Năm nay, đầu tư công vẫn thể hiện vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực về sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh rất nhiều bởi dịch Covid-19. Đây cũng là năm được đánh giá là có những điểm mới cả về thuận lợi, lẫn khó khăn.
Ngày 30/9/2021 sẽ là mốc thời gian mà Chính phủ, cũng như các Bộ, ngành, địa phương đánh giá toàn diện, toàn bộ tốc độ giải ngân của các đơn vị với mục tiêu đặt ra là phải đạt tối thiểu đạt 60% kế hoạch đề ra.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, về vấn đề tiến độ giải ngân trong bối cảnh cùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay có yếu tố mới.
Theo đó, đầu tư công cũng phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công, do vậy trong bối cảnh giãn cách cũng bị ảnh hưởng nhiều. Đối với những địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thì thể hiện rõ nhất.
Thứ hai là đối tượng làm việc trong các dự án đầu tư công, điển hình là các công nhân, chuyên gia, tư vấn cũng phải thực hiện các chính sách giãn cách của địa phương tương ứng với tình hình dịch bệnh của mình.
“Cho nên tỷ lệ các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều hơn so với năm 2020, phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. Do vậy, việc triển khai thi công các công trình, nhất là ở các địa bàn có dịch gặp rất khó khăn. Công nhân phải về nhà, một số công trình triển khai được 3 tại chỗ nhưng nguyên liệu đầu vào để thi công gặp khó khăn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Yếu tố thứ 3 mà Thứ trưởng chỉ ra là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký và việc tăng giá khiến họ khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi thực hiện dự án.
Ngoài ra là sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian vật chất của công tác chỉ đạo điều hành. “Bộ KH&ĐT rất chia sẻ với lãnh đạo các địa phương, nhất là các địa phương có dịch, gần như việc ưu tiên cả về thời gian và nguồn lực con người, nguồn lực vật chất dành cho công tác chống dịch.
Cho nên phần nào đó ảnh hưởng đến đầu tư công. Bộ mong muốn trong bối cảnh khó khăn nhưng các địa phương cũng không quá sao nhãng, vẫn cần có phương án phù hợp để có sự quan tâm nhất định đối với công tác thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công”, ông nói.
Nói về thời điểm hiện tại, vị Thứ trưởng cho biết, có sự khác biệt giữa quý III/2021 và quý cùng kỳ năm ngoái. Quý III đang là quý bị ảnh hưởng nhất, trong khi quý III/2020 lại là quý phục hồi sau quý II/2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, xu thế giải ngân đầu tư công dồn vào cuối năm đã tồn tại rất lâu và qua phân tích của các chuyên gia thì “điều này gần như đã thành quy luật”.
Cơ bản không lo thiếu vốn
Về vấn đề ưu tiên cho các dự án trọng điểm, Thứ trưởng cho biết: “Hiện nay các dự án lớn năm 2021 như dự án Đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các công trình hạ tầng quy mô lớn của ngành giao thông, nông nghiệp hay các lĩnh vực khác thì năm nay cơ bản không lo thiếu vốn mà chủ yếu là chúng ta có triển khai và làm được hay không”.
Qua rà soát thông tin số liệu của 7 tháng đầu năm 2021, các Bộ có kế hoạch lớn như: Giao thông, Nông nghiệp, Quốc phòng, Công an… hay các địa phương có nguồn vốn đầu tư lớn thì phần giải ngân đã được thực hiện khá tốt.
“Trong công điện của Thủ tướng có nêu một số nơi vẫn còn có giải ngân thấp, thậm chí có nơi chưa giải ngân, chủ yếu là ở các đơn vị có ít công trình, quy mô nhỏ. Dù vậy, Bộ mong muốn các đơn vị này thúc đẩy nhanh tiến độ”, ông nói.
Tuy nhiên, về cơ bản, các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia mặc dù gặp một số khó khăn nhưng vẫn đang triển khai đạt kết quả tích cực. Các tuyến cao tốc Bắc - Nam ở các địa bàn có thực hiện giãn cách gặp khó khăn công nhân.
Về vấn đề quy mô dự án, đặc biệt là các dự án nhỏ đối với mục tiêu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng cho rằng, sự quan tâm lãnh đạo đối với công tác giải ngân vốn đầu tư không nhất thiết là quy mô lớn hay nhỏ.
“Điều khó ở đây là lực lượng tham giam gia vào dự án đầu tư công ở mức độ nào, nếu như một đồng chí lãnh đạo chỉ đạo rất sát sao mà năng lực ở cấp thực hiện không được tốt thì cũng gây chậm chễ cho các dự án.
Một yếu tố nữa là tính chuyên nghiệp, chuyên môn trong công tác quản lý dự án, đấy là yếu tố người ta ít đầu tư vào nâng cấp năng lực quản lý của Ban quản lý các dự án”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhìn nhận.
Năm 2021 là năm đầu tiên của một chu trình kế hoạch, đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới, do vậy những tháng đầu năm 2021 chủ yếu là thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước.
Hầu hết các dự án mới của giai đoạn 2021-2025 thì những tháng đầu năm chưa thực hiện được mà phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Về vấn đề điều chuyển vốn, trong bối cảnh năm 2021, đến ngày 30/9, Bộ KH&ĐT sẽ có báo cáo tổng thể báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân; thông báo với các bộ, ngành, địa phương.
Nếu có nhu cầu bổ sung thêm sẽ tổng hợp trên cơ sở các đơn vị không có nhu cầu, xin giảm kế hoạch hoặc bị giảm kế hoạch thì cũng có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia.
Thứ trưởng cho biết, năm nay, việc điều chỉnh này phải báo cáo Thường vụ Quốc hội. Việc điều chuyển này phụ thuộc nhiều vào các đơn vị giải ngân tốt. Trong tháng 8/2021, Bộ đã nhận được đề xuất của một số bộ ngành, địa phương xin giảm kế hoạch, Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.