Bệnh viện Mutterhaus Ehrang ở Trier, miền tây nước Đức, bị nước lũ bao vây - Ảnh: AFP
Để đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu và phân tích khả năng xảy ra tình trạng mưa lớn cực đoan ở một nơi bất kỳ của Tây Âu như miền đông nước Pháp, miền tây nước Đức, miền đông nước Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và miền bắc Thụy Sĩ. Họ cũng phân tích mối quan hệ của sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu với lượng mưa cực đoan.
Kết quả, vừa được công bố ngày 24-8, cho thấy biến đổi khí hậu làm tăng lượng mưa trong 24 giờ lên 3-19%. Khả năng xảy ra những trận mưa lớn, gây lũ lụt như trận mưa làm chết ít nhất 220 người ở Bỉ và Đức hồi tháng 7-2021 cao hơn từ 1,2 đến 9 lần.
Nghiên cứu do 39 nhà khoa học quốc tế thuộc World Weather Attribution - tổ chức hợp tác quốc tế về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan - thực hiện.
Giáo sư Hayley Fowler, thuộc khoa tác động của biến đổi khí hậu, Đại học Newcastle (Anh), cho biết: "Các mô hình khí hậu hiện đại của chúng tôi cho thấy có sự tăng dần của các hiện tượng mưa lớn cực đoan trong tương lai khi trái đất nóng hơn".
"Chúng ta thấy rõ các xã hội không đủ sức chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, cần phải giảm phát thải khí nhà kính càng nhanh càng tốt, cải thiện hệ thống quản lý và cảnh báo khẩn cấp, nâng cấp cơ sở hạ tầng 'thích ứng với khí hậu' để giảm thương vong và thiệt hại", bà Fowler kêu gọi.
Tiến sĩ Friederike Otto - phó giám đốc Viện Thay đổi môi trường, Đại học Oxford (Anh) - khẳng định trận mưa lụt kinh hoàng ở Đức, Bỉ vào tháng 7-2021 đã cho chúng ta thấy ngay cả các nước phát triển cũng không an toàn trước những tác động nghiêm trọng của thời tiết khắc nghiệt.
"Tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn vì biến đổi khí hậu. Đây là một thách thức cấp bách toàn cầu và chúng ta cần phải vượt qua nó", bà Otto nêu cảnh báo.
Kết quả nghiên cứu của World Weather Attribution thống nhất với kết luận của báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố ngày 9-8 trước đó. Báo cáo của IPCC khẳng định các bằng chứng chắc chắn hiện nay đã chỉ ra hoạt động của con người đã làm Trái đất ấm lên.
Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi khiến thời tiết khắc nghiệt hơn.
TTO - California đặt mục tiêu đầy tham vọng: giảm 40% ô nhiễm khí hậu vào năm 2030 và sử dụng 100% điện tái tạo vào năm 2045.
Xem thêm: mth.99482248042801202-naot-na-oan-aig-couq-gnohk-yaht-ohc-ua-yat-o-aoh-maht-tul-ul/nv.ertiout