Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân nằm trong “vùng đỏ” ở phường 3, quận Bình Thạnh chiều 24-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đây được coi là một trong những giải pháp trọng tâm góp phần kiểm soát dịch COVID-19 theo nghị quyết 86 của Chính phủ.
Trong ngày 24-8, nhiều địa phương tại TP.HCM đã triển khai chiến lược "xét nghiệm thần tốc" với nhiều hình thức "chạy đua" để kịp tiến độ đề ra.
Hướng dẫn dân tự test, thực hiện "2 trong 1"
Ngày 24-8, trước trụ sở UBND khu phố 3, phường Tam Bình, TP Thủ Đức, dù thời tiết không được thuận lợi, lúc nắng gắt, lúc gió mạnh chuyển mưa, nhưng công tác lấy mẫu vẫn diễn ra hối hả.
Cùng thời gian này, tại quận Bình Thạnh, một tổ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng đã tổ chức xét nghiệm nhanh cho toàn bộ người dân tại tổ 33 và 34, khu phố 3 trên đường Vạn Kiếp, phường 3.
Bà Đoàn Thị Bích Ngọc - phụ trách tổ lấy mẫu - cho biết những trường hợp nghi nhiễm, tổ lấy mẫu sẽ báo cáo thông tin về Ban chỉ đạo phòng chống dịch của phường để có cách xử lý.
"Khu vực tôi đang ở có rất nhiều ca F0, nếu xét nghiệm toàn bộ dân trong hẻm như thế này thì gia đình tôi sẽ yên tâm" - ông Nguyễn Đặng Thanh Quang (44 tuổi, quận Bình Thạnh) nói.
Lực lượng tăng cường từ Học viện Quân y (Hà Nội) đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tại hẻm 381 Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) để phát kit test nhanh cho từng người và hướng dẫn tận tình cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều trường hợp tự lấy mẫu test nhanh đều có kết quả âm tính.
Chị V.T.K.N., ở hẻm này, cho hay chị khá bất ngờ khi được lực lượng quân y đến nhà hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm.
"Nhiều khu vực quận Bình Thạnh là vùng nguy cơ cao nên khi được yêu cầu test nhanh, tôi rất hồi hộp. Nhưng khi test xong, nhận kết quả tôi yên tâm. Tôi thấy việc tự test này cũng không khó, bên y tế chỉ mất buổi đầu hướng dẫn cho người dân, những lần sau họ có thể tự xét nghiệm ở nhà đỡ tập trung đông người" - chị nói.
Còn tại phường 5, quận Gò Vấp, mặc cơn mưa rả rích kéo dài nhiều giờ, tại đường Huỳnh Khương An, lực lượng chức năng vẫn kiên trì thực hiện việc lấy mẫu. Điều đặc biệt tại điểm lấy mẫu này là người dân khi được xét nghiệm nhanh, có kết quả âm tính sẽ được tiêm vắc xin tại xe tiêm lưu động.
Việc thực hiện kế hoạch "2 trong 1" này vừa giúp quận Gò Vấp hoàn thành mục tiêu "truy F0" vừa đẩy nhanh được tiến độ tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM sáng 24-8 - Ảnh: T.T.D
Phát hiện nhiều ca nghi nhiễm
Cũng tại điểm xét nghiệm tại phường 5, quận Gò Vấp, có nhiều người có kết quả test nhanh dương tính được yêu cầu nhanh chóng về nhà cách ly y tế theo quy định, sau đó lực lượng y tế sẽ có hướng xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Chức - giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức - cho biết công tác lấy mẫu không gặp nhiều khó khăn do đa số người dân đều sẵn sàng hợp tác. Một cán bộ tại phường Tam Bình cho biết phần lớn các khu vực trên địa bàn phường đều là vùng có mức độ nguy cơ rất cao.
Từ 8h-12h30 ngày 24-8, đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 450 người dân theo hình thức mẫu gộp 3. Tất cả mẫu đều cho kết quả âm tính.
Trước đó, ngày 23-8, phường đã lấy 1.084 mẫu gộp (tương ứng 3.206 người đang cư trú ở những vùng có nguy cơ rất cao), trong đó có 44 mẫu gộp (với 132 người) dương tính. Sau khi xét nghiệm từng mẫu đơn, phát hiện có 58 mẫu nghi nhiễm.
Ông Phạm Xuân Đạt - văn phòng Đảng ủy phường Tam Bình - cho hay trong trường hợp phát hiện mẫu gộp dương tính sẽ xét nghiệm nhanh từng mẫu đơn. Cá nhân nào có kết quả test nhanh dương tính, lực lượng chức năng đưa về khu cách ly tập trung là các trường học trên địa bàn phường.
"Chúng tôi ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân vùng nguy cơ cao để xử lý F0 (nếu có), biến nơi đây thành vùng sạch" - ông Đạt nói và cho biết hơn một tháng nay, phường được tăng cường thêm lực lượng là các sinh viên Trường ĐH Y Thái Nguyên.
Còn ông Văn Hữu Nghĩa - trưởng Trạm y tế phường 3, quận Bình Thạnh - cho biết hiện nay phường có 2 tổ lấy mẫu với 20 thành viên. Hai tổ này sẽ thực hiện lấy mẫu toàn bộ người dân trên địa bàn phường bằng hình thức test nhanh.
Trường hợp dương tính, sẽ được lập hồ sơ ghi nhận như là một F0 và gắn bảng cách ly, điều trị tại nhà.
Quá trình cách ly tại nhà, nếu F0 cần trợ giúp y tế thì có thể liên hệ với tổ phản ứng nhanh của phường để được hỗ trợ. Trường hợp F0 có triệu chứng nặng thì sẽ được chuyển đến các cơ sở điều trị.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho hay ngày 24-8 quận đã điều chỉnh nội dung kế hoạch xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, quận chỉ định xét nghiệm tại các tổ dân phố có mức nguy cơ cao và nguy cơ rất cao bằng cách test nhanh mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong vùng và hoàn tất vào ngày 25-8, sau đó tiến hành lặp lại xét nghiệm lần 2.
TP.HCM thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir
Dự kiến từ hôm nay (25-8), Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP.HCM triển khai chương trình thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM (home-based care).
Theo Bộ Y tế, lô thuốc Molnupiravir 300.000 viên loại 200mg (tương đương trên 7.500 liều) đầu tiên vừa được nhập khẩu về đến Việt Nam trong ngày 23-8 và dự kiến ngày 28-8 sẽ có thêm 1.700.000 viên 200mg (tương đương khoảng 50.000 liều). Các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu sử dụng trong chương trình vào đầu tháng 9-2021.
Ngoài ra hiện doanh nghiệp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước cũng đã sẵn sàng tài trợ lô thuốc đầu tiên với 16.000 liều, đến ngày 5-9 sẽ cung cấp thêm 100.000 liều (tổng cộng 116.000 liều, tương ứng 2.320.000 viên Molnupiravir 400mg).
Các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình và đồng ý tự nguyện tham gia chương trình bằng văn bản, đồng thời sẽ được phát 1 túi thuốc home-based care.
Cùng với túi thuốc là tài liệu hướng dẫn chi tiết về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với bác sĩ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng. Sau 5 ngày, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỉ lệ âm tính với virus SARS-CoV-2 và tỉ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn.
Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh COVID-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc.
HOÀNG LỘC
Thời gian xét nghiệm các vùng ra sao?
UBND TP.HCM đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đảm bảo công tác hậu cần, sẵn sàng 1 triệu test nhanh/tuần và sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR đảm bảo cho việc lấy mẫu 200.000 người/ngày (cả mẫu đơn và gộp).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đối với các "vùng đỏ" cần thực hiện lấy mẫu test nhanh 48 giờ/lần và test thường xuyên trong vòng 3 tuần, "vùng cam" lấy mẫu test nhanh 2 lần/tuần, "vùng vàng" và "vùng xanh" lấy mẫu gộp RT-PCR hoặc mẫu gộp hộ gia đình.
Những trường hợp test nhanh dương tính cách ly tại nhà không cần lấy mẫu xác định RT-PCR, còn trường hợp chuyển viện thì trước khi chuyển cần lấy mẫu RT-PCR xác định lại.
"Với sự tham gia tự nguyện của người dân cùng với sự theo dõi, giám sát hỗ trợ của ngành y tế, tôi tin rằng sẽ đảm bảo tiêu chí về mặt kỹ thuật cũng như số lượng lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây" - ông Sơn nhận định.
Theo Sở Y tế TP.HCM, dự báo trong một tháng tới có thể có khoảng 182.400 ca F0, tương ứng cần 182.400 túi thuốc (mỗi túi gồm 4 thuốc với số lượng đủ dùng cho 7 ngày).
Để đáp ứng nhu cầu điều trị F0 tại nhà, đơn vị này đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc cung ứng thuốc cho người mắc COVID-19 F0 cách ly điều trị tại nhà, ước tính kinh phí mua gần 54 tỉ đồng (295.246 đồng/túi thuốc).
HOÀNG LỘC
TTO - TP.HCM đang trong thời gian thực hiện xét nghiệm nhanh mẫu đơn cho toàn bộ người dân vùng nguy cơ cao, rất cao. Ghi nhận tại một số điểm lấy mẫu ngày 24-8, công tác xét nghiệm diễn ra trật tự, có nơi phát hiện nhiều ca nghi nhiễm.
Xem thêm: mth.88382053242801202-0f-hcat-ed-mch-pt-naot-cot-naht-meihgn-tex-naig-ioht-gnud-nat/nv.ertiout