Đó là chia sẻ của ông David Dương, Chủ tịch Công ty California Waste Solutions (CWS - một trong những công ty xử lý rác hàng đầu tại Mỹ), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) khi trò chuyện trực tuyến cùng chúng tôi từ TP. Oakland, bang California (Mỹ). Ông là một doanh nhân thành công tại Mỹ, đồng thời là một Việt kiều có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, nhất là TP.HCM.
- Ông có thể chia sẻ vài dự định sắp tới nhằm chung tay góp phần hỗ trợ quê hương vượt qua đại dịch?
* Ông David Dương: Trong những tháng vừa qua, tôi đã tìm nhiều cách để đưa vaccine về Việt Nam nhưng không được. Tôi đã trực tiếp làm việc và vận động các văn phòng thượng nghị sĩ, văn phòng Phó Tổng thống Mỹ để xem xét tài trợ hoặc bán vaccine thông qua các mối quan hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại California nhưng vẫn không thành công.
Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CWS và VWS
Nhìn xa hơn, tôi nghĩ dịch bệnh còn có thể kéo dài. Do đó, nếu chúng ta chủ động sản xuất được vaccine sẽ là một lợi thế lớn trong việc tạo được miễn dịch trong cộng đồng. Với những biến thể virus mới liên tục xuất hiện, thì vaccine cũng phải liên tục được nâng cấp. Ở Mỹ, các nhà nghiên cứu về vaccine cho rằng, về lâu dài vaccine phòng chống virus SARS-CoV2 có thể sẽ được tiêm chủng hàng năm giống như phòng ngừa dịch cúm.
Từ nhận định trên, tôi đã tìm được nhà cung cấp vaccine tại Mỹ. Nhà cung cấp này đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho Việt Nam sản xuất. Việc tiếp theo là tìm nhà sản xuất trong nước đã có sẵn dây chuyền sản xuất vaccine, mình chỉ tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ và nhanh chóng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 luôn.
Nhà sản xuất chuyển giao công nghệ, họ phải có trách nhiệm nghiên cứu thường xuyên để cung cấp công thức ngăn ngừa những biến chủng virus mới cho đơn vị nhận công nghệ chuyển giao. Nếu mọi việc được thuận lợi, Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vaccine của Mỹ và được sản xuất ngay tại Việt Nam.
Ông David Dương trao tặng 250 máy trợ thở cho Nguyễn Trác Toàn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco
Tin vui nhất là tôi đã mua được 250 máy trợ thở để tặng TP.HCM. Theo đó, chiều ngày 22-8, tôi đã tổ chức trao tặng 250 máy trợ thở cho ông Nguyễn Trác Toàn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (California, Mỹ). Tổng giá trị lô hàng quà tặng là 750.000 USD (bao gồm các chi phí). Nếu không gì trục trặc, ngày 23-8 (theo giờ California) lô hàng này chính thức được Vietnam Airlines vận chuyển về Việt Nam.
- Tại Mỹ, trong lúc dịch bệnh COVID-19 này, người lao động được chăm lo như thế nào thưa ông?
* Người lao động luôn được trang bị những dụng cụ cần thiết để phòng ngừa bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng như khẩu trang, tấm kính chắn giọt bắn, bao tay, dung dịch khử khuẩn...
Những ai có biểu hiện như sốt, ho, khó thở liền được đưa đi kiểm tra, nếu phát hiện dương tính với những biểu hiện nặng sẽ được đưa vào bệnh viện. Những trường hợp nhẹ sẽ cách ly tại nhà 14 ngày. Sau đó kiểm tra lại, nếu bình thường họ sẽ trở lại làm việc.
Trong thời gian đầu dịch bệnh, người lao động có tâm lý lo lắng nên nghỉ việc nhiều dẫn đến thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, thời gian về sau, những người bị nhiễm và sau 14 ngày cách ly đã trở lại làm việc. Điều đó đã giúp cho những người lao động khác tự tin hơn khi trở lại công ty làm việc.
- Tại Việt Nam, công tác chăm lo cho người lao động của VWS được thực hiện như thế nào thưa ông?
* Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, Công ty VWS cũng đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”. Nghĩa là, công ty đảm bảo khu sản xuất phải tách riêng biệt với khu ở, sinh hoạt; đảm bảo đủ điều kiện về ăn, ở, vệ sinh môi trường, phân khu riêng biệt giữa nam và nữ; đảm bảo phòng cháy chữa cháy; có hệ thống camera giám sát khu vực công nhân ở 24/24…
Đồng thời, VWS phối hợp với ngành y tế thực hiện test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR. Tất cả công nhân đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” phải âm tính. Sau đó, hàng tuần các đơn vị y tế xét nghiệm cho toàn bộ công ty.
Đặc biệt về đời sống, ngoài lương hàng tháng, VWS hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ngày cho những công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, để giúp họ yên tâm công tác, vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Hiện tất cả cán bộ, công nhân viên của công ty đều an toàn, khoẻ mạnh.
Đội ngũ công nhân tham gia xử lý rác thuộc vào nhóm tuyến đầu nên cũng được thành phố ưu tiên trong tiêm vaccine. Hiện tất cả công nhân viên đã được tiêm vaccine mũi 1.
- Trong giai đoạn dịch, việc xử lý rác ở Mỹ và Việt Nam có gì khác hơn so với trước đây không?
* Tôi thấy có sự khác nhau, ở Hoa Kỳ vào thời điểm dịch bệnh chúng tôi tiếp nhận và xử lý lượng rác thải nhiều hơn ngày thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam tình hình diễn ra ngược lại, hiện chúng tôi tiếp nhận lượng rác thải ít hơn lúc bình thường 2.000 tấn/ngày.
Nhân viên công ty CWS thu gom rác tái chế tại Mỹ
- Việc giảm 2.000 tấn rác/ngày có ảnh hưởng gì đến hoạt động của công ty không thưa ông?
* Mặc dù hiện nay số lượng rác bị giảm 2.000 tấn/ngày (trung bình mỗi ngày VWS tiếp nhận khoảng 6.000 tấn), công việc sẽ ít hơn nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên đội ngũ công nhân viên đang làm việc. Bởi vì trong thời kỳ bệnh mà họ vẫn chấp nhận rời xa gia đình để gắn bó với công ty, với thành phố để xử lý rác. Đây là điều chúng tôi rất cảm kích.
Một ảnh hưởng khác từ việc rác bị giảm 2.000 tấn/ngày thì công suất xử lý của các nhà máy bị giảm theo. Việc này gây ra sự lãng phí về công suất do nhà máy được đầu tư để làm việc với công suất lớn.
- Hiện ông đang sống và làm việc tại Mỹ, ông có nhận định gì về sự quan tâm của Mỹ dành cho Việt Nam trước tình hình dịch COVID-19?
* Tôi thấy chính quyền và người dân ở Mỹ hiện rất quan tâm về tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam. Bởi vì sau khi dịch bệnh lây lan ra toàn cầu, Trung Quốc đóng cửa, nhiều công ty của Mỹ đã chuyển một phần về nước và một phần lớn chuyển sang các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch nên cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty của Mỹ có trụ sở hoặc những công ty đang di dời qua và những công ty có dự định phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hiện có khoảng 100.000 công dân Mỹ và một lượng lớn người có thẻ xanh Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Đây cũng là những đối tượng được Mỹ rất quan tâm. Trong tuần trước, không quân của Mỹ đã hoàn tất hợp đồng trị giá 691.000 USD để viện trợ cho Việt Nam 77 tủ đông âm sâu nhằm bảo quản vaccine ngừa COVID-19. Đây cũng là hành động thể hiện sự quan tâm của Mỹ dành cho Việt Nam trong việc hợp tác với các đối tác trên toàn cầu nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch.
Trong thời gian qua, VWS đã tài trợ nhiều trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, ngày 16-7, VWS tặng 3.600 que test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 của Hàn Quốc cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp với tổng số tiền 554 triệu đồng. VWS cũng đã tài trợ khẩu trang N95, bộ quần áo chống dịch COVID-19 cho một số cơ quan truyền thông tuyến đầu chống dịch. VWS dự kiến tặng phương tiện vận chuyển cho địa phương, nơi công ty đặt dự án để địa phương có thể chủ động hơn trong việc vận chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. |