TP.HCM đã có kế hoạch di dời cụm cảng Trường Thọ sớm nhất vào năm 2022. Việc di dời này sẽ thực hiện song song với việc xây dựng cụm cảng trung chuyển thuộc phường Long Bình, TP Thủ Đức (ICD Long Bình). Dự án ICD Long Bình đã được phê duyệt từ năm 2016.
Tuy nhiên, sau sáu năm, ICD Long Bình vẫn đang ở bước phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000, hiện cơ quan chức năng đang gấp rút triển khai, thực hiện.
Ùn tắc bên trong lẫn bên ngoài cảng
Hiện nay, xa lộ Hà Nội là tuyến duy nhất dẫn vào cảng Trường Thọ với tám làn xe. Nhiều xe container liên tục ra vào gây ùn tắc, đặc biệt là khu vực các ngã tư MK, Bình Thái (TP Thủ Đức). Ngoài ra, một số dự án mở rộng đường vào cảng chưa được đồng bộ cũng là nguyên nhân gây ùn tắc khu vực này.
Anh Mai Chí Thành, tài xế xe container thường xuyên vào khu vực cảng Trường Thọ, cho biết: “Đợt này đang có dịch nên lượng xe ít lại, chứ bình thường vào những ngày cao điểm có khi hàng hóa ùn bên trong còn xe cộ thì ùn bên ngoài. Tài xế chúng tôi thì nôn nao, đành xếp hàng chờ ở đường số 2, khu vực vào cảng. Nếu xây cảng mới và giải quyết được cả ùn tắc bên trong lẫn bên ngoài thì quá tốt”.
Theo Sở GTVT TP.HCM, lượng hàng hóa qua cụm cảng Trường Thọ hiện có giảm do thời điểm này dịch COVID-19 đang bùng phát. Trước đây, những ngày cao điểm, lượng xe container tấp nập ra, vào nên tình hình giao thông quanh khu này khá phức tạp. Nguyên nhân là lượng hàng hóa vào cảng những năm gần đây tăng rất nhanh, khoảng 15 triệu tấn/năm, cao gấp nhiều lần so với mức quy hoạch đến năm 2020.
Xa lộ Hà Nội, tuyến đường dẫn vào cảng Trường Thọ, thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Ảnh: LINH PHƯƠNG
Trước đó, cụm cảng này được dự kiến di dời trước ngày 30-7-2019. Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP kéo dài thời gian hoạt động của cảng Trường Thọ để chờ cụm cảng ICD Long Bình hoàn thiện. Mới nhất, Sở GTVT dự kiến di dời sớm nhất cảng Trường Thọ vào năm 2022.
Để sớm xây dựng cảng ICD Long Bình, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND TP Thủ Đức khẩn trương lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000. Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt, Sở KH&ĐT sẽ thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án song song với việc triển khai xây dựng khu đô thị Trường Thọ.
Sớm tháo gỡ nút thắt để thực hiện dự án
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết theo quy hoạch được duyệt, ICD Long Bình có tổng diện tích 670.871 m². Theo định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt thì cảng ICD Long Bình phải đáp ứng được công suất, phục vụ việc di dời các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực cảng Trường Thọ. Đồng thời phải đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng trong tương lai.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng: “Muốn xóa cảng cũ thì trước tiên phải xây cảng mới trước. Di dời mà chưa có phương án, chưa xây mà đã di dời thì hậu quả khó lường”.
Ngoài ra, ông Quản cũng đặt vấn đề lượng xe container ra, vào cảng quá lớn nhưng hạ tầng lại không đồng bộ cũng là nguyên nhân gây ùn tắc kéo dài. Để khắc phục điều này, TP cũng cần làm nhanh hệ thống hạ tầng để thông thương.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết một số cảng trên địa bàn TP như Cát Lái, Sài Gòn, Trường Thọ… có nhiều bất cập về hạ tầng giao thông dẫn tới ách tắc khi xe container dồn đến một lúc lấy hàng. Khi giải quyết được bài toán đồng bộ kết nối hạ tầng thì sẽ giảm nhẹ được tình trạng ách tắc khi chưa thể dời cảng Trường Thọ.
KTS Sơn đánh giá cao việc sớm đẩy nhanh tiến độ xây ICD Long Bình để di dời cảng Trường Thọ. ICD Long Bình mới cần phải được quy hoạch bài bản và có sự tương quan với quy hoạch logistics chung. Từ đó, vừa đảm bảo được việc vận chuyển hàng hóa nhanh, không ách tắc, vừa có thể tách biệt vận tải dân dụng để người dân lưu thông an toàn, tránh ùn ứ.
Đề cập đến nguyên nhân dự án ICD Long Bình vẫn còn chậm, KTS Nam Sơn cho hay: “Theo tôi, nguyên nhân chính là nguồn vốn thực hiện dự án, đây cũng là nút thắt TP nên tháo gỡ sớm. Bởi không có vốn thì không thể giải phóng mặt bằng, không thể đầu tư hạ tầng. Còn một nguyên nhân khách quan khác đó là từ thời điểm năm 2020 đến nay dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng tiến độ nhiều dự án. Tôi nghĩ quan trọng nhất là quyết sách của TP như giải quyết thủ tục hành chính, lựa chọn nhà đầu tư, sớm hoàn tất quy hoạch…”.
Bên cạnh đó, theo KTS Nam Sơn, để cảng mới phát huy được hiệu quả, TP.HCM nên định hướng việc phát triển cảng nằm trong tổng thể quy hoạch logistics của vùng đô thị, đặt trong tương quan TP.HCM là trung tâm. Đồng thời hệ thống cảng trên địa bàn TP phải đảm bảo sự phối hợp, kết nối qua lại với nhau thông qua mạng lưới giao thông.•
Nhiều dự án kết nối hạ tầng cảng Cát Lái Theo Sở GTVT TP.HCM, trung bình hằng ngày có khoảng 19.000-20.000 lượt ô tô ra, vào khu cảng Cát Lái, đặc biệt có một số ngày lên đến 26.000 lượt xe ra, vào cảng này. Điều này dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông tại các khu vực bến cảng do vượt năng lực thông hành của các tuyến đường kết nối cảng. Do đó, giai đoạn 2021-2025, khu bến cảng Cát Lái - Phú Hữu sẽ đầu tư mở rộng nhiều tuyến đường như đường Nguyễn Thị Định theo đúng lộ giới quy hoạch 60 m; xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy hoàn chỉnh theo quy hoạch; xây dựng mới đường vành đai 2 với quy mô tám làn xe, có dải phân cách ngăn giữa làn ô tô với làn hỗn hợp. Đồng thời đầu tư xây dựng nút ngã tư Bình Thái thành nút giao khác mức; mở rộng đường Võ Chí Công lên tám làn xe; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh theo đúng lộ giới 30 m. |