS John C Stennis của hải quân Mỹ, ông Berke đã hai lần tham gia hỗ trợ các hoạt động chiến đấu tại Iraq và Afghanistan khi điều khiển tiêm kích F/A-18.
Sau đó, ông thích nghi tốt với việc lái F-22 trong khi giữ chức vụ chỉ huy sư đoàn trong Phi đội Thử nghiệm và Đánh giá.
Ông Berke cũng vinh dự là phi công đang hoạt động đầu tiên từng bay và đủ điều kiện để lái F-35B, giữ chức sĩ quan chỉ huy của phi đội F-35 đầu tiên của Thủy quân lục chiến Mỹ từ năm 2012 đến năm 2014.
F-22 Raptor và F-35 Lightning II 'so găng'
Trang tin The EurAsian Times trước đó đã đăng một bài so sánh chi tiết về hai mẫu máy bay tàng hình này.
F-35 là máy bay chiến đấu tàng hình đa nhiệm, một chỗ ngồi, một động cơ, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công trên mặt đất và nhiệm vụ phòng không. Trong khi đó, F-22 Raptor là máy bay chiến đấu chiến thuật thế hệ thứ năm, một chỗ ngồi, hai động cơ, chuyên về chiếm ưu thế trên không.
Vũ khí và thậm chí thùng nhiên liệu của F-35 được cất trữ bên trong khung máy bay, gia tăng khả năng tàng hình của tiêm kích. Ảnh: TWITTER
Đó là vào giữa những năm 1990, khi chương trình Joint Striker Program được khởi xướng. Trong khi nguyên mẫu đầu tiên gọi là X-35 cất cánh năm 2000 thì máy bay F-35 thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2006. Kể từ đó, F-35 đi đầu về máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và đang được 14 quốc gia trên thế giới sử dụng.
Theo Lockheed Martin, tính đến tháng 6-2021, hơn 645 tiêm kích F-35 đã được bàn giao, vận hành/hoạt động từ 26 căn cứ khắp thế giới. Hơn 1.255 phi công và 10.030 nhân viên bảo trì đã được đào tạo về máy bay này.
F-35 có ba biến thể, tất cả đều một chỗ ngồi. F-35A là biến thể cất và hạ cánh thông thường, được khách hàng quốc tế ưa chuộng nhiều nhất. F-35B là biến thể cất/hạ cánh theo phương thẳng đứng trên đường băng ngắn, có thể hoạt động trên đất liền hoặc trên tàu sân bay. F-35C là biến thể dành riêng cho hải quân Mỹ.
Ở chiều ngược lại, F-22 Raptor chỉ dành riêng cho không quân Mỹ. Mỹ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu tiêm kích này vì chính quyền Mỹ lo ngại các thiết kế và công nghệ tuyệt vời như vậy sẽ rơi vào tay kẻ xấu.
Bên cạnh đó, F-22 Raptor có nhiều tính năng đặc biệt được Lầu Năm Góc coi là tuyệt mật, đến mức ngay cả phi công cũng bị cấm sử dụng hết khả năng của máy bay trong các cuộc tập trận quốc tế, thậm chí tập trận với cả đồng minh thân cận.
Về mặt công nghệ tàng hình, F-22 Raptor được coi là máy bay chiến đấu có khả năng tàng hình tốt nhất trên thế giới. Nói như vậy vì F-22 sở hữu tiết diện phản xạ radar nhỏ hơn nhiều so với F-35.
Mặc dù F-35 được trang bị những tính năng hiện đại bậc nhất song mẫu tiêm kích này được chế tạo để tiến hành nhiệm vụ không đối đất. Do đó, F-35 không có khả năng “đấu” F-22 Raptor khi nói về không chiến, do F-22 là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không.
F-35 không thể sánh ngang F-22 với tư cách một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, F-35 chưa bao giờ được thiết kế để được như vậy. Kế hoạch ban đầu của Không quân Mỹ là cho F-22 trở thành tiêm kích chiến đấu trên không thượng đẳng trong khi F-35 về cơ bản được phát triển như một máy bay tấn công không đối đất có đủ khả năng để tự vệ.
Trong khi F-22 được thiết kế với khả năng tàng hình tiên tiến và siêu cơ động thì F-35 được thiết kế để tàng hình với các cảm biến đặc biệt, nhưng với tính khí động học thì chỉ có thể so sánh với F-16 và không đấu qua F-22 Raptor.
Tiêm kích F-22 Raptor. Ảnh: TWITTER
Trong khi một số biến thể sở hữu khả năng cất/hạ cánh theo phương thẳng đứng cùng với những tính năng khác thì F-22 vẫn vượt trội hơn về tốc độ. Theo nhà phân tích quốc phòng Colin Ritsick, khi nói đến tốc độ tuyệt đối, F-35 không thể bì kịp nhưng nó không được chế tạo để như vậy. F-35 với thiết kế chiến đấu không đối đất, không phải được thiết kế cho tốc độ đột phá. F-35 có tốc độ tối đa 1.960 km/giờ và khả năng cơ động kém hơn F-22 trong kịch bản không chiến.
“F-22 có thể tăng tốc lên tới 2.756 km/giờ. F-22 leo cao với tốc độ gần 19 km mỗi phút trong khi F-35 leo cao với tốc độ gần 14 km mỗi phút” – ông Ritsick cho biết.
Tuy nhiên, bất chấp sự chênh lệch về tốc độ, F-35 vẫn đủ sức chống lại những máy bay chiến đấu không có khả năng tàng hình.
“Không quân Mỹ hy vọng F-35 với khả năng tàng hình và cảm biến sẽ có thể lấp đầy khoảng trống giữa các chuyến bay F-22 trong một cuộc giao chiến quy mô lớn. F-35 không có tốc độ hoàn hảo và cao độ như của F-22, nhưng nó có cảm biến và khả năng tàng hình tuyệt vời, đủ sức để chống lại những máy bay không có khả năng tàng hình” – National Interest viết.
Cựu phi công Mỹ đã nói gì?
Ông David Berke đánh giá F-35 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm sung mãn nhất thế giới. Ông cũng dập tắt những lo ngại liên quan tới máy bay tương tự đang được Nga và Trung Quốc thiết kế dẫu ông thừa nhận những máy bay của nước này có công nghệ và thiết kế tương tự.
Theo ông Berke, F-35 nổi lên là một máy bay hoàn hảo không chỉ nhờ vào khả năng tàng hình mà còn rất nhiều sự hiện đại hóa đáng chú ý khác như khả năng thông tin.
Tiêm kích F-35 thả tên lửa không đối đất. Ảnh: TWITTER
Theo ông Berke, những gì khiến F-35 thực sự độc đáo chính là khả năng kết hợp và chia sẻ thông tin thu được. Hệ thống cảm biến của F-35 cung cấp mạng lưới dữ liệu liên kết với nhiều chiếc F-35 khác, giúp cung cấp một lượng lớn thông tin cho các binh sĩ.
Chưa hết, F-35 không chỉ có khả năng hoạt động độc lập nhờ khả năng cảm biến độc đáo mà còn có khả năng chia sẻ dữ liệu với tất cả máy bay cùng mạng lưới. Bộ cảm biến nâng cao khả năng của F-35 trong việc khuếch tán thông tin thu được ra bên ngoài những khu vực nằm ngoài tầm của máy bay thông thường.
Câu hỏi đặt ra với việc mua sắm bất kỳ cỗ máy quốc phòng nào không chỉ là khả năng chiến lược và chiến thuật mà còn hiệu quả chi phí nữa.
Ông Berke nhớ lại những kinh nghiệm từng là người duy nhất lái F-22 và sau đó là F-35. Qua nhiều năm, ông đã có nhiều kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, điều này khiến ông nhận ra rằng khả năng hoạt động cao đi kèm với chi phí rất cao.
Ông hoàn toàn tin rằng F-35 không phải là chương trình rẻ tiền. Dù vậy, ông không mấy ngạc nhiên khi chi phí sản xuất đã giảm mạnh trong những năm qua, điều mà ông cho là do sự phát triển của công nghệ và gia tăng hiệu quả. Tuy nhiên, ông Berke không xem chi phí của một máy bay là yếu tố quan trọng hàng đầu.