Người dân tiêm vắc xin AstraZeneca tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết ở bệnh nhân ung thư, hệ thống miễn dịch cơ thể suy giảm, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe kém hơn do ảnh hưởng của bệnh ung thư và các phương pháp điều trị bệnh ung thư.
Do vậy, bệnh nhân ung thư cũng như bệnh nhân có các bệnh lý nền khác nằm trong nhóm khuyến cáo tiêm vắc xin COVID-19. Bệnh nhân ung thư ở tất cả các giai đoạn đều có thể tiêm vắc xin COVID- 19 và có thể tiêm tất cả các loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép.
"Tuy nhiên, điều kiện để tiêm vắc xin cho người bệnh ung thư là phải ngưng thuốc hóa trị trong vòng 3 tuần theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trường hợp người bệnh đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch phải ngưng trong vòng 3 tháng mới được tiêm vắc xin COVID-19", bác sĩ Tuấn cho biết.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo do có bệnh nền nên bệnh nhân ung thư phải chích vắc xin COVID-19 trong môi trường bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Tất cả các bệnh nhân ung thư có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ với các thuốc điều trị ung thư, cần tham khảo chuyên gia dị ứng về việc tiêm vắc xin COVID-19.
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.
TTO - Nhiều bạn đọc thắc mắc trong thời gian TP.HCM áp dụng biện pháp tăng cường chống dịch COVID-19, người dân bị các bệnh mãn tính (thận mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...) có được đi khám định kỳ?