Từ 0 giờ hôm qua (23-8), TP.HCM bước vào thời gian hai tuần cao điểm siết mạnh giãn cách xã hội, nâng cao các biện pháp phòng chống dịch với phương châm “xây dựng mỗi phường/xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”. Theo đó, đa số người dân TP đều đồng tình với quyết định trên của chính quyền và cho biết họ đã sẵn sàng cùng TP sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Mong tình hình dịch bệnh sớm chấm dứt
Ông Trần Việt Trung (ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) cho biết ông ủng hộ việc siết chặt giãn cách theo chủ trương của TP. Theo ông, nếu việc giãn cách triệt để được thực hiện đúng như chủ trương mà TP đưa ra thì sẽ hạn chế được lây nhiễm. Bởi lâu nay chúng ta vẫn làm nhưng người dân vẫn còn ra đường khá đông; nhiều nhà, khu phố, con hẻm vẫn giao tiếp với nhau như bình thường.
Bộ đội được tăng cường hỗ trợ kiểm soát người dân ra đường tại chốt trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào sáng 23-8. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cùng với đó, ông Trung còn cho rằng TP cần có phương án thống nhất, cụ thể, rõ ràng trong chăm lo cung cấp thực phẩm cho người dân, để người dân an tâm ở nhà. Rõ ràng, thời gian qua chính quyền TP đã làm nhưng vẫn còn rất nhiều người khó khăn, nghèo khổ đang rất cần sự hỗ trợ. Người dân ai cũng hy vọng đợt siết mạnh giãn cách này cùng với sự vào cuộc của lực lượng quân đội, công an sẽ giải quyết triệt để tình hình lây lan dịch bệnh tại TP.HCM.
“Người dân chúng tôi rất mong dịch bệnh sớm chấm dứt vì mọi thứ đã đình trệ quá lâu. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt, chỉ đạo nhất quán của lãnh đạo TP cũng như sự tự giác một cách triệt để của chính mỗi người dân” - ông Trung chia sẻ.
Còn ông Lê Thanh Tùng (ngụ phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) cho rằng việc TP siết chặt giãn cách là điều rất đáng làm. “Tôi mong muốn TP sẽ làm mạnh tay hơn nữa bởi thời gian qua đường sá vẫn đông người đi lại, nhiều người còn lợi dụng giấy đi đường để ra đường khi không cần thiết” - ông Tùng nói và hy vọng đợt siết giãn cách này lãnh đạo TP sẽ có chỉ đạo thật sát sao, dứt khoát, quyết liệt hơn để đạt được hiệu quả cao nhất.
Theo ông Tùng, lãnh đạo TP cần có cách làm sâu sát hơn trong việc hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, lao động tự do. Bởi hiện nay dù TP liên tục chi các gói hỗ trợ cho người dân nhưng đâu đó vẫn còn những người chưa thể nhận được, hoặc họ thật sự khó nhưng không nằm trong diện được hỗ trợ. Do đó, sự hỗ trợ từ chính quyền trong thời điểm này sẽ tạo sự an tâm để người dân tin tưởng vào các phương án chống dịch của TP.
“Tôi mong lãnh đạo TP sẽ có những cách làm thật sự phù hợp với tình hình thực tế, làm triệt để, quyết liệt một lần để đẩy lùi dịch bệnh” - ông Tùng chia sẻ.
Luôn đồng hành cùng TP vượt qua khó khăn
Bà Trần Thị Hiệp (58 tuổi, ngụ quận Tân Bình, bán hàng rong) cho biết bà đã nghỉ bán hơn hai tháng nay. “Khu nhà trọ nơi tôi sống chủ yếu là người dân nghèo. Khi thực hiện giãn cách đã có nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, người dân chúng tôi rất ủng hộ việc thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch của TP. Có như vậy thì dịch bệnh mới nhanh chóng được khống chế” - bà Hiệp nói.
Bà Hiệp còn cho biết thời gian qua bà và những người thuê được chủ nhà giảm 300.000 đồng tiền trọ mỗi tháng, được một số tổ chức thiện nguyện trong TP và các chương trình hỗ trợ thực phẩm của phường, khu phố hỗ trợ đồ ăn, rau củ, gạo...
Còn tại một khu dân cư khác ở phường 1, quận Tân Bình, ông Lê Văn Sang (76 tuổi) cho biết đang sống cùng vợ chồng con trai trong căn nhà nhỏ cuối hẻm. “Gia đình tôi có bốn người. Con trai và con dâu đều là lao động tự do nên gần ba tháng nay phải nghỉ, không còn thu nhập, gia đình hết sức khó khăn. Tuy nhiên, tôi cho rằng dù có khó khăn nhưng mọi người cùng đồng lòng thì TP sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn này, bởi tính mạng con người vẫn là quan trọng nhất” - ông Sang nói.
Trong khi đó, anh Lê Đăng Khoa (cư dân phường Tân Quy, quận 7, giáo viên dạy lái xe tại Trường dạy lái xe Cửu Long) bày tỏ sự đồng tình trước việc TP thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.
“Tôi thấy biện pháp này của TP là rất tốt và rất tán thành, vì chỉ có như thế mới có khả năng dập dịch được” - anh Khoa nói và chia sẻ thêm bản thân anh từng là F0 vì chủ quan khi đi ra ngoài và tiếp xúc nơi công cộng. Do đó, anh mong mọi người cần ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, trước là để giữ an toàn cho bản thân và gia đình, sau là an toàn cho xã hội.
“Tôi hy vọng người dân sẽ cùng TP chiến đấu với dịch bệnh, chống chọi qua những ngày khó khăn nhất” - anh Khoa nói.
Truy vết triệt để các nguồn lây lan dịch bệnh Ông Phạm Văn Bòn, tổ trưởng tổ dân phố 84, phường 12, quận Gò Vấp, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc TP thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”. “Khu tôi ở có hơn 40 hộ dân và đang là vùng xanh an toàn. Chúng tôi quyết tâm giữ vững vùng xanh này bằng việc cử người canh gác hằng ngày” - ông Bòn nói và cho biết tổ thực hiện giãn cách gần ba tháng nên người dân trong khu vực đã dần quen với việc không ra khỏi nhà. Tổ trưởng tổ dân phố 84 cũng mong muốn TP sẽ thực hiện biện pháp một cách triệt để và kiên quyết. Qua đó mới có thể truy vết các nguồn tiếp xúc, lây lan dịch bệnh và số ca nhiễm mới trong cộng đồng. |