Dòng sầu riêng Ri6 đã được thu hoạch, tiêu thụ tương đối tại huyện Krông Pắk - Ảnh: TRUNG TÂN
Mùa sầu riêng vào chính vụ như các năm trước, ‘thủ phủ’ sầu riêng tại Đắk Lắk là huyện Krông Pắk luôn nhộn nhịp người thu hái với hàng loạt xe container nối đuôi nhau. Thế nhưng, năm nay đến giờ thương lái, tài xế chỉ mới xuất hiện rải rác…
Ông Lê Văn Lục - trú xã Ea Phê, Krông Pắk (Đắk Lắk) - cho biết đang rất lo đầu ra, vì sầu riêng trong vườn đã già, vài tuần nữa không thu hái kịp sẽ rụng hết.
"Do dịch COVID-19, thương lái và thợ cắt sầu riêng từ miền Tây chưa thấy lên. Sầu riêng của chúng tôi chủ yếu xuất đi Trung Quốc mới được giá, còn bán tiêu thụ nhỏ lẻ thì nhà vườn không kham nổi", ông nói.
Nói chuyện tiêu thụ, ông Trần Văn Thịnh, thương lái từ tỉnh Tiền Giang lên, cho biết do dịch bệnh đang căng thẳng, đi lại khó khăn, chi phí bốc dỡ, vận chuyển tăng nên các doanh nghiệp cũng đang tìm cách xoay xở.
"Sầu riêng giống Dona Thái ở Tây Nguyên chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc mà giờ đi lại trong nước còn khó, huống hồ thông quan", ông Thịnh giãi bày.
Việc hái, phân loại sầu riêng phụ thuộc rất lớn vào các thợ, thương lái lành nghề từ miền Tây lên - Ành: TRUNG TÂN
Trao đổi về vấn đề này, bà Ngô Thị Minh Trinh, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết năm nay, để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sầu riêng thuận lợi, ngoài tổ công tác đặc biệt thực hiện test nhanh, hỗ trợ y tế tại chỗ, huyện còn cho tiêm vắc xin toàn bộ thương lái, tài xế, thợ cắt sầu riêng. Thế nhưng lượng thương lái, tài xế và thợ cắt sầu riêng hiện đến còn ít.
Theo bà Trinh, do việc xuất khẩu khó khăn, địa phương sẽ hỗ trợ các thương lái tách múi, cấp đông để chờ lúc thuận lợi sẽ đưa đi tiêu thụ.
"Tuy nhiên, hệ thống cấp đông hiện nay chỉ phục vụ được 30% sản lượng nên địa phương đang phối hợp với doanh nghiệp mở rộng các kho đông lạnh. Ngoài ra, chúng tôi đang khẩn trương chuẩn bị bãi thải vỏ sầu riêng để các doanh nghiệp tách múi cấp đông", bà Trinh cho biết thêm.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Đức Côn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho biết Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn nhất Tây Nguyên với hơn 12.000ha, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 5.300ha với sản lượng khoảng 103.000 tấn. So với cùng kỳ năm 2020, giá sầu riêng có giảm hơn từ 5-10%.
Sản lượng sầu riêng tại tỉnh xuất khẩu đi Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch chiếm đến 70% nên trong điều kiện dịch bệnh này, tỉnh đang cùng doanh nghiệp xây dựng thêm các kho cấp đông là giải pháp nhằm 'tích trữ' sầu riêng, chờ dịch bệnh giảm sẽ đưa đi tiêu thụ.
Về lâu dài, theo phó chủ tịch huyện Krông Pắk Ngô Thị Minh Trinh, không thể phụ thuộc mãi vào ‘con đường tiểu ngạch’ sang Trung Quốc. "Cần phải xây dựng thương hiệu sầu riêng để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu chính ngạch ở các thị trường khác. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng chuỗi sản phẩm, chú trọng chất lượng để tạo đầu ra đa dạng cho sầu riêng", bà Trinh nói.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh việc tách múi cấp đông sầu riêng và chuyển đổi làm các mặt hàng liên quan (kem, kẹo) để dễ tiêu thụ - Ảnh: THẾ THẾ
Sầu riêng Khánh Sơn vẫn có lãi
Vụ sầu riêng năm nay, các nhà vườn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho biết đều được mùa, dù giá sầu riêng giảm vẫn có lãi.
"Nhà tôi có 8ha trồng sầu riêng, do dịch COVID-19 nên giá hiện tại chỉ còn từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, giảm trên 10% so với năm trước. Năm trước tôi thu hoạch 50 tấn, lãi trên 1,5 tỉ đồng. Năm nay, thu hoạch đạt 60 tấn, lãi khoảng 900 triệu đồng" - ông Trần Văn Quốc (ở Khánh Sơn) cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận, chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, huyện đã chủ động kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho nhà vườn, như: test nhanh các thương lái và nhân công thu hoạch, cấp nhận diện luồng xanh cho xe vận chuyển nông sản, đưa sầu riêng vào tiêu thụ tại các siêu thị trên toàn quốc…
Nhờ đó, đến nay trên 60% sản lượng của bà con nông dân được tiêu thụ. Sầu riêng được vận chuyển đến điểm tập kết, sau đó các xe tải vận chuyển đến các nơi tiêu thụ và thời gian lưu lại trên địa bàn không quá 24 giờ.
MINH CHIẾN
TTO - Với khoảng 10.000ha sầu riêng đang vào mùa thu hoạch cho sản lượng ước hàng trăm ngàn tấn, tỉnh Đắk Lắk đã lên phương án để tiêu thụ hết mặt hàng ‘hái ra tiền’ này.
Xem thêm: mth.47034355191801202-hcid-auq-urt-gneir-uas-gnod-pac-peihgn-hnaod-iog-uek-kal-kad/nv.ertiout