Người vay khốn đốn
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội kéo dài, cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn nay lại khó khăn hơn, nhất là những người có hợp đồng vay của ngân hàng để mua nhà. Thu nhập giảm sút khiến khoản lãi vay cộng nợ gốc với ngân hàng đang trở thành gánh nặng của rất nhiều người.
Lãi vay mua nhà đang là gánh nặng với nhiều người, trong bối cảnh dịch bệnh đang kéo dài.
Điều đáng nói là khi người vay mua nhà gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch, thu nhập giảm sút nhưng lãi vay của ngân hàng thì không hề giảm mà còn tăng lên theo thời gian của gói vay cũng như quy định của các ngân hàng.
Chị Diệu Linh, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, năm 2018, chị có vay của một ngân hàng trụ sở tại quận 1 để mua một căn hộ bằng 70% giá trị của căn hộ với lãi suất bình quân gần 12%/năm. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, công việc bị ảnh hưởng rất nhiều nên thu nhập cũng giảm. Chị cho biết, mấy tháng nay chị phải xoay xở đủ cách để có được gần 10 triệu để trả cho ngân hàng.
“Tôi làm kinh doanh tự do nên khi dịch bệnh bùng phát thì thu nhập gần như không còn, đặc biệt là mấy tháng nay, TP.HCM phải giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16, tôi hầu như không có thu nhập, nhưng vẫn phải xoay xở để trả gốc và lãi cho ngân hàng. Trước đây, khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện thì với khoản gốc và lãi hàng tháng phải trả cho ngân hàng là gần 10 triệu đồng, tôi không phải lo nghĩ nhiều. Nhưng bây giờ thì nó thật sự là một gánh nặng đối với tôi”, chi Linh chia sẻ.
Theo chị Linh, do chị vay với thời hạn là 15 năm, nên lãi suất vay cũng cao hơn, chị cũng đã liên hệ với phía ngân hàng hỏi xem có giảm lãi vay khi người dân gặp khó khăn do dịch bệnh hay không, thì nhận được câu trả lời là ngân hàng chưa có chính sách giảm lãi vay cho các khách hàng mua nhà. Chị nói mình rất thất vọng nhưng cũng không biết phải làm sao.
“Theo tôi được biết thì các ngân hàng không hề gặp khó khăn, thậm chí họ còn lãi lớn, thế nhưng họ lại không hề quan tâm đến khó khăn của khách hàng. Dịch bệnh là bất khả kháng, không ai mong muốn, lúc vay đâu có ai tính được tình huống này. Những lúc như thế này, chúng tôi mới cần đến sự chia sẻ của ngân hàng để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị Linh chia sẻ thêm.
Cùng cảnh ngộ với chị Linh, anh Nguyễn Hữu Nam, quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, anh cũng phải vay ngân hàng hơn 800 triệu đồng để mua một căn hộ 2 phòng ngủ trên địa bàn quận, với lãi suất hơn 10%/năm. Mỗi tháng anh phải trả cho ngân hàng là 14 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
Anh Nam cho biết, gia đình anh kinh doanh quán ăn, khi chưa có dịch thu nhập ổn định thì khoản 14 triệu đồng để trả ngân hàng đối với anh là không có vấn đề gì. Nhưng mấy tháng nay, Thành phố liên tục phải giãn cách xã hội, quán ăn của gia đình cũng phải đóng cửa để phòng dịch, thu nhập không có nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng nên khoản 14 triệu này bây giờ là cả một vấn đề lớn.
“Tôi cũng có liên hệ với phía ngân hàng để xin giảm lãi vay, nhưng nhân viên ngân hàng cho biết đang xử lý rất nhiều đơn xin cơ cấu nợ, xin giảm lãi vay, hiện phía chi nhánh đang xin chỉ đạo từ hội sở để giải quyết nên cũng chưa biết cụ thể như thế nào. Tôi mong rằng phía ngân hàng hiểu được khó khăn thực sự của khách hàng để giảm lãi suất vay, hỗ trợ phần nào khó khăn cho khách hàng”, anh Nam hi vọng.
Ngân hàng "vô cảm"?
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân và doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Các ngân hàng đã có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm lãi vay, giãn nợ hay cơ cấu nợ vay…thì đối với khách hàng cá nhân cũng phải được hưởng những chính sách như vậy. Bởi dịch bệnh không trừ ai và khó khăn là như nhau. Do đó, ngân hàng không thể chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà bỏ qua khách hàng cá nhân, nhất là những người vay để mua nhà.
Mặc dù người mua nhà đang gặp nhiều khó khăn, thu nhập sụt giảm do dịch bệnh, nhưng vẫn không nhận được chia sẻ nào từ phía ngân hàng.
TS.Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, thu nhập của đại đa số người dân giảm mạnh do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua, nhưng các ngân hàng vẫn liên tục công bố lãi lớn.
Theo ông, đây là sự vô cảm của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Bởi việc duy trì lãi vay cao cũng cho thấy sự thiếu thiện chí của các ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với chính khách hàng của mình. Đồng thời, TS. Đinh Thế Hiển cũng đề nghị các ngân hàng nên có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất vay với nhiều đối tượng để hỗ trợ khách vay trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài như hiện nay.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT- NHNN ngày 2/4/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.
Theo đó, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như: Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19; Có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; Khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định (nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021…) thì được tổ chức tín dụng xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.
Tuy nhiên, việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Bởi vậy, tuỳ vào từng ngân hàng, có nơi khách hàng được hỗ trợ nhanh chóng, có nơi phải chờ và đáp ứng với nhiều thủ tục.
Hiện NHNN đang tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 01/2020 lần thứ 2, theo hướng mở rộng phạm vi cơ cấu nợ. Theo đề xuất, thời gian cơ cấu nợ sẽ được kéo dài đến 30/6/2022 thay vì 31/12/2021. Phạm vi các khoản dư nợ được miễn giảm lãi, phí mở rộng đến trước ngày 1/8/2021, thay vì 10/6/2020 như hiện nay.
Đình Đại
Diễn đàn doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.11305028042801202-mac-ov-gnud-gnah-nagn-gnom/nv.zibefac