Đầu quý 2 vừa qua, VPBank đã bán thành công 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD.
Không chỉ VPBank, hiện không ít ngân hàng cũng đang lên kế hoạch bán vốn, thậm chí thoái toàn bộ vốn tại các công ty tài chính. Đơn cử như MSB, Tổng giám đốc Hoàng Linh cho biết, ngân hàng này đang dự tính bán toàn bộ 100% vốn Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM), thay vì mức 50% như dự kiến trước đó. Từ năm ngoái MSB đã công bố sẽ chuyển nhượng 50% vốn của Công ty tài chính FCCOM với giá 42 triệu USD cho Hyundai Card - công ty phát hành thẻ tín dụng của Hyundai Motor. Nhưng thương vụ trên không hoàn thành vì các cổ đông lớn của Hyundai chuyển hướng kinh doanh do Covid-19.
VPBank bán 49% vốn của FE Credit cho SMBC sẽ giúp FE Credit giữ vững vị thế hàng đầu
Trong khi lãnh đạo SHB cho biết, ngân hàng này cũng đang thực hiện kế hoạch thoái vốn khỏi Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC). Ngân hàng đã lựa chọn hai, ba đối tác nước ngoài lớn để đàm phán thoái vốn.
Lý do nào khiến ngân hàng muốn thoái vốn khỏi công ty tài chính khi mà chỉ vài năm trước các công ty tài chính còn được ví như "con gà đẻ trứng vàng"?
Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, sự thay đổi này tuỳ theo chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong mỗi giai đoạn. Có thể thời điểm này, trước tác động khó khăn từ dịch bệnh, ngân hàng muốn cơ cấu lại hoạt động theo hướng tinh gọn hơn, dành nguồn lực tài chính cho những lĩnh vực cốt lõi đang cần vốn đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể là để nâng cao năng lực tài chính, qua đó là năng lực cạnh tranh của các công ty tài chính. Cũng có trường hợp ngân hàng thấy có nhà đầu tư quan tâm, trả giá tốt thì họ tận dụng cơ hội bán đi.
Trong khi CEO một ngân hàng từng có ý định mua công ty tài chính để chuyên biệt hoá mảng kinh doanh này cho biết, việc phát triển công ty tài chính bền vững, hiệu quả, mà an toàn là không dễ dàng. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì khó càng chồng khó. Vì vậy nên ngân hàng tạm thời dừng ý định tìm mua công ty tài chính.
Có thể thấy mức độ hấp dẫn của công ty tài chính tiêu dùng đã bớt đi khá nhiều trong bối cảnh đại dịch. Lần đầu tiên trong vòng 10 năm, năm 2020 tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng chỉ dừng ở mức một con số. Lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng giảm mạnh, thậm chí có công ty cả năm chỉ thu về vài ba tỷ đồng. Trong khi nợ xấu tăng vọt, đẩy số trích lập dự phòng của ngân hàng mẹ lên khá lớn.
Quay trở lại với thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit, lãnh đạo VPBank cho biết thêm, thương vụ này không có nghĩa VPBank từ bỏ "gà đẻ trứng vàng" mà vẫn tiếp tục coi tài chính tiêu dùng là một trong ba trụ cột chiến lược quan trọng của ngân hàng.
Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư gần đây, chia sẻ lý do lựa chọn SMBC là đối tác chiến lược của FE Credit, lãnh đạo VPBank cho hay, SMBC là tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. SMBC cũng là ngân hàng có hoạt động tài chính tiêu dùng chuyên nghiệp, rất thành công. Bản thân SMBC cũng có công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất tại Nhật Bản và hoạt động tài chính tiêu dùng hiệu quả ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan… Bởi vậy việc VPBank lựa chọn SMBC sẽ giúp FE Credit giữ vững và gia tăng vị thế hàng đầu.
Dù FE Credit đang gặp khó khăn vì Covid-19 song, lãnh đạo VPBank lạc quan kinh doanh của công ty này sẽ tăng tốc trở lại từ cuối năm nay, đầu năm tới. Ước tính năm 2022, FE Credit sẽ đạt lợi nhuận 6.000 tỷ đồng, năm 2023 có mức tăng trưởng lợi nhuận 80% và duy trì tốc độ tăng trưởng này tới năm 2025. "Dù chỉ còn sở hữu 50% vốn tại FE Credit, VPBank sẽ tiếp tục sở hữu nguồn lợi nhuận khổng lồ do công ty này mang lại", lãnh đạo VPBank kỳ vọng.
TS. Võ Trí Thành cũng đánh giá, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam là khá lớn khi mà so với các nước trong khu vực ASEAN tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn khá thấp. Có thể giai đoạn này kinh tế khó khăn nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm, nhưng khi kinh tế hồi phục sau thời kỳ hậu Covid-19, thu nhập của người dân Việt Nam được cải thiện, nhu cầu vay tiêu dùng tiếp tục tăng.
Vì thế theo ông, mảng kinh doanh này vẫn khá hấp dẫn, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường tài chính của một quốc gia dưới hình thức công ty con 100% vốn cũng không phải việc dễ dàng do cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, tiêu chuẩn. Do vậy, họ thường tìm các công ty tài chính kinh doanh bài bản, nền tảng khách hàng tốt, mạng lưới hoạt động rộng để mua, thay vì phải bắt tay tự làm từ đầu, vừa mất nhiều thời gian, vừa khó khăn trong khâu vận hành, thích nghi văn hoá bản địa.
Đồng quan điểm như vậy, một chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, mua lại các công ty tài chính trong nước là cách để các nhà đầu tư ngoại thâm nhập thị trường tài chính của các nước nhanh nhất. Hơn thế, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam cũng khá phát triển, một số công ty tài chính cũng đang hoạt động khá tốt. "Nếu hoạt động của các công ty tài chính được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp thì đây là mảng hứa hẹn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư ngoại", vị chuyên gia trên nhận định.
Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, bán một phần vốn của "gà đẻ trứng vàng" là quyết định đúng nếu ngân hàng muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực này. Còn trong trường hợp khi hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tạo gánh nặng chi phí hoạt động cho ngân hàng việc quyết định thoái toàn bộ vốn cũng là điều nên làm.
Thương vụ VPBank bán thành công Fe Credit được kỳ vọng khiến việc bán công ty tài chính cho nhà đầu tư ngoại sôi động hơn trong thời gian tới. Song, giới chuyên môn cho rằng, thời điểm này, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nhà đầu tư ngoại vẫn đang ở trong thế phòng thủ, chưa mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài nhiều nên nên khó hy vọng đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Chưa kể, do dịch, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính bị giảm sút, chất lượng tài sản ảnh hưởng theo. Theo đó, vấn đề thoả thuận giá cả của các ngân hàng đối với các đối tác ngoại cũng sẽ bị ảnh hưởng, có thể không được giá như kỳ vọng ban đầu.
Nguyễn Vũ
Thời báo ngân hàng
Xem thêm: nhc.80612149142801202-gnav-gnurt-ed-ag-ioht-teh-ad-hnihc-iat-yt-gnoc/nv.zibefac