Bạn Trương Văn Đạt (bìa phải) trong lần tiễn các thầy thuốc trẻ lên đường chống dịch tại Bệnh viện COVID-19 Cần Giờ - Ảnh: Q.MINH
Đảm nhận vị trí bí thư Đoàn Trường đại học Y dược TP.HCM liên tiếp hai nhiệm kỳ và là một trong 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018, Trương Văn Đạt (33 tuổi, thạc sĩ dược) luôn có mặt "trên từng cây số" với các hoạt động Đoàn - Hội lẫn chống dịch COVID-19.
Và hôm nay, Đạt chia sẻ về hành trình chống dịch trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: mình vừa trở thành F0.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê của tỉnh Tiền Giang. Thoắt chốc mà đã tròn 15 năm tôi ở TP.HCM, được vùng đất này bao dung, thương yêu và trao nhiều hi vọng...
Tôi cũng như nhiều người con tứ xứ tin rằng Sài Gòn chính là quê hương thứ hai của mình, và vì thế chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng với "giặc" COVID để góp phần đem lại bình yên nơi đây", Văn Đạt bộc bạch đầu câu chuyện.
* Được biết bạn cùng nhiều y bác sĩ của ĐH Y dược TP.HCM đã không ngần ngại đi vào tâm dịch Bắc Giang vào tháng 5-2021...
- Thời điểm đó chúng tôi từ miền Nam ra với vô số bỡ ngỡ, lạ lẫm và không biết những khó khăn, áp lực sẽ lớn thế nào.
Chẳng ngờ những người anh em Bắc Giang đã cho chúng tôi rất nhiều sự hỗ trợ, thân tình để ngày chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và trở về TP.HCM, những giọt nước mắt lã chã rơi, những cái ôm trao nhau siết chặt như chẳng muốn rời.
Chúng tôi nhận ra đại dịch thật đáng sợ nhưng cũng khiến những người con đất Việt đồng lòng, sát cánh cùng nhau hơn.
Những tháng gần đây, Sài Gòn "đổ bệnh". Chúng tôi lại có dịp được thấy những bức tranh tình người đầy xúc động, từ những bác lớn tuổi đến các em nhỏ đều mong muốn làm được điều gì đó để chống dịch, để san sẻ với những mảnh đời bất hạnh hơn.
Chúng tôi có dịp được chứng kiến hàng chục ngàn cán bộ y tế của cả nước nói chung không ngừng hướng về TP.HCM, và hơn 2.000 sinh viên, 1.000 giảng viên, thầy thuốc của Trường ĐH Y dược TP.HCM nói riêng cũng ngày đêm "chiến đấu" ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly... với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Chúng tôi nhắn nhủ với nhau rằng dù thật sự hoàn cảnh rất khó khăn nhưng hãy cố gắng một lần sống thật xứng đáng, ý nghĩa.
* Nhưng "cuộc chiến" nào rồi cũng sẽ có những mất mát, hi sinh.
- Dịch bệnh đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất. Về cá nhân tôi là một thủ lĩnh thanh niên, tôi cho rằng để các bạn trẻ tin và đến với mình, sẵn sàng xông pha thì mình phải làm gương, bên cạnh đó phải biết cách động viên, chuẩn bị sẵn các phương án để giải quyết các khó khăn, những vấn đề có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Các y bác sĩ trẻ có tinh thần xung kích, khát khao cống hiến đến đâu thì chúng tôi cũng luôn cần tâm niệm chúng ta không thể cho người khác cái mà bản thân không thể có cho chính mình.
Dĩ nhiên "cuộc chiến" nào cũng có những mất mát, những hi sinh. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp, đồng chí của mình bị nhiễm bệnh trong lúc làm nhiệm vụ, một số khác lại không thể gặp hoặc tương tác thường xuyên với những người mình thương yêu nữa.
COVID-19 đáng sợ khi chúng "vô hình" nhưng mất mát là "hữu hình". Kỳ lạ là tôi lại thấy trong những hoàn cảnh ngặt nghèo này là sự kiên cường, ý chí mạnh mẽ của các bạn y bác sĩ lẫn những tình nguyện viên.
Tôi biết nhiều bạn khi vừa khỏi bệnh lại tiếp tục xung phong ở lại bệnh viện hay chọn xông pha vào các mặt trận khác với tâm thế hừng hực, hết mình của tuổi trẻ. Những hình ảnh đó ắt hẳn ít nhiều hun đúc hi vọng, niềm tin khuất phục đại dịch trong tôi lẫn nhiều người.
* Phải chăng vì vậy mà dù vài ngày trước khi đã trở thành một F0, bạn lại không quá bi quan?
- Tôi đang trải qua những ngày "rất khác", thay đổi vị trí hoàn toàn so với trước đây và đang hiểu thế nào là nỗi đau của người bệnh. Nhưng nhờ có nhiều thời gian để quan sát, tôi nhận ra bản thân có sự thấu cảm với cả bệnh nhân lẫn bác sĩ, các "chiến sĩ" khác trong đời thường... gấp nhiều lần so với trước đây.
Như việc tôi xúc động, trân quý hơn với hình ảnh các bác lái xe cấp cứu ngày đêm, những cô lao công cần mẫn, kiệm lời trong bệnh viện hay những anh dân quân tự vệ không một lời ta thán khi canh gác các con hẻm có nguy cơ lây nhiễm cao, các đồng nghiệp của tôi phải mướt mồ hôi hơn để choàng gánh việc cho những y bác sĩ lỡ bị bệnh, những cô chú bán rau quả góp nhặt từng gói gửi tặng tuyến đầu hoặc đồng bào đang khó khăn...
Và tôi cũng hiểu hơn nỗi trăn trở về cảm giác "bị xa lánh" của một bộ phận không nhỏ các F0.
COVID-19 có thể khiến tôi bị ảnh hưởng về sức khỏe thể chất, nhưng kỳ thực tinh thần của tôi không chút lung lay.
Trương Văn Đạt nói trong cuộc chiến chống đại dịch này, ai cũng là một chiến sĩ, tổ chức nào cũng là một pháo đài. "Có thể tôi chưa từng gặp nhiều người trong số họ, nhưng tôi biết chúng ta đều đang có chung một chí hướng, một khao khát là chiến thắng đại dịch" - anh chia sẻ.
Và để chiến thắng đó được trọn vẹn, Đạt mong muốn mọi người hãy bớt "kỳ thị" các F0, điều sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất ở họ.
"Hãy gọi những người không may mắn mắc bệnh là F, nhưng là F trong chữ "Friend" (bạn), vì chỉ khi tất cả coi nhau là bạn thì vòng tay mới siết chặt hơn, từ đó trở nên mạnh mẽ, bền vững hơn" - Đạt bộc bạch.
TTO - Những vị khách đặc biệt nối đuôi nhau đẩy cửa bước vào siêu thị, tỉ mẩn lựa hàng hóa theo đơn đã đặt sẵn. Chọn xong, thanh toán xong, mọi người ai nấy tỏa ra tứ hướng, chuyển những túi đồ mình vừa chọn về cho từng hộ gia đình.
Xem thêm: mth.25464042242801202-nab-dneirf-al-uahn-iog-am-f-al-uahn-iog-gnohk/nv.ertiout