Họa sĩ Trí Đức tạo hình con rối cho vở Chú Cuội cung trăng - Ảnh: TR.Đ.
Vở diễn chỉ dài khoảng 7 phút 30 giây nhưng nhanh chóng được nhiều phụ huynh thích thú vì câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị, dễ tiếp cận các bé.
Kể câu chuyện cũ không nhàm chán
Trên nền âm nhạc của nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng là giọng thuyết minh của chính Trí Đức. Chuyện kể về anh chàng nghèo tên Cuội thường xuyên vào rừng đốn củi kiếm sống. Tình cờ anh chứng kiến hổ mẹ cứu bầy hổ con bị đá đè chết bằng một loại lá.
Anh đem cây lá diệu kỳ đó về trồng và cứu sống rất nhiều người. Một ông lão cho Cuội biết để chăm sóc cây đa thần này phải tưới bằng loại nước sạch, "Có tưới thì tưới đằng Tây/chớ tưới đằng Đông cây dông lên trời".
Sau đó, Cuội cứu sống một cô gái và cưới cô làm vợ. Nhưng cô vợ sau khi được tái sinh lại cứ hay nói trước quên sau. Một ngày Cuội đi vắng, nàng tưới cây bằng nước bẩn, cây trốc gốc bay lên trời. Cuội chạy về nhìn thấy, chụp rễ cây và cứ thế cả cây và người cùng bay lên cung trăng...
CHÚ CUỘI CUNG TRĂNG - SHADOW MAN ON THE MOON - A Vietnamese folklore
Câu chuyện quen thuộc là thế nhưng tác phẩm vẫn mới mẻ và không hề nhàm chán khi dùng hình thức rối bóng với những con rối được tạo hình sinh động trên nền âm nhạc đậm chất dân tộc. Vở được chính con gái họa sĩ Trí Đức viết phụ đề tiếng Anh nên Chú Cuội cung trăng không chỉ phục vụ khán giả trong nước.
Suốt mấy tháng giãn cách xã hội vừa qua, ai than chán vì ở nhà chứ Trí Đức dường như không có thời gian rảnh. Anh dồn tâm huyết chuẩn bị cho vở rối Hạt mầm yêu thương do Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đặt hàng.
Đến khi cửa hàng nguyên liệu đóng cửa hết, Trí Đức đành đóng lại dự án Hạt mầm yêu thương. Ngồi không vô vị, anh lại bày ra Chú Cuội cung trăng để phục vụ các bé nhân mùa trung thu sắp tới.
Tận dụng bất cứ thứ gì để làm rối
Sự tích Chú Cuội cung trăng đã từng được Trí Đức viết kịch bản và biểu diễn cách đây 3, 4 năm. Có lúc anh kể câu chuyện bằng hình thức tranh cát, có lúc anh dựng thành vở rối trên sân khấu.
Thế nhưng, trong hoàn cảnh ở nhà thiếu thốn mọi vật liệu, phương tiện kỹ thuật và "chỉ một mình tui", Trí Đức sẽ thực hiện sản phẩm như thế nào?
Anh lục lọi mọi thứ trong nhà, phát hiện những hộp giấy cà phê, hộp trà đã sử dụng hết, anh tỉ mẩn cắt ghép thành những hình rối, cứ vậy mà chú Cuội, bầy hổ, ông già, cô vợ, cây đa... xuất hiện. Anh chọn cách kể câu chuyện như làm phim hoạt hình cắt dán, ghép từng miếng, từng miếng vào.
Hình thức múa rối bóng thường trình diễn theo phương nằm đứng qua một tấm màn bằng vải. Vì ở nhà thiếu điều kiện nên Trí Đức tận dụng bàn tranh cát của anh, đặt con rối nằm bẹp xuống và sử dụng camera từ trên quay xuống.
Thường khi diễn trên sân khấu, các con rối được điều khiển bằng que, bộ phận kỹ thuật sẽ lợi dụng ánh sáng để che que đi. Còn ở vở rối hiện tại, khi quay lên Trí Đức có thể photoshop để xóa que đi nhưng anh nảy ra ý định để nguyên với "âm mưu": Khi coi, con nít sẽ ồ à đây là một món đồ chơi chứ không phải phim hoạt hình.
Những bé thông minh qua đó có thể học cách dùng một cây que nối với một đồ vật, hình thù nào đó để điều khiển, biểu diễn trò chơi nho nhỏ, sẽ rất thú vị! Quan tâm nhiều đến ý kiến của các khán giả nhí, anh lắng nghe "đòi hỏi", thậm chí cả... bắt giò của các bé để chỉnh sửa.
Hoàn thành vở rối đầu tiên đưa lên mạng, Trí Đức phấn khởi: "Vở rối Chú Cuội cung trăng được đưa lên mạng, đây là lần đầu tiên một sản phẩm hoàn chỉnh của tôi được lưu lại. Bây giờ tôi đang nghĩ đến các sản phẩm khác.
Trong thời gian thành phố căng thẳng, là một công dân mình ráng chấp hành tốt mọi chỉ thị của Nhà nước. Tranh thủ làm những việc ý nghĩa cho nghề mà trước đây bận túi bụi với các sô diễn tôi chưa thực hiện được".
Chú Cuội cung trăng được khá nhiều phụ huynh quan tâm và khuyến khích Trí Đức nên làm thêm những câu chuyện ý nghĩa để các cháu có thêm sản phẩm xem trong mùa dịch. Và Trí Đức lại đang mày mò làm tiếp một vở rối mới.
Cảnh trong vở rối bóng Chú Cuội cung trăng - Ảnh chụp màn hình: LINH ĐOAN
Trí Đức vốn quen thuộc với khán giả trong vai trò họa sĩ tranh cát nổi tiếng nhất nhì VN. Thế nhưng, "gốc rễ" của anh chính là múa rối và vẫn luôn dành thời gian cho múa rối.
Đã từng là họa sĩ ở Nhà xuất bản Trẻ nên Trí Đức rất thích thú với những câu chuyện cổ tích VN.
Anh luôn mong muốn làm một chuỗi vở múa rối với những câu chuyện cổ tích, câu chuyện lịch sử để giúp khán giả nhí khám phá thế giới cổ tích, lịch sử phong phú của VN.
TTO - Là “mối quen” của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, gần đây khi nhà hát ra mắt các chương trình mới như Mekong show, kịch rối Công chúa Tóc Mây... người ta đều thấy Trí Đức đến rất sớm, chăm chú theo dõi.
Xem thêm: mth.89072429132801202-ihn-aig-nahk-ohc-ior-ov-gnud-hnim-tom-cud-irt/nv.ertiout