Chuyến bay đầu tiên của Pháp đưa người di tản khởi hành vào tối 16-8 - Ảnh: AFP
Dân tộc chao đảo trong hàng loạt vòng xoáy điêu linh kéo dài suốt nhiều thế kỷ...
Ngày 15-8-2021, các tay súng Taliban tiến vào thủ đô Kabul (Afghanistan). Tình hình hết sức hỗn loạn. Hàng chục ngàn người quá sợ Taliban đã cố tìm đường thoát khỏi Kabul, trong đó có chuyên gia kinh tế Hanif Sufizada, người Mỹ gốc Afghanistan.
Đói khát, mệt mỏi và sợ hãi
Hanif Sufizada làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan thuộc Đại học Nebraska-Omaha (Mỹ), nguyên chuyên gia Bộ Nông nghiệp, thủy lợi và chăn nuôi của Chính phủ Afghanistan. Ngày 17-8, biên tập viên Catesby Holmes của trang web khoa học The Conversation đã gửi email cho Hanif Sufizada hỏi thăm tình hình.
Từ Qatar, Sufizada đã tường thuật lại chuyến di tản trần ai cho dù anh là công dân Mỹ có thẻ xanh và gia đình anh đang cư trú tại Omaha.
Hanif Sufizada cho biết hôm 15-8 lúc đi ra sân bay quốc tế Hamid Karzai để di tản khỏi Kabul, anh đã bị lạc đường và không thể xác định được vị trí quân đội Mỹ tổ chức sơ tán như thế nào.
Trước khi tới sân bay, anh đã đến Đại sứ quán Mỹ nhưng không còn ai ở đó vì đại sứ quán đã được chuyển vào sân bay Hamid Karzai.
Thư kể: "Do trước đó tôi đã điền đầy đủ vào mẫu yêu cầu sơ tán trên mạng nên tôi muốn gặp trực tiếp những người tổ chức sơ tán để trình bày. Tại sân bay, mọi thứ rối tinh cả lên. Ở sân bay chỉ còn một chiếc máy bay dân dụng duy nhất mà tôi nghe nói nó đã được dùng để sơ tán các quan chức Afghanistan.
Trong chuyến này, thậm chí một số người có vé máy bay hợp lệ vẫn không đi được vì chỗ của họ đã có người khác giành, mà tôi tin những người đó chính là các quan chức cấp cao Afghanistan".
Sau hơn 2 tiếng tìm kiếm những người Mỹ muốn gặp, may thay một nhân viên sân bay đã hướng dẫn cho Sufizada biết họ đang ở đâu. Anh cầu xin một binh sĩ Mỹ đưa đi sơ tán và người này đã giúp đăng ký tên anh.
Trong lúc anh xếp hàng chờ, một số người bị Taliban đe dọa đã hối hả lao tới gặp các quân nhân Mỹ xin di tản gấp. Các binh sĩ phải cố kiểm soát đám đông vô kỷ luật này. Rốt cuộc họ quyết định không giải quyết cho trường hợp nào.
Sufizada đứng suốt đêm để yêu cầu các binh sĩ Mỹ cho di tản nhưng họ một hai khăng khăng không giải quyết.
Đói khát, mệt mỏi và sợ hãi, Sufizada cùng một người Đức gốc Afghanistan và một người Anh gốc Afghanistan cố xoay xở mọi cách. Gặp ai có trách nhiệm họ cũng nhờ vả nhưng chẳng ai quan tâm. Thật may một anh lính thủy quân lục chiến đã đồng ý sẽ xem xét giấy tờ.
Lúc đó vào khoảng 4h chiều thứ hai 16-8. Sau khi kiểm tra giấy tờ, anh lính Mỹ ra hiệu cho ba người tách khỏi đám đông và bảo đi đến cổng phía bắc. Tại đây Sufizada chia tay với hai người bạn Đức và Anh vì họ sẽ bay trên chuyến bay của các hãng hàng không Anh.
Đến cổng phía bắc căn cứ quân sự Mỹ trong sân bay, Sufizada khai báo và đợi thêm 9 tiếng nữa mới lên được máy bay mà chưa ngủ được giấc nào. Thư của Sufizada kể:
"Tôi đến Qatar lúc 5h30 sáng. Khi viết thư này cho các bạn sau gần 13 tiếng chưa được ngủ, tôi vẫn còn ở trong căn cứ không quân Al Udeid tại Qatar chờ chuyến bay đến Kuwait, từ đó tôi mới đi Washington, D.C. rồi tiếp tục đi Omaha. Chuyến đi hết sức cực nhọc nhưng tôi đã an toàn thoát khỏi Taliban.
Tôi cực kỳ mệt mỏi và các con tôi ở Omaha đang chờ tôi. Tôi không biết mình cảm thấy thế nào nhưng tôi rất vui khi trở về nhà sau thảm kịch này... Tôi đến đây lúc 5h30 sáng và bây giờ là 12h35 nhưng vẫn đang chờ giấy tờ lên máy bay. Tôi mệt mỏi, đuối sức và cảm thấy bất lực".
Sau gần 35 tiếng, Sufizada đã có cơ hội bay đến Washington, D.C. trên một chuyến bay thương mại đặc biệt do quân đội Mỹ thuê.
Người phụ trách anh ở Đại học Nebraska-Omaha, người phụ trách cũ ở Công ty Tetra Tech, các bạn học người Mỹ ở Đại học Cornell và nhiều người bạn khác đã tìm kiếm hỗ trợ từ các nghị sĩ họ quen biết để giúp anh di tản an toàn.
Hanif Sufizada trên chuyến bay di tản khỏi Kabul - Ảnh: Hanif Sufizada
Afghanistan - quốc gia vùng đệm
Câu chuyện di tản khỏi Kabul của chuyên gia người Mỹ Hanif Sufizada chỉ là một nét chấm phá trong lịch sử đầy biến động của Afghanistan.
Quốc gia rộng 652.230km2 với dân số hiện nay ước tính gần 38 triệu là một đất nước có nhiều núi non, không có tài nguyên khoáng sản phong phú và nằm sâu trong nội địa không có đường ra biển. Tuy nhiên, Afghanistan không hoàn toàn khép kín bởi biên giới giáp với nhiều nước xung quanh.
Với những đặc điểm như thế nhưng các thế lực nước ngoài luôn thèm muốn Afghanistan vì đất nước này tọa lạc ở ngã tư châu Á. Từ thời cổ đại, nhiều đế chế luôn khao khát xâm chiếm và giành quyền kiểm soát Afghanistan.
Đây là lý do khiến Afghanistan trở thành giao điểm quan trọng trên con đường tơ lụa, cửa ngõ vào Trung Quốc, nơi giao thoa giữa các quốc gia ở hai châu lục Á và Âu cho đến nay.
Hồi giáo bắt đầu mở rộng ở khu vực này từ cuối thế kỷ thứ 7. Afghanistan trở thành một quốc gia vùng đệm giữa đế quốc Nga và thuộc địa Ấn Độ của Anh từ thế kỷ 19.
Lịch sử ghi nhận Afghanistan trở thành một thực thể có chủ quyền vào năm 1747 khi tướng Ahmad Shah Durrani lên ngôi vua, vị vua đầu tiên của đất nước này. Ông được xem là người sáng lập Nhà nước Afghanistan hiện đại.
Trong thế kỷ 19 đã xảy ra hai lần chiến tranh Anh - Afghanistan vào năm 1838 - 1842 và năm 1878 - 1881. Sau chiến tranh Anh - Afghanistan lần thứ hai, Anh chiếm một phần lãnh thổ của Afghanistan nhưng cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của phần còn lại.
Từ năm 1879 - 1919, Afghanistan đã trở thành một quốc gia vùng đệm, luôn duy trì độc lập trong chính sách đối nội. Đến năm 1907, hiệp ước Anh - Nga đã trao quyền tự trị cho Afghanistan.
Năm 1919, sau chiến tranh Anh - Afghanistan lần thứ ba, nước này đã giành lại quyền kiểm soát chính sách đối ngoại qua hiệp ước Rawal Pindi và năm 1921 đã gia nhập Hội Quốc liên. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Afghanistan đã giữ vị thế trung lập.
Hiện nay, người dân tộc Pashtun chiếm đa số dân với hơn 42% dân số tại Afghanistan. Kế đến là người Tajik chiếm 27%, người Hazaras chiếm 9% và người Uzbek chiếm 9%.
Người Afghanistan chủ yếu theo Hồi giáo. Khoảng 80 - 89% tín đồ Hồi giáo theo dòng Sunni và từ 10 - 19% tín đồ theo dòng Shiite. Số còn lại theo đạo Hindu, đạo Sikh, đạo Do Thái hoặc đạo Thiên Chúa.
Chiến dịch di tản của Pháp
22h30 tối 17-8, cổng Đại sứ quán Pháp tại Kabul mở ra. Một đoàn xe rời đại sứ quán âm thầm chạy đến sân bay Kabul cách đó 5km. Trong đoàn xe có nhiều xe buýt nhỏ, một số xe bọc thép, lực lượng đặc nhiệm cảnh sát quốc gia Pháp (RAID) và lực lượng đặc nhiệm quân đội Pháp.
Các lực lượng đặc nhiệm đã được điều động khẩn cấp đến Afghanistan.
Đoàn xe chở tổng cộng 216 người gồm 25 người Pháp, 184 người Afghanistan, 4 người Hà Lan, 1 người Ireland và 2 người Kenya. Phần lớn là người vào tị nạn trong Đại sứ quán Pháp. Mỗi xe có trang bị hệ thống định vị. Quân đội và RAID tại Paris bám sát đoàn xe nhờ một máy bay không người lái quân sự giám sát.
Chuyến chở người di tản được tiến hành sau khi đã thương lượng với Taliban. Do phải qua nhiều chốt của Taliban, 3 tiếng sau đoàn xe mới tới sân bay thay vì 30 phút như bình thường. Những người di tản lần lượt được máy bay chở sang Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) rồi từ đó tiếp tục về Paris.
Mohammad Daoud đã chấm dứt chế độ quân chủ lập hiến và trở thành tổng thống đầu tiên của Afghanistan. 5 năm sau, ông bị sát hại cùng gia quyến.
Kỳ tới: Các cuộc đảo chính đẫm máu
TTO - Chính quyền Tổng thống Joe Biden huy động 18 máy bay thương mại để vận chuyển người dân đã được sơ tán khỏi Afghanistan.